Khuyến khích chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật

  • 14:07 | Thứ Năm, 28/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu. Để đạt mục tiêu đặt ra, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
 
Nhìn đàn lợn nung núc, có con đã đạt 60, 70kg, ông Hoàng Văn Lộc ở thôn Ba Tâm, xã Thuận Hóa tự hào khoe rằng đó là sản phẩm của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi mới. Kỹ thuật mới mà ông Lộc nói đến là phương pháp nuôi lợn sinh học mà ông được Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) chuyển giao, hỗ trợ.
 
Suốt mấy chục năm qua, trang trại của gia đình ông lúc nào cũng duy trì từ 50-70 con lợn. Ông Lộc cho biết: “Người ta nuôi như thế nào, mình nuôi như thế ấy. Đều là thức ăn công nghiệp cả. Nhưng, đây là lần đầu tiên tôi thực hiện nuôi lợn theo phương pháp sinh học”.
 
Giữa tháng 7-2021, sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chuồng trại, ông Lộc bắt 55 con lợn về nuôi. Sẵn kinh nghiệm nuôi lợn bấy lâu, ông cứ thế vừa làm vừa đọc tài tiệu và ứng dụng thực tế vào đàn lợn của mình. Ông cho biết, kỹ thuật nuôi theo phương pháp sinh học cũng không khó. Nhưng nhất thiết chuồng trại phải thoáng mát. Thay vì chỉ sử dụng tấm lợp fibro xi-măng, ông lót thêm 1 lớp mái lá kè nữa.
Mô hình nuôi lợn theo phương pháp sinh học của ông Hoàng Văn Lộc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi lợn theo phương pháp sinh học của ông Hoàng Văn Lộc bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hơn nữa, chuồng trại của ông nằm giữa vườn cây nên rất thoáng mát. Trước khi thả lợn, ông đã lót sàn 1 lớp bã hỗn hợp gồm: Trấu, mùn cưa đã được ủ men sinh học (từ 3-5 ngày). Cứ 2-3 ngày đảo lớp lót một lần. Tất tật những chất thải của lợn đều bị vi sinh phân hủy, nên mùi hôi đã được khử. Chuồng sạch sẽ, lợn cũng không phải dùng nước để tắm rửa, nên nước thải không có.
 
Còn thức ăn, ông chủ yếu dùng men vi sinh, cũng chỉ là những phụ phẩm nông nghiệp có sẵn, như: Cám, ngô, lúa đã được ủ men vi sinh hoạt tính. Thỉnh thoảng, ông bổ sung thêm các loại cá, hoặc phụ phẩm của cá làm thức ăn cho vật nuôi thay thế các loại bột dinh dưỡng đậm đặc bán sẵn trên thị trường.
 
Dù đàn lợn chưa xuất chuồng, nhưng qua hơn 3 tháng nuôi, ông đã tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí cho khoản thức ăn, so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà trọng lượng lợn vẫn không hề thua kém. Rõ ràng, tính về bài toán kinh tế, những người nông dân chăn nuôi như ông Lộc đã có lợi. Ông Lộc cho hay, chăn nuôi theo phương pháp sinh học đã là xu hướng, xu thế của ngành chăn nuôi.
 
Ông đã nắm chắc kỹ thuật, phương pháp rồi, thì cứ thế mà làm, chứ không còn đắn đo gì nữa. Dĩ nhiên, nuôi lợn theo quy trình sạch, thì thịt lợn cũng sẽ sạch. Giờ đây, ông chỉ lo lắng đầu ra. “Bởi chỉ có những mối quen biết mới rõ quy trình lợn của tôi được nuôi như thế nào. Chứ đối với thịt lợn thành phẩm chạy bán trên thị trường, người tiêu dùng khó mà phân biệt được thịt lợn nuôi sinh học với thịt lợn nuôi công nghiệp”, ông Lộc trăn trở.
 
Thời gian gần đây, người nông dân chăn nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa không chỉ áp dụng các phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới, mà còn đã mạnh dạn cải tạo, nâng cấp giống vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và thu nhập. Cũng như bao người nông dân khác, trước đây, bà Trần Thị Hoa Lý ở thôn Uyên Phong (xã Châu Hóa) chỉ nghĩ con bò là vật kéo cày.
 
Thế rồi, khi giống bò lai được giá “lên ngôi”, bà chuyển hẳn sang nuôi bò lai. Suốt 10 năm chăn nuôi bò lai, đều đặn mỗi năm, gia đình bà cho xuất chuồng 2 con bê lai, mang về nguồn thu hơn 30 triệu đồng. Với gia đình 2 ông bà già, tuổi đã cao, sức đã yếu, đó là khoản thu nhập không nhỏ.
 
Năm 2020, được sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 con bò lai của bà được phối giống bò 3B, giống bò được giới thiệu là mang lại giá trị kinh tế còn cao hơn cả bò lai bà đang nuôi. Nghe vậy thì biết vậy. Rồi 2 con bò lai của bà cũng đến kỳ sinh sản. Bà Lý cho biết: “Đúng là giống bò 3B cao lớn hơn nhiều so với bò lai. Cùng thời gian nuôi, mà trọng lượng của nó gần gấp đôi bò lai bình thường. Tháng 8 vừa qua, tôi vừa bán 2 con bê (7 tháng tuổi), với giá 45 triệu đồng, cao hơn 15 triệu đồng so với 2 con bê lai trước đó. Giờ thì 1 con đã có chửa, còn 1 con đang tiếp tục phối giống 3B”.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, để khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, thiếu sự liên kết, đầu năm 2021, huyện Tuyên Hóa đã ban hành đề án “Phát triển chăn nuôi tập trung giai đoạn 2021-2025”. Theo đề án, Tuyên Hóa sẽ quy hoạch ở các xã, thị trấn, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi tập trung hiệu quả, bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ.
 
Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi tập trung áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ có quy mô lớn, từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đây cũng sẽ là động lực để Tuyên Hóa nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.
 
Nhằm khuyến khích người chăn nuôi, năm 2021, huyện Tuyên Hóa đã có quyết định hỗ trợ các hộ gia đình chăn nuôi duy trì thường xuyên 10 con bò lai trở lên (tỷ lệ máu ngoại 50% trở lên, không tính bò dưới 6 tháng tuổi), với mức 600 nghìn đồng/con bò cái sinh sản; 300 nghìn đồng/con bò đực, bò thịt và 1 triệu đồng/con với hộ gia đình chăn nuôi bò, bê lai 3B có số lượng 3 con trở lên. Đối với các trang trại chăn nuôi, hỗ trợ đầu tư ban đầu 30 triệu đồng/trang trại. Và hỗ trợ lần 2 với mức 50 triệu đồng/trang trại đối với trang trại chăn nuôi thường xuyên 60 con bò lai trở lên hoặc 500 con lợn trở lên, với điều kiện trang trại xây dựng tại địa điểm quy hoạch của UBND xã, thị trấn và có hệ thống xử lý chất thải.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Triển vọng mô hình trồng nấm kết hợp rau sạch

(QBĐT) - Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng nấm kết hợp rau sạch công nghệ cao của Hợp tác xãdịch vụ nông nghiệp Ngân Hà (HTX Ngân Hà), phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới còn cho thấy những giá trị ưu việt trong việc bảo vệ môi trường sinh thái nhờ đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Giá vàng sáng 27-10 tăng tiếp 150.000 đồng/lượng

Sáng 27-10, giá vàng trong nước được các công ty vàng bạc đá quý tiếp tục tăng 150.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.

"Tiếp sức" doanh nghiệp vượt qua đại dịch

(QBĐT) - Đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng (KH), góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội.