Chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi từ sớm

  • 20:14 | Thứ Ba, 28/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuyên Hóa đã khống chế và ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Song để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan và tái diễn nhiều lần, chính quyền các địa phương đã chủ động tuyên truyền người dân thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch từ sớm.
 
Trong khi chờ công bố hết dịch, ngày 17-9 vừa qua, trên địa bàn xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) tiếp tục có 8 con lợn bị chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Tuyên Hóa xuất hiện DTLCP, tuy nhiên, đến nay xã này vẫn chưa thể công bố hết dịch.
 
Chủ tịch UBND xã Lê Hóa Đậu Đình Hùng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 3 đợt DTLCP, khiến cho 83 con lợn (trọng lượng hơn 5,3 tấn) bị chết phải đưa đi tiêu hủy. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây ra không ít khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn. Ngay sau khi DTLCP xuất hiện, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng ngăn chặn, không chế kịp thời nên đã không để dịch lây lan sang các hộ chăn nuôi khác.  
 
Theo Chủ tịch UBND xã Lê Hóa, nguyên nhân dẫn đến DTLCP tái diễn nhiều lần là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh của người dân. Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng con giống vật nuôi, thức ăn trôi nổi, thiếu kiểm soát trên thị trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mầm mống dịch bệnh khó được dập tắt triệt để.
 
Bởi thực tế, thời gian qua, DTLCP diễn ra ở các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn ở các hộ chăn nuôi gia trại, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện rất đầy đủ và nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, trên địa bàn xã có một số tuyến quốc lộ đi qua, gây khó khăn cho công tác kiểm soát mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm.
 
9 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa không chỉ xảy ra DTLCP, mà còn lần đầu tiên địa phương này ghi nhận sự xuất hiện dịch viêm da nổi cục (DVDNC) trên trâu, bò. Trong đó, Thạch Hóa là địa phương có số trâu bò bị chết, tiêu hủy do DVDNC lớn nhất của huyện Tuyên Hóa.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng,chống dịch hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng,chống dịch hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng cho hay, DVDNC xuất hiện trên địa bàn xã từ đầu tháng 3-2021. Sau khi được khống chế, ngăn chặn, đến giữa tháng 7-2021, DVDNC tiếp tục xuất hiện trở lại. Do DVDNC là bệnh mới xuất hiện nên người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc và chữa trị.
 
Qua 2 đợt dịch, xã Thạch Hóa có 220 con trâu bò của 175 hộ dân bị nhiễm bệnh, trong đó có 64 con (chủ yếu bò) bị chết và tiêu hủy. Điều đáng chú ý, trong số bò bị chết do DVDNC hầu hết là giống bò lai và bê con. Đây là giống bò có sức chống chịu dịch bệnh kém hơn so với bò cỏ.
 
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương, năm 2021 là năm đầu tiên trên địa bàn huyện xuất hiện DVDNC trên trâu, bò. Còn các ổ DTLCP đều là ổ dịch cũ. Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ, chốt tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các trục đường giao thông thôn, xóm, xã, thị trấn nhằm giám sát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò, lợn và sản phẩm từ trâu, bò, lợn đi vào địa bàn huyện.
 
Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã cử cán bộ trực tiếp về phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý ổ dịchvà tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chính quyền địa phương triển khai kịp thời những biện pháp phòng chống dịch.     
 
"Nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh tái diễn và lan rộng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là do môi trường bị ô nhiễm sau mùa lũ lụt đã tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại, phát triển. Bên cạnh đó, việc người dân chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt là tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt còn diễn ra khá nhiều. Công tác kiểm soát giết mổ, cấm giết mổ trong thời gian xảy ra dịch chưa đồng bộ giữa các xã, thị trấn; hoạt động buôn bán động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát. Đặc biệt, đây là 2 bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc đặc hiệu điều trị nên khó có thể ngăn chặn triệt để. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh, chủ động tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, các địa phương sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền người dân chú ý vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để bảo vệ đàn vật nuôi, gia súc", ông Đinh Xuân Thương cho biết thêm.
 
Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, huyện Tuyên Hóa có 382 con trâu, bò (trọng lượng hơn 63 tấn) tại 19/19 xã, thị trấn bị chết và tiêu hủy do DVDNC và 220 con lợn (trọng lượng hơn 15 tấn) tại 7 xã bị chết và tiêu hủy do DTLCP. Đến nay, 19/19 xã đã công bố hết DVDNC và 6/7 xã đã công bố hết DTLCP.
Dương Công Hợp
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Quảng Thạch mất mùa tiêu

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, nhiều diện tích tiêu của xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã bị nhiễm các loại bệnh, giảm năng suất nặng nề. Đặc biệt vụ tiêu năm 2021, bà con nông dân đã mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc cho các diện tích tiêu, nhưng thành quả mang lại không được như mong đợi khi cây tiêu bị mất mùa trầm trọng.

Minh Hóa: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới

(QBĐT) - Sau hơn 3 tháng khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, sáng 28-9-2021, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành quyết định công bố 1 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Hóa Thanh.

Hướng tới thương hiệu "Cam Lệ Thuỷ"

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện Lệ Thủy về chuyển đổi diện tích đất gò đồi hiệu quả thấp sang trồng cam và các loại cây có múi, nhiều người dân địa phương đã nắm bắt cơ hội này để từng bước làm giàu trên chính vườn đồi quê hương. Vụ thu hoạch năm nay, cây cam ở Lệ Thủy được mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.