"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

  • 08:09 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, “vực dậy” nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để “nuôi dưỡng” nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
 
Nhiều khó khăn, thách thức
 
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho “sức khỏe” của DN và cả nền kinh tế bị giảm sút. Và khi sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đồng nghĩa với việc DN khó có thể bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ NSNN. Hàng năm, TP. Đồng Hới đóng góp nguồn thu khá lớn cho NSNN tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới thu 73,5%, chưa đạt kế hoạch đề ra và là một trong những địa phương có mức thu thấp của tỉnh.
 
Năm 2021, TP. Đồng Hới được giao thu 1.886,7 tỷ đồng (chiếm hơn 38% nguồn thu NSNN tỉnh). 9 tháng qua, địa phương này chỉ thu được gần 1.387 tỷ đồng (chỉ đạt 73,5%). Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh Hoàng Văn Giáp lo lắng cho biết: “Theo kế hoạch, đến hết 9 tháng năm 2021, đơn vị phải thu đạt 75% kế hoạch. Thế nhưng, từ cuối tháng 8, dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, TP. Đồng Hới thực hiện giãn cách, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều bị đóng cửa, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu NSNN. Nhiệm vụ thu ngân sách những tháng còn lại của năm 2021 sẽ rất nặng nề”.
 
Một dự án quy hoạch đất ở huyện Tuyên Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ, nhằm tạo ra nguồn thu cho ngân sách.
Một dự án quy hoạch đất ở huyện Tuyên Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ, nhằm tạo ra nguồn thu cho ngân sách.
Những tháng vừa qua, không chỉ TP. Đồng Hới chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, huyện miền núi Tuyên Hóa, nơi chỉ xảy ra rải rác một vài ca dương tính với SARS-CoV-2 cũng không ngoại lệ. Với một địa phương miền núi khó khăn của tỉnh, nguồn thu NSNN chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và khai thác tài nguyên khoáng sản.
 
Mặc dù 9 tháng qua, huyện Tuyên Hóa đã đạt kế hoạch thu đề ra (58,8 tỷ đồng, chiếm hơn 88% dự toán năm), song một số khoản thu đạt rất thấp. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ đạt 49,3%, tiền cho thuê đất mới đạt 50%, thuế thu nhập cá nhân mới đạt 67,6% dự toán năm.
 
Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tuyên Hóa-Minh Hóa Đoàn Linh Giang cho biết, với huyện Tuyên Hóa, khoản thu từ đất và từ khai thác khoáng sản là các nguồn để tăng thu cho NSNN trên địa bàn. Tuy nhiên, việc các DN khai thác khoáng sản nợ đọng thuế, phí là do sản phẩm không tiêu thụ được, phải ngừng hoạt động. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất khó khăn, vì nguồn tài chính dự trữ trong nhân dân không còn dồi dào như trước, đã tác động không nhỏ đến thu ngân sách của địa phương cả trước mắt và lâu dài.
 
“Vực dậy” nền sản xuất, kinh doanh 
 
Tính đến hết tháng 9-2021, Cục Thuế tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu hơn 4.091 tỷ đồng (đạt 97,9% dự toán Trung ương và 83% dự toán tỉnh giao), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu ngân sách tuy vượt tiến độ dự toán giao, nhưng cơ cấu thu ngân sách chưa đồng đều giữa các khoản thu, các khoản thu từ đất chiếm tỷ trọng lớn với 2.237 tỷ đồng (gần 55% tổng nguồn thu).
 
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những khoản thu có tính chất bền vững từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đều chưa đạt tiến độ dự toán. Dự báo những tháng cuối năm 2021, các khoản thuế, phí thu từ hoạt động sản suất, kinh doanh của DN tư nhân và hộ cá nhân kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng như những tháng đầu năm, do các hoạt động bị chững lại và giảm vì dịch. Đặc biệt, các khoản gia hạn thuế, tiền thuê đất có thời hạn đến ngày 31-12-2021 tiềm ẩn nguy cơ nợ thuế, số thu sẽ rơi vào năm sau, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dự toán thu năm 2021.
 
Phục hồi sản xuất, kinh doanh là cơ sở
Phục hồi sản xuất, kinh doanh là cơ sở "nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách.
Theo ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch Hội DN tỉnh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Trong tháng 8 và 9-2021 trên địa bàn tỉnh đã có nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh cần kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, như: Gói cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng đã được ban hành đến năm 2022; sửa đổi, cải cách các điều kiện, quy trình thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN.
 
Bên cạnh việc gia hạn thời hạn nộp các loại thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 và đến hết năm 2022, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng giảm thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa, vì đối tượng này bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đối với các công trình, dự án đã hoàn thành, các ngành, các địa phương cần rà soát, cân đối vốn hàng năm để thanh toán, nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư, giúp DN sớm triển khai thực hiện các dự án đầu tư công đúng tiến độ.
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, đơn vị cũng đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tín dụng, an sinh xã hội để hỗ trợ cho DN, người nộp thuế, người dân giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
 
Để bảo đảm nguồn thu trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh cũng đã tiến hành đánh giá, phân tích cụ thể các nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế; đánh giá tác động giảm thu ngân sách do dịch Covid-19 và xây dựng các giải pháp thu bù đắp, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu mới; trong đó, đặc biệt chú trọng các ngành, lĩnh vực có lợi thế do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng, như: Thương mại điện tử, bán hàng online, dịch vụ viễn thông, Internet, các mặt hàng thiết yếu và các ngành nghề phát sinh mới.
 
Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19-4-2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, đến hết tháng 9-2021, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận, xử lý cho gần 700 doanh nghiệp và hộ kinh doanh nộp hồ sơ xin gia hạn thời hạn nộp thuế, với tổng số thuế được gia hạn gần 130 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh cũng đã triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cho hơn 4.265 người nộp thuế (số tiền hơn 73 tỷ đồng); xóa nợ cho hơn 4.700 người nộp thuế (số tiền hơn 40 tỷ đồng).
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.

Đưa vào vận hành đường dây và trạm biến áp 110kV Cam Liên

(QBĐT) - Công ty Điện lực Quảng Bình vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung nghiệm thu, đóng điện và đưa vào vận hành công trình trạm biến áp (TBA) 110kV Cam Liên.

Nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng giảm, CPI tháng 10 giảm 0,2%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước đó. Trong số đó, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.