Người trẻ khởi nghiệp

  • 08:07 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.
 
Nội ngoại đòi "từ" mặt
 
Bảy và Tú là bạn học, hết cấp 3 chị học lên đại học được 2 năm thì bỏ dở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn anh theo học nghề lái máy. Mấy năm sau hai người nên duyên vợ chồng và được gia đình cho ra ở riêng. Chị Bảy ở nhà làm việc vặt chăm con nhỏ, còn chồng lái máy thuê công trình loanh quanh huyện. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ lặng lẽ qua ngày, thu nhập đủ trang trải nhưng để dư dả thì chẳng có.
 
Xuất thân con nhà khó, muốn "đổi đời" nhiều bạn bè trang lứa của vợ chồng Bảy không ly hương vào Nam thì cũng chấp nhận đánh cược với số phận, vay mượn để đi xuất khẩu lao động ở xứ người nhưng họ lại nghĩ khác.
 
Mô hình khởi nghiệp nuôi lươn không bùn của vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy và Phạm Ngọc Tú, thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch).
Mô hình khởi nghiệp nuôi lươn không bùn của vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy và Phạm Ngọc Tú, thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch).
Năm 2019, sau nhiều tháng trời tìm tòi qua sách báo, internet, học hỏi khắp nơi, đôi vợ chồng trẻ quyết định tận dụng diện tích vườn nhà để thử mô hình nuôi lươn không bùn. Nói là làm thử nhưng nếu thất bại thì gần như không có cơ hội làm lại bởi số vốn ban đầu ước chừng 200 triệu đồng. Đó là cả một gia tài lớn không chỉ với hai vợ chồng mà còn cả hai bên nội ngoại. Chị Bảy kể, hai vợ chồng gần như tay trắng, xây nhà ở riêng phải vay còn chưa trả xong cho ngân hàng, giờ phải vay thêm là cả một vấn đề. Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng và cuối cùng vẫn quyết định làm.
 
Tuy nhiên khi đặt vấn đề để nhờ nội ngoại cầm cố sổ đỏ vay thêm tiền thì ai cũng lắc đầu. Chị Bảy tâm sự, không những ông bà hai bên mà cả anh em, người thân, bạn bè biết chuyện đều ngăn cản, chẳng ai tin sẽ thành công, vì mô hình nuôi lươn không bùn còn mới mẻ, mình không có kinh nghiệm, quanh huyện cũng có vài người nuôi nhưng thất bại.
 
Hi vọng trong thời gian tới mô hình nuôi lươn không bùn sẽ được nhiều người biết đến và nhân rộng, chị Lê Thị Bảy chia sẻ.

Sau nhiều lần thuyết phục, ông bà hai bên vẫn nhất quyết không chịu, sợ con trẻ người non dạ chỉ nghĩ bột phát, thậm chí đòi "từ" mặt nếu còn nhắc đến chuyện nuôi lươn. Nhiều tháng sau đó, gần như hai vợ chồng thuộc làu phương án xây dựng bể, chăm sóc như thế nào, lấy giống, đầu ra... để thuyết phục bố mẹ hai bên. Thấy vợ chồng chị Bảy vẫn kiên trì, cuối cùng ông bà cũng đồng ý cho con mượn sổ đỏ vay tiền khởi nghiệp.

Cuối năm 2019, 8 bể nuôi lươn được xây xong (mỗi bể có diện tích 6m2) và tiến hành khử khuẩn, vệ sinh. Tháng 5-2020, vợ chồng chị Bảy vào Đồng Nai lấy hơn 10.000 con lươn giống về nuôi (6.000 đồng/con). Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật, gần 10 tháng sau đã xuất bán hơn 1 tấn lươn thương phẩm, với giá 160.000 đồng/kg. Ngày xuất bán xong vụ lươn đầu tay, hai vợ chồng ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Công sức hơn năm trời đã cho kết quả, mô hình khởi nghiệp nuôi lươn không bùn bước đầu thành công.
 
