Hợp tác xã thời 4.0…

  • 07:29 | Thứ Bảy, 20/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Xã nọ vốn có truyền thống trồng rau từ lâu đời, những tưởng việc thành lập một hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn sẽ là điều rất dễ dàng, chỉ ngày một ngày hai. Mặt khác, điểm thuận lợi lớn là sản phẩm rau của địa phương đã có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng.
 
Cách đây hơn 10 năm, xã được một dự án hỗ trợ trồng rau theo hướng an toàn VietGAP, từ đó, thành lập HTX và hướng đến sản xuất rau sạch, rau hữu cơ quy mô lớn, xây dựng nhãn hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và tiến tới các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, 1 thập kỷ trôi qua, HTX đó vẫn khó có thể thành hình hài, người nông dân vẫn mạnh ai tự canh tác nấy trên đất ruộng nhà mình. Một nhãn hiệu rau bản địa chỉ còn trên lý thuyết. Mãi đến khi xã cần hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất để đạt chuẩn nông thôn mới, danh xưng “HTX” này mới được đưa ra xem xét kỹ lưỡng (?!).
 
Vậy mà cách đây vài ba năm, cũng trên chính mảnh đất đó, một kỹ sư trẻ đã mạnh dạn mở 1 HTX rau sạch cho gia đình mình, trực tiếp canh tác theo hướng VietGAP, xây dựng nhãn hiệu rau sạch có tên tuổi hẳn hoi và làm được một điều mà trước đây người dân địa phương gọi là “giấc mơ”: đưa hẳn rau làng vào chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
 
Trên thực tế, câu chuyện này được bắt gặp ở rất nhiều vùng quê khác trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những làng nghề sản xuất truyền thống. Một HTX “của chung” thì hoạt động trầy trật, khó khăn, nhưng một cá nhân hay tập thể tâm huyết quyết tâm “chung tay” thì hiệu quả đến gần như tức thì, dù trải qua không ít gian nan, thách thức. Phải chăng có những cách nhìn nhận, quản lý cũ, nay đã không còn phù hợp? Hay còn có những trở ngại về năng lực quản lý, nguồn nhân lực, cách thức tiếp cận các cơ chế, chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật…từ chính các HTX trong giai đoạn hiện nay?
 
2. Trên vùng đất bán sơn địa của huyện Lệ Thủy, nằm sát hồ An Mã, hai cô kỹ sư trẻ tuổi nhưng bản lĩnh, mạnh mẽ và kiên trì đã tâm huyết xây dựng một trang trại sinh thái theo đúng nghĩa, tự tay trồng hoa, tạo khuôn viên, rồi cả nuôi ong lấy mật, trồng sim làm rượu sim, sim khô, trồng nấm cho ra đời sản phẩm nấm sạch… Và phải kể đến sản phẩm ống hút trẻ xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Tất cả các sản phẩm làm ra đều là nông sản sạch, có bao bì nhãn mác hiện đại, tiện lợi, mang thương hiệu của An Mã Farm. Mới đây, sau một thời gian trang trại đi vào hoạt động ổn định, hai cô chủ trẻ quyết định thành lập HTX, sẵn sàng cho những bước kế hoạch dài hơi, táo bạo.
 
3. Thực tế trên cho thấy, đối với mô hình HTX, năng lực chuyên môn và chất lượng đội ngũ quản lý đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nhiều HTX khi chuyển sang mô hình theo Luật HTX kiểu mới đã phải giải thể vì không đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực, hoặc không ít HTX được duy trì, thành lập mới nhưng rồi sản xuất, kinh doanh đình trệ vì thiếu nguồn nhân lực có trình độ.
 
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhân lực HTX là yếu tố then chốt, quyết định thành bại của cả một tổ chức kinh tế tập thể. Chính vì vậy, rất cần có những chính sách mới, cởi mở hơn, hấp dẫn hơn để thu hút các nguồn lực vốn đang dôi dư để chung tay phát triển các HTX đang gặp khó khăn hoặc mạnh dạn cho “ra lò” những HTX thực sự kiểu mới, phù hợp thị trường, bắt kịp xu hướng sản xuất, kinh doanh hiện đại. Và đã đến lúc nội tại các HTX cần có những thay đổi kịp thời để phù hợp hơn với thực tiễn đang đổi mới từng ngày.
 
Quảng Hạ

tin liên quan

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(QBĐT) - Những năm qua, TX. Ba Đồn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương. Việc mạnh dạn chuyển đổi này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Với mục tiêu đồng hành cùng xã miền núi Kim Thủy (Lệ Thủy) xóa đói, giảm nghèo, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập.

Mùa lúa rẫy lại về bên mái Giăng Màn

(QBĐT) - Những ngày này, đồng bào người Khùa, người Mày ở các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) bắt đầu cúng rẫy để bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Bên mái Giăng Màn, giữa màu xanh trùng điệp của cây rừng, màu tím của những bông lau đầu mùa là màu vàng óng ả của những rẫy lúa đang chín rộ.