Doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên sau đại dịch

  • 07:32 | Thứ Sáu, 08/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thời gian qua, các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có sự cải thiện tích cực.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hướng tới kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10), chiều 7-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
 
Khoảng 100 đại biểu là doanh nhân tại điểm cầu Hà Nội và trên 300 đại biểu doanh nhân tại nhiều điểm cầu các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI trên cả nước cùng tham dự.
 
Tạo lập môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân
 
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất kịp thời, nhanh chóng vào cuối tháng 9/2021 vừa qua đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời kiến nghị nhiều nội dung, trong đó mong muốn Quốc hội ban hành sớm các chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chịu tác động của dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, thực tế, phù hợp với đặc điểm điều kiện của doanh nghiệp, với ngành nghề lĩnh vực; tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch…
 
Sau khi lắng nghe báo cáo của VCCI, ý kiến của các doanh nhân, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn mà đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp gặp phải do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; đánh giá cao tinh thần kiên cường của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong chống chịu, ứng phó với dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
“Hơn lúc nào hết, giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi rất mong doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam 'thắng không kiêu, bại không nản,' 'chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo,' vững niềm tin vì nền tảng vĩ mô của nước ta còn rất tốt, tin rằng đó chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời. Với truyền thống đoàn kết, kiên cường của dân tộc ta, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới,” Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
 
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng cần rà soát lại năng lực quản trị, tăng cường sức mạnh và khắc phục điểm yếu, nâng cao sức chống chịu hơn nữa để đứng vững và phát triển.
 
Đánh giá về VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 17 năm thành lập VCCI, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của toàn xã hội đối với đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn.
 
Đảng, Nhà nước ta xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng; là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng góp phần tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, thu ngân sách Nhà nước.
 
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta và các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
 
Các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện rõ rệt.
 
Hệ thống pháp luật được cải thiện nhiều, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và thể hiện thực chất hơn về quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, thay đổi tư duy về con dấu, minh bạch về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh…
 
Chỉ trong giai đoạn 2011-2020, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó hiến định rõ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 72 luật, pháp lệnh cũng như các nghị quyết có nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân, trong đó có những luật rất quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng ảnh Bác Hồ với doanh nhân Việt Nam cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng ảnh Bác Hồ với doanh nhân Việt Nam cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt và lành mạnh các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, thị  trường tài chính, thị trường khoa học và công nghệ, tạo môi trường sản xuất và kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp và doanh nhân.
 
Trong 10 năm qua, doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh cả về số lượng, tăng về quy mô, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, một số sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc tế, nhiều doanh nhân lọt vào top xếp hạng tỉ phú của thế giới.
 
VCCI có đóng góp rất lớn về đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh doanh nhân; là tổ chức đi đầu trong phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp; chủ động xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt Nam; tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của hàng hóa giai đoạn 2020-2030…
 
Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bổ sung vào báo cáo thẩm tra về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
 
VCCI làm đầu mối để hiến kế cho chiến lược tổng thể về phát triển doanh nghiệp và phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, để tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và kích thích cũng như phục hồi kinh tế.
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI tổng hợp các kiến nghị tại cuộc gặp gỡ doanh nhân, gửi tới các cơ quan chức năng xem xét và đại biểu Quốc hội chắt lọc đưa vào báo cáo thẩm tra kinh, tế xã hội năm 2022.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt hàng VCCI làm đầu mối xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế nói chung làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt hàng VCCI nghiên cứu về về xu hướng kinh doanh sau đại dịch, nhất là cơ hội để phát triển kinh tế số và công nghiệp dược; đề nghị tổ chức định kỳ cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật cùng các nghị quyết về kinh tế, xã hội của Quốc hội…
 
Thay mặt VCCI và giới doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo cũng như những gợi ý quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời khẳng định VCCI sẽ phát huy trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện những “đặt hàng” đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội, vì đây không chỉ là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để bứt phá vươn lên sau khi khống chế đại dịch COVID-19./.
 
Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

"Gỡ vướng" OCOP để cán đích nông thôn mới nâng cao

(QBĐT) - Theo lộ trình, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) sẽ về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn đang "loay hoay" khi chưa có sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức đang nỗ lực hoàn thiện tiêu chí này để có thể cán đích NTM đúng kế hoạch.

Chủ động bổ sung nguồn vốn vay cho các đối tượng chính sách

(QBĐT) - Chiều 7-10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ quý III năm 2021. Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
 

Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát đạt đỉnh trong cuối năm

IMF cho rằng lạm phát toàn phần sẽ đạt đỉnh trong những tháng cuối của năm 2021 và sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào giữa năm 2022, ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi.