Để xã Thái Thủy về đích nông thôn mới

  • 14:28 | Thứ Hai, 01/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo lộ trình, xã Thái Thủy (Lệ Thủy) sẽ cán đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã Thái Thủy đang nỗ lực huy động các nguồn lực, dốc sức hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt.
 
Còn những khó khăn
 
Đến nay, xã Thái Thủy đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM. Riêng 3 tiêu chí còn lại chưa đạt gồm: Giao thông (tiêu chí số 2), trường học (tiêu chí số 5), hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (tiêu chí số 18). Đặc biệt, tiêu chí số 2 và tiêu chí số 5 vẫn còn gian nan đối với địa phương.
 
Tính đến cuối tháng 9-2021, xã Thái Thủy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về tiêu chí giao thông. Bởi địa bàn xã tương đối rộng lớn, dân cư thưa thớt nên rất khó để huy động nguồn lực làm đường giao thông. Toàn xã đang cần nguồn lực đầu tư 1,8km đường liên xã; 4,6km đường liên thôn; 20km đường ngõ xóm và 7,6km đường nội đồng. Hiện cả xã có 20km đường ngõ xóm, 6km đường nội đồng đang thi công thì gặp những trận mưa lũ nên bị sạt lở, sụt lún 50%, làm ảnh hưởng đến quá trình thi công.
 
Tuyến đường giao thông và kênh mương nội đồng ở xã Thái Thủy vừa được xây dựng.
Tuyến đường giao thông và kênh mương nội đồng ở xã Thái Thủy vừa được xây dựng.
Trong số các tiêu chí còn lại, tiêu chí trường học đang gặp khó khăn nhất, đặc biệt là trường mầm non. Hiện Trường mầm non Thái Thủy còn thiếu 4 phòng học, 4 phòng chức năng, 2 phòng làm việc; khuôn viên, hàng rào, phòng bảo vệ, y tế, phòng thường trực, cổng và nhà ăn cũng đang xuống cấp... Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Thái Thủy cho biết: “Do thiếu phòng học, phòng làm việc nên nhà trường phải tổ chức dạy và học lớp ghép; bố trí cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc chung trong hội trường và một số phòng kho. Khu vực vui chơi cho các cháu cũng chật chội, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tinh thần và thể chất của trẻ”.
 
Về tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tháng 8-2021, Đảng ủy xã Thái Thủy đã kỷ luật 1 đảng viên sinh con thứ 3 tại chi bộ thôn Trung Thái. Hiện nay, hệ thống đài truyền thanh của xã đã hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một số công trình hồ đập xung yếu, thiếu an toàn trong mùa mưa lũ cần được khắc phục…
 
Dốc sức cho giai đoạn nước rút
 
Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Khi bắt tay xây dựng NTM, xã đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, giới thiệu việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, các tiêu chí quan trọng, như: Thu nhập, nhà ở, hộ nghèo… của xã đều đã đạt. Trên địa bàn đã xuất hiện hàng trăm mô hình chăn nuôi, trồng rừng, trồng tiêu… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2015 đến nay, xã Thái Thủy đã huy động 52 tỷ đồng để xây dựng NTM. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp gần 1,9 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa”.
 
Với số vốn trên, xã Thái Thủy đã dốc sức để xây dựng hệ thống kênh mương, đê đập, đường giao thông và trường học. Đến nay, tiêu chí giao thông của xã đạt khoảng 88% khi hầu hết các đường giao thông liên xã, liên thôn của xã đã được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn NTM. Các tuyến đường còn lại, như: Đường từ xã Tân Thủy đến xã Thái Thủy dài 1,8km đang được nâng cấp, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11. Nhiều tuyến đường liên thôn, xóm, đường nội đồng cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV-2021. Các tuyến đường ngõ xóm, đường nội đồng sau khi làm mặt bằng đã bị xói lở, sụn lún do mưa lũ cũng đang được khắc phục. Một số công trình đê đập đã được xây mới, nâng cấp.
 
Trong số vốn huy động được, xã cũng đã trích trên 7 tỷ đồng để tu sửa, xây dựng mới hệ thống trường học. Đến nay, cơ sở vật chất trường tiểu học, THCS cũng cơ bản chuẩn NTM. Các điểm lẻ trường mầm non đã được tu sửa. Riêng điểm trung tâm xây dựng mới thêm dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học, tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 3,9 tỷ đồng, sẽ hoàn thành tháng 12-2021. Tuy nhiên, nguồn vốn của công trình đang thiếu để xây dựng hàng rào, cổng, phòng y tế, nhà ăn… là khoảng 4,1 tỷ đồng nên xã đang đề xuất tỉnh, huyện quan tâm bố trí vốn.
 
Riêng nguồn đóng góp của nhân dân, xã đã tập trung mua sắm trang thiết bị, tu sửa hệ thống nhà văn hóa, đường nội thôn, xóm theo chuẩn NTM. Về tiêu chí tiệm cận là tiêu chí thông tin và truyền thông, UBND tỉnh cũng đã có quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống đài truyền thanh cho xã để kịp cán đích NTM. Thực hiện tiêu chí môi trường, nước sạch, xã Thái Thủy vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tạp, nhất là việc xử lý môi trường ở các khu vực chăn nuôi, đầu tư công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn; vận động nhân dân mua sắm các thiết bị lọc nước để sử dụng. Đến nay, tỷ lệ thu góp rác tại các hộ gia đình xã Thái Thủy đạt 95%, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch. UBND xã cũng đã giao cho các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình "thắp sáng đường quê”, chỉnh trang lại nhà cửa, hàng rào, vườn hộ sạch đẹp, ngăn nắp…
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Xã Thái Thủy là địa phương duy nhất của huyện Lệ Thủy được giao về đích NTM năm 2021. Để giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu, Huyện ủy, UBND, các phòng, ban, tổ chức đoàn thể đã và đang có nhiều quan tâm, hỗ trợ cho xã thực hiện các tiêu chí, trong đó tập trung xây dựng trường học, đường giao thông, công trình thủy lợi, thiết chế văn hóa".
 
Xuân Vương

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.