Hợp tác xã chuyển mình trong đại dịch - Bài 2: Thích ứng để phát triển
(QBĐT) - Để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Không ít HTX đã tranh thủ giai đoạn này để củng cố hệ thống cơ sở sản xuất hay nhạy bén tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó, dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.
Chuyển hướng phát triển
Trước tác động của dịch Covid-19, việc tìm đầu ra cho sản phẩm của các HTX giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Một số HTX buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, với HTX Chăn nuôi sạch Nam Hồng Quảng (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch), thời gian này lại là cơ hội để HTX chuