Tuyên Hóa: Sắn được mùa, được giá

  • 14:28 | Thứ Ba, 05/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân huyện Tuyên Hóa đang tích cực thu hoạch sắn. Năm nay, cây sắn được mùa, được giá, người dân rất phấn khởi.
 
Gia đình anh Phan Văn Hoành ở thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa đang tập trung nhân lực phấn đấu trong hai ngày thu hoạch xong 0,5ha sắn cao sản KM94. Anh Hoành cho biết, diện tích đất này trước đây gia đình anh sử dụng để trồng cây keo, nhưng năm 2021, anh quyết định chuyển sang trồng sắn.
 
Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây sắn phát triển tốt, năng suất cao, bình quân đạt 20 tấn/ha. Với diện tích sắn của gia đình, anh Hoành dự ước sẽ thu hoạch trên 10 tấn củ, số tiền thu được khoảng 25 triệu đồng. Theo anh Hoành, xét về giá trị kinh tế, chỉ 1 năm trồng sắn đã cho thu nhập bằng 5 năm trồng keo. Mặt khác, mỗi lứa keo phải mất 5 năm mới cho thu hoạch, nếu rủi ro gặp bão thì coi như mất trắng.
 
Cũng tại thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa, gia đình anh Trần Xuân Sơn đang tập trung thu hoạch sắn. Theo anh Sơn, năm nay sắn vừa được mùa, được giá, người dân rất phấn khởi. Giá sắn đầu vụ được thương lái thu mua 1.500.000đồng/tấn nhưng hiện nay đã tăng lên 2.200.000đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
 
Năm nay, gia đình anh Trần Xuân Sơn trồng gần 2ha sắn, hiện đã thu hoạch được 70% diện tích. Với giá sắn như hiện nay, dự tính gia đình anh sẽ thu về 70 triệu đồng từ trồng sắn.
Trồng sắn cao sản KM94 mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Phan Văn Hoành (thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa).
Trồng sắn cao sản KM94 mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Phan Văn Hoành (thôn Tam Đăng, xã Sơn Hóa).
Chị Hồ Thị Song Hương, chủ một cơ sở thu mua sắn ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho hay, từ đầu vụ đến nay, cơ sở đã thu mua trên 4.000 tấn sắn tươi, giá thu mua hiện nay là 2.200.000đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Nguyên nhân giá sắn năm nay tăng mạnh theo chị Hương là vì tình hình dịch bệnh, thời tiết ở một số nước, đặc biệt là Trung Quốc không thuận lợi nên nguồn nguyên liệu từ sắn bị sụt giảm.
 
Vì vậy, các doanh nghiệp ở một số nước đã chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Việt Nam. Riêng cơ sở của chị Hương thu mua từ người dân và cung cấp sắn tươi cho một số nhà máy chế biến tinh bột ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… Dù hoạt động hết công suất nhưng cơ sở cũng không đủ nguồn hàng theo yêu cầu.
 
Huyện Tuyên Hóa hiện có khoảng 400ha đất trồng sắn, tập trung nhiều nhất ở các xã: Sơn Hóa, Thạch Hóa,  Đồng Hóa, Đức Hóa… Sản lượng sắn năm nay ước tính trên 8.000 tấn, giá trị thu về trên 17 tỷ đồng.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đặc biệt, Tuyên Hóa đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây cao su trước đây sang trồng sắn và trồng cây ăn quả. Mặc dù giá sắn năm nay tăng đột biến nhưng Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển diện tích trồng sắn theo quy hoạch, không nên chuyển đổi ồ ạt. Vì giá sắn cũng biến động theo quy luật thị trường, việc năm này tăng giá nhưng năm sau giảm là chuyện bình thường.
 
Văn Tư
 
 
 

tin liên quan

Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1630/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Giảm nghèo bền vững từ các mô hình kinh tế hiệu quả

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã biết phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những chính sách được xã Phúc Trạch chú trọng là khuyến khích người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

Tín dụng chính sách "sát cánh" cùng người dân vượt qua đại dịch

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.