Khi nông dân... thành doanh nhân!

  • 13:55 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc ứng dụng cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất không chỉ đơn thuần góp phần giải phóng sức lao động mà quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết tiêu thụ. Đó được xem là khâu đột phá, tạo sức bật cho người nông dân "lên đời" từ sản xuất nông nghiệp. Hướng đi này đang được TX. Ba Đồn triển khai để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với xu thế mới.
 
Thành "vua" lúa vì tiếc ruộng hoang
 
So với các địa phương khác, sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ được xem là thế mạnh của TX. Ba Đồn. Tuy nhiên, cùng với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong các công đoạn đã làm thay đổi cả về chất và lượng nền nông nghiệp của địa phương. Cũng từ đó, nhiều người nông dân "chân lấm tay bùn"... trở thành doanh nhân. "Vua" lúa Nguyễn Thanh Hương, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa là một trong số đó. "Biệt danh" này xuất phát từ việc ông Hương là người sở hữu nhiều diện tích đất trồng lúa nhất TX. Ba Đồn và cũng là người tiên phong làm nông nghiệp sạch, xuất bán gạo ra thị trường.
 
Trận lũ năm 2007 khiến một số diện tích đất lúa bị vùi lấp, người dân Quảng Hòa bỏ hoang đất nhiều năm, "nhường chỗ" cho cỏ dại vì công cải tạo gấp nhiều lần thu lợi sản xuất. Thấy đất ruộng bị bỏ hoang nhiều trong khi không ít nhà phải đi mua gạo, ông bàn với vợ bỏ nghề buôn bán chuyển qua làm lúa.
 
HTX Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa của
HTX Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa của "vua" lúa Nguyễn Thanh Hương ứng dụng các loại máy móc trong các công đoạn sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Năm 2016, xã Quảng Hòa có chủ trương "dồn điền, đổi thửa", khuyến khích nông dân tham gia làm cánh đồng mẫu lớn, vợ chồng ông Hương đứng ra nhận cải tạo 5ha đất ruộng để tái sản xuất. Người dân địa phương đang trông ngóng không biết vợ chồng ông nhận mấy ha đất hoang hóa nhiều năm làm gì, đến khi biết để trồng lúa thì ai cũng lắc đầu thở dài. Nhất là giai đoạn đầu, khó khăn chồng chất, sức người có hạn, thuê máy móc thì mất rất nhiều chi phí, mỗi lần đi thuê cũng rất phiền hà và mất thời gian (thời điểm này, máy cày, máy gặt của xã còn ít, phần lớn là đi thuê máy từ các địa phương khác).
 
Thế nên, ông đã quyết định dồn hết số vốn vợ chồng tích cóp và vay mượn thêm người thân để mua hai máy gặt và hai máy cày, vừa phục vụ cho việc sản xuất lúa của gia đình, vừa mở thêm dịch vụ cho thuê. Ông Hương cũng chính là một trong những người đầu tiên đưa máy móc về phục vụ bà con nông dân trong xã. Ông kể, trước đây, tổng chi phí thu hoạch 1 sào lúa là từ 600.000-700.000 đồng, trong đó, chi phí nhân công chiếm phần nhiều. Thế nhưng, khi đầu tư máy móc, bà con chỉ mất 3-4 ngày để gặt xong diện tích lúa của gia đình và không phải tốn thêm đồng nào thuê nhân công.
 
Đến nay, ông có trong tay 12ha đất trồng lúa và một số diện tích trồng thêm đậu, ngô… Xem trên tivi thấy có nhiều thương hiệu gạo ngon nổi tiếng, ông Hương cũng ấp ủ ước mơ xây dựng thương hiệu gạo sạch tại địa phương mình. Nghĩ là làm, đầu tháng 4-2019, vợ chồng ông Hương đã thành lập HTX Sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa. HTX hoạt động trên cơ sở là 1 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo sạch Quảng Hòa sử dụng đầy đủ các loại máy móc: Máy làm đất, máy gặt, máy sấy công, máy xay, máy ép trấu.... Nhiều người nói vui, ông Hương làm nông mà tay chẳng dính mùi bùn.
 
Sức bật cho người nông dân
 
Theo thống kê, toàn TX. Ba Đồn hiện có 2.055 máy móc sử dụng trong nông nghiệp các loại, với tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 95%.
Những năm gần đây, việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng phổ biến rộng rãi. TX. Ba Đồn xác định phải gắn cơ giới hóa với quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng chuỗi giá trị thông qua các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn. Hiệu quả từ hướng đi này phải kể đến việc hợp tác sản xuất chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo sạch trên địa bàn thị xã của Công ty cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh.
 
Công ty cung cấp giống, vật tư phân bón, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón do công ty cung ứng trên toàn bộ diện tích liên kết; bao tiêu sản phẩm cho người dân có diện tích tham gia liên kết. Điều này đã thúc đẩy nền nông nghiệp Ba Đồn phát triển, làm thay đổi nhận thức của người nông dân, tạo cho bà con cách sản xuất tập trung mang tính cộng đồng...
 
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Chính nhờ việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mà nông dân TX. Ba Đồn đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp có hiệu quả. Trước đây, khi nuôi tôm tại hồ, nhiều hộ gia đình không có kinh nghiệm chăm sóc và cải tạo ao hồ nên số tôm bị bệnh chết rất nhiều. Sau nhiều lần tìm hiểu và được các ban, ngành hướng dẫn việc sử dụng máy sục khí oxy, máy bơm thay nước cho các hồ nuôi…, bà con nuôi tôm, cá đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Ông Cao Xuân Mạnh, một nông dân nuôi tôm ở xã Quảng Hải chia sẻ: “Nhờ có máy móc hỗ trợ nên gia đình tôi đỡ chi phí rất nhiều, khi phát hiện nước trong hồ tôm có biểu hiện ô nhiễm khiến tôm chết, bị bệnh là phải xử lý kịp thời hoặc thay nước. Nếu không có máy móc thì sức người khó làm được!”.
 
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng chuyển đổi phương thức sản xuất trên địa bàn. Đó không chỉ giải bài toán về thiếu lao động mà còn giảm chi phí trong sản xuất và tạo tiền đề quan trọng cho các xã, phường xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, từ đó, người nông dân không những làm chủ mà còn hướng tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
 
X.Phú

tin liên quan

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(QBĐT) - Những năm qua, TX. Ba Đồn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương. Việc mạnh dạn chuyển đổi này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Với mục tiêu đồng hành cùng xã miền núi Kim Thủy (Lệ Thủy) xóa đói, giảm nghèo, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập.

Mùa lúa rẫy lại về bên mái Giăng Màn

(QBĐT) - Những ngày này, đồng bào người Khùa, người Mày ở các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) bắt đầu cúng rẫy để bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Bên mái Giăng Màn, giữa màu xanh trùng điệp của cây rừng, màu tím của những bông lau đầu mùa là màu vàng óng ả của những rẫy lúa đang chín rộ.