Đường đến thành công
 
Các mô hình nuôi lươn không bùn khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành phía Nam, nhưng ở Quảng Bình thì còn khá mới mẻ. Nuôi lươn không bùn tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không bảo đảm đúng các kỹ thuật thì rất dễ bị "cụt" vốn. Theo như chị Bảy cho biết, ngoài việc bảo đảm nguồn giống khỏe mạnh thì môi trường nuôi lươn phải luôn sạch, nhất là nguồn nước. Để lươn có chỗ trú ẩn cần đặt các chùm dây nilon trong bể và phải thường xuyên thay toàn bộ nước. Bình quân, mỗi ngày chị Bảy thay nước 4 lần và nước đã được xử lý qua bể lọc.
 
Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện lươn bị bệnh phải tách riêng ra xử lý, tránh để lây lan dễ bị chết hàng loạt. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, các bể nuôi phải có hệ thống bóng sưởi để làm ấm vì lươn không chịu được lạnh. Việc cho ăn với khối lượng, chất lượng, giờ ăn theo từng giai đoạn phát triển của lươn cũng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng.
 
Thức ăn cho lươn được chị Bảy trộn thêm các loại vitamin để tăng sức để kháng, phát triển nhanh.
Thức ăn cho lươn được chị Bảy trộn thêm các loại vitamin để tăng sức để kháng, phát triển nhanh.
Hôm chúng tôi tới thăm, chị Bảy đang tất bật trộn thức ăn cho lươn. Mỗi ngày chị cho lươn ăn hai lần vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Tùy từng giai đoạn phát triển và theo dõi hàng ngày để tỷ lệ pha trộn và thành phần thức ăn cho phù hợp. Thành phần chủ yếu là giun quế đã qua xử lý trộn với cám công nghiệp và kèm theo cả vitamin C, có khi là sữa bột để ngăn bệnh còi xương, chậm phát triển cho lươn. Sau vài tháng nuôi, lươn được phân loại theo kích cỡ, tách đàn để tiện chăm sóc và hạn chế trường hợp con to ăn con nhỏ.
 
Chị Bảy chia sẻ, "muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao thì người nuôi phải theo dõi từng ngày. Qua sách báo, xem các mô hình thì tưởng đơn giản nhưng bắt tay vào nuôi mới biết, chăm lươn rất vất vả, nhất là vụ đầu chưa quen. Nhiều lúc mất ăn mất ngủ với chúng".
 
Vụ thứ 2 này, vợ chồng chị Bảy thả nuôi hơn 15.000 con lươn giống, với tỷ lệ sống và tăng trưởng cao hơn vụ đầu thì sau 8-10 tháng, lươn sẽ có trọng lượng từ 200-500 gam và thu về gần 2 tấn lươn thương phẩm.
 
So với các giống vật nuôi khác, chi phí nuôi lươn không bùn không cao, đầu ra luôn ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, hai vợ chồng dự định mở rộng quy mô, kết hợp nhân giống lươn để giảm chi phí đầu vào nhưng khó khăn nhất vẫn là quay vòng vốn, chị Bảy cho hay.
                                                                                                                                                   X.Phú

tin liên quan

Đưa vào vận hành đường dây và trạm biến áp 110kV Cam Liên

(QBĐT) - Công ty Điện lực Quảng Bình vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung nghiệm thu, đóng điện và đưa vào vận hành công trình trạm biến áp (TBA) 110kV Cam Liên.

Nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng giảm, CPI tháng 10 giảm 0,2%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước đó. Trong số đó, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
 

Tập trung thi công cầu Hà Sơn

(QBĐT) - Những ngày này, đơn vị thi công công trình cầu Hà Sơn, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) đang nỗ lực tập trung nhân lực, máy móc phương tiện để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ thi công và chất lượng công trình, hoàn thành kế hoạch đề ra.