Kịch bản nào cho du lịch?

  • 11:28 | Chủ Nhật, 10/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch đối mặt với vô vàn khó khăn. Trước thực tế này, ngành Du lịch Quảng Bình đã triển khai những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), người lao động và kế hoạch để phục hồi, phát triển trong giai đoạn mới.
 
Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch về vấn đề này.
 
PV: Trước hết, xin ông cho biết những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Gần 2 năm qua, do tác động của dịch bệnh, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Bình đã gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường quốc tế đã đóng cửa từ tháng 2-2020. Thị trường chủ yếu là khách nội địa nhưng số lượng rất hạn chế do các địa phương trên toàn quốc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khách du lịch nội tỉnh số lượng ít và cơ bản tạm dừng từ cuối tháng 7-2021. 
 
Bên cạnh đó, nhân lực ngành Du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Do lượng khách ít, doanh thu giảm nên các DN phải giảm số lượng lao động; các DN đã đóng cửa và toàn bộ lao động trong ngành Du lịch không có việc làm; nhiều lao động có tay nghề cũng chuyển hướng tìm các công việc mới, việc tuyển dụng trở lại đối với các DN du lịch gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở lưu trú du lịch ven biển xuống cấp do không sử dụng trong thời gian dài…
 
Trải nghiệm Tú Làn là tour đầu tiên được Công ty Oxalis khởi động sau những ngày giãn cách. (Ảnh: Oxalis).
Trải nghiệm Tú Làn là tour đầu tiên được Công ty Oxalis khởi động sau những ngày giãn cách. (Ảnh: Oxalis).
 
PV: Trước những tác động như vậy, các chính sách hỗ trợ đối với DN, người lao động được triển khai như thế nào ?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Trong bối cảnh dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế và các DN, việc hỗ trợ  DN, người lao động luôn được Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ tháng 4-2020 đến nay, Điện lực Quảng Bình đã hỗ trợ tiền điện cho 346 cơ sở lưu trú du lịch với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Năm 2020, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp. Năm 2021, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 50% phí cấp phép kinh doanh lữ hành và thẻ hướng dẫn viên.
 
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, Sở Du lịch đã thực hiện chi trả 3 đợt cho 44 hướng dẫn viên với tổng số tiền là 163.240.000 đồng. Thời gian tới, các DN du lịch sẽ được giảm tiền ký quỹ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…
 
PV: Vậy, ngành Du lịch đã chuẩn bị kế hoạch gì để phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới ?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn mới được ngành Du lịch xây dựng theo 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 là từ ngày 1-10 đến hết ngày 31-12-2021, trong đó, chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ từ ngày 1-10 đến ngày 31-10 với kịch bản tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các địa phương trên cả nước mới bước đầu được kiểm soát và còn đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; các hoạt động tham quan du lịch đại trà chưa mở cửa trở lại…
 
Sở Du lịch hướng dẫn các DN sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị, triển khai công tác vệ sinh môi trường tại các cơ sở lưu trú. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị hoạt động du lịch, các địa điểm cung cấp dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuẩn bị nhân lực và đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá về DN, về sản phẩm du lịch; lên phương án sẵn sàng đón, phục vụ khách du lịch và tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch trong toàn tỉnh và cho phép các hoạt động du lịch nội tỉnh dần được triển khai tại các địa bàn trong tỉnh, trừ khu vực bị cách ly theo Chỉ thị số 16.
 
Từ ngày 31-10 đến ngày 31-12-2021 với kịch bản tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các địa phương trên cả nước dần được kiểm soát, thực hiện các biện pháp an toàn trong điều kiện bình thường mới và chỉ còn một số khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; các đường bay thương mại, hoạt động đường sắt và đường bộ dần được hoạt động trở lại, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói liên tỉnh theo quy trình khép kín, du lịch theo “luồng xanh” đối với những khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính trước 72 giờ khi đến Quảng Bình….
 
Giai đoạn từ 2 là từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2023 với kịch bản tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và các địa phương trên cả nước đã được kiểm soát, miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc tăng cao, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ trở lại và tiến đến khôi phục hoàn toàn trong điều kiện bảo đảm an toàn, sống chung với Covid-19. Mục tiêu của giai đoạn này là khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới.
 
 “Thủ phủ du lịch” Phong Nha, huyện Bố Trạch đang nỗ lực để đón khách trở lại sau thời gian ngưng trệ.
“Thủ phủ du lịch” Phong Nha, huyện Bố Trạch đang nỗ lực để đón khách trở lại sau thời gian ngưng trệ.
 
PV: Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn mới, ngành Du lịch đã có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông ?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Trước hết, cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động trong lĩnh vực du lịch và các ngành phụ trợ, người dân tại các vùng ưu tiên phát triển du lịch; có cơ chế hỗ trợ về đào tạo, tập huấn cho người lao động trong lĩnh vực du lịch về kỹ năng quản lý và chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để sẵn sàng đón khách, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch qua các nền tảng số và các phương tiện thông tin đại chúng; phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm…
 
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nhất là trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng đội ngũ lao động; nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn định danh các loại hình cơ sở lưu trú; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp, người lao động…
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
 
Du lịch Quảng Bình đã chủ động, thích ứng linh hoạt với các diễn biến của dịch Covid-19, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, phương án an toàn để đón, phục khách du lịch và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch trong điều kiện mới. Các hoạt động du lịch nội tỉnh, chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” sẽ được tập trung đẩy mạnh và dự kiến thực hiện thí điểm đón khách ngoại tỉnh theo chương trình tham quan trọn gói vào trung tuần tháng 10-2021.
Ngọc Hải 
(thực hiện)

tin liên quan

Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt

Quyết định nêu rõ trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, tổ chức kinh tế đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thực tế ở mức nào thì hưởng ưu đãi ở mức đó cho thời gian ưu đãi còn lại.
 

Hợp tác xã chuyển mình trong đại dịch - Bài 2: Thích ứng để phát triển

(QBĐT) - Để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Không ít HTX đã tranh thủ giai đoạn này để củng cố hệ thống cơ sở sản xuất hay nhạy bén tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó, dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.

Triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại phục vụ hành khách nội địa

(QBĐT) - Chiều nay, 8-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong cả nước. Dự hội nghị ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.