Kinh doanh "mùa đại dịch"

  • 08:23 | Chủ Nhật, 03/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lời cảm ơn chân thành của các khách hàng sau khi nhận túi hải sản tươi sống trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng được ví như “liều vitamin thượng hạng” để doanh nhân trẻ Trần Mạnh Thịnh (SN 1988, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Mai Thịnh) quyết định “liều” để tiếp tục duy trì công việc phân phối thủy hải sản.
 
Đằng sau sự lựa chọn này là những gánh nặng về chi phí nhân công, quản trị điều hành, duy trì chuỗi liên kết sản phẩm… Đó còn là trải nghiệm kinh doanh mà theo anh Thịnh: “Có lẽ chỉ đến một lần trong đời!”.
 
Một ngày cuối tháng 8-2021, khi tiếp nhận thông tin một số địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, anh Thịnh nghĩ ngay đến quãng thời gian được nghỉ ngơi.
 
Bởi anh xác định, chuỗi hệ thống siêu thị hải sản Mai Thịnh chủ yếu kinh doanh theo hình thức bán sỉ, tập trung chủ yếu khâu phân phối giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con, đặc biệt là sản phẩm cá chình. Đây vốn dĩ là những khâu rất khó để duy trì trong bối cảnh giãn cách xã hội.
 
Đó là chưa kể đến mặt hàng thủy sản của công ty là dòng cao cấp, kén khách hàng, thị trường tiêu thụ hẹp và doanh nghiệp của anh cũng chỉ mới khởi nghiệp năm 2018, chưa đủ kinh nghiệm, tiềm lực để đón nhận các rủi ro, thách thức. Vậy mà một ý định bất ngờ đã thay đổi tất cả.
 
Nhìn tủ lạnh gia đình thiếu hụt thức ăn vì giãn cách bất ngờ, anh lo lắng và nghĩ đến nhiều gia đình khác cũng đang bị hạn chế nguồn cung thực phẩm thiết yếu. Vậy là, ngay lập tức, “Mình phải mở cửa hàng ngay thôi!”.
 
Một trong những khó khăn lớn nhất là tìm được nguồn hàng và duy trì hàng thủy sản tươi ngon, bảo đảm chất lượng được anh Thịnh giải quyết nhanh chóng. Lợi thế trên có được là nhờ chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm ở TP. Đồng Hới và Bố Trạch, mối liên kết thời gian qua với các kho hàng, cửa hàng thủy sản ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc và nhất là với công ty-nơi anh thường xuyên cộng tác từ khi bắt tay khởi nghiệp. Ngoài ra, anh còn có các mối nuôi trồng thủy sản chất lượng của người dân ở TT. Hoàn Lão, Nhân Trạch (Bố Trạch)…
 
Có được nguồn hàng tốt, anh Thịnh xác định ngay từ đầu sẽ bán theo giá bình ổn, “giá tận biển”-như cách anh ví von-nằm trong khả năng của khách hàng bình dân.
 
Các sản phẩm cũng được đa dạng hóa, phong phú hơn, dễ xuất hiện trên các mâm cơm gia đình ngày giãn cách, như: Cá nục, cá bạc má, tôm thẻ… “Trong mùa dịch, kinh doanh vì cộng đồng và kinh doanh từ tâm là kim chỉ nam của hoạt động công ty”, anh tâm niệm.
 
Thế nhưng, những vướng mắc đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Với chất lượng sản phẩm, uy tín vốn có và giá cả bình ổn, cộng thêm nhu cầu thực phẩm của người dân trong những ngày giãn cách xã hội tăng đột biến, không ngạc nhiên khi lượng đơn hàng nhận được hàng ngày vượt quá mức tưởng tượng của anh Thịnh, hơn 1.000 đơn/ngày.
 
Trong khi đó, nhân lực trực tiếp tại công ty chỉ có 7 người. Tính trung bình, mỗi nhân viên “gánh” gần 150 đơn hàng/ngày. Bài toán khó nảy sinh bất ngờ khiến anh vô cùng bối rối. Riêng việc nhận đơn và phân loại đơn đã rất mất thời gian, chưa kể đến khâu soạn hàng, đóng gói và giao hàng…
 
Ngày đầu tiên, công ty chỉ giải quyết được 350 đơn, ngày thứ hai tăng mạnh với gần 700 đơn, ngày thứ ba, thứ tư dần ổn định hơn… Tuy vậy, vẫn còn hơn 300 đơn không giải quyết được mỗi ngày, một số khách hàng không hài lòng vì hải sản trao tay giảm chất lượng, phải chờ đợi quá lâu, thậm chí có khách hàng phải chờ tới 5 ngày mới được “chốt đơn”’.
 
Khâu giao hàng mới thực sự nan giải khi nhân viên quá ít ỏi không đáp ứng áp lực công việc, muốn tự giao hàng phải đáp ứng một số yêu cầu khắt khe, gọi giao hàng bên ngoài rất khó khăn và mất nhiều thời gian… Và cả nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Quá tải, căng thẳng, mệt mỏi khiến anh Thịnh vắt kiệt sức, hầu như thức trắng nhiều đêm. Đến ngày thứ 3 duy trì công việc, ý định bỏ cuộc đã len lỏi trong anh…
Anh Trần Mạnh Thịnh (người bên trái) mong muốn, sản phẩm đến tay khách hàng luôn bảo đảm tươi ngon và giá bình ổn, ngay cả trong mùa dịch.
Anh Trần Mạnh Thịnh (người bên trái) mong muốn, sản phẩm đến tay khách hàng luôn bảo đảm tươi ngon và giá bình ổn, ngay cả trong mùa dịch.
Vậy mà những lời cảm ơn chân thành của khách hàng khi nhận túi hải sản cùng nụ cười thân thiện, sẻ chia đã biến mọi áp lực thành động lực tiếp sức cho anh Thịnh. Sau khó khăn ban đầu, anh dần dần tháo gỡ các “nút thắt” khó khăn. Trước hết, anh mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nhận đơn, trả đơn cho khách hàng. Các ứng dụng chuyên nghiệp, phù hợp hơn được sử dụng, bảo đảm không để sót hay để lỡ đơn hàng.
 
Tiếp đó, anh mạnh dạn tuyển hơn 20 nhân viên thời vụ (như anh chia sẻ, anh rất bất ngờ vì các bạn đều là nhân viên du lịch, bảo hiểm, kinh doanh…bị mất thu nhập suốt mấy tháng qua do đại dịch, và anh càng thêm tin tưởng vào quyết định của mình khi duy trì việc bán hàng, tạo thêm thu nhập cho nhân viên), sau đó, kịp thời trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng, xử lý đơn, giao hàng…
 
Đối với các đơn hàng có phản hồi tiêu cực, anh ngay lập tức có hướng giải quyết kịp thời, sẵn sàng hoàn trả 100% chi phí với hàng kém chất lượng. Giá thành bình ổn đi kèm chất lượng phục vụ là then chốt để khách hàng nhớ đến công ty khi có nhu cầu về thủy sản. Qua mùa dịch, thương hiệu Mai Thịnh được nhiều khách hàng biết đến và chia sẻ, có nhiều cơ hội nhận diện thương hiệu trên thị trường.
 
Đặc biệt, sự kết nối với chính quyền địa phương và các ban, ngành, nhất là Sở Công thương được anh duy trì hiệu quả. Theo anh Thịnh, nếu không có sự giúp sức này, có lẽ anh sẽ rất khó khăn để duy trì việc bán hàng trong mùa dịch. Nhiều giấy tờ, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, đó là chưa kể đến nhưng lời khuyên chân thành, sự tư vấn, hỗ trợ tích cực ở mọi thời điểm, không để công ty đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
 
Đó là những trải nghiệm thật sự đặc biệt đối với một doanh nghiệp còn nhiều non trẻ như Công ty TNHH TMDV Mai Thịnh.
 
Từ đó, khó khăn giảm theo từng ngày, anh Thịnh và toàn thể nhân viên công ty đã nỗ lực không ngơi nghỉ để đưa sản phẩm đến tay khách hàng và nhận lại được “nhiều điều quý giá”. Anh Thịnh chia sẻ, là một start-up, anh rút ra được những bài học sống còn trong giai đoạn kinh doanh “qua mùa đại dịch”, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành; tích cực kết nối với các tổ chức, đoàn thể và các đối tác để nhận được sự hỗ trợ kịp thời; mạnh dạn tìm hướng đi phù hợp, không sợ sai, ngại khó để thử nghiệm…
 
Dịch bệnh khiến những kế hoạch trong năm của công ty chỉ hoàn thành khoảng 30% (mở nhà xưởng sản xuất, sơ chế thủy sản; đẩy mạnh chuỗi liên kết…), nhưng từ đó, nhiều dự định mới, cơ hội mới đã đến. Nhận thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ, tới đây, công ty sẽ mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm hướng đến dòng khách hàng bình dân; đồng thời, sẽ quyết tâm hoàn thiện sản phẩm cá chình đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và phát triển trang thương mại điện tử riêng…
 
Anh Đậu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết: “Trần Mạnh Thịnh là một start-up trẻ nhanh nhạy, am hiểu thị trường; đồng thời rất tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Thịnh cũng là thành viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Thịnh đã nhanh nhạy giải quyết các khó khăn, vận hành công ty vượt qua thách thức; tham gia tích cực cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trong hành trình chung tay phòng, chống dịch Covid-19”.
Mai Nhân
 
 
 
 
 

tin liên quan

Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1630/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Tín dụng chính sách "sát cánh" cùng người dân vượt qua đại dịch

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Giảm nghèo bền vững từ các mô hình kinh tế hiệu quả

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã biết phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những chính sách được xã Phúc Trạch chú trọng là khuyến khích người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.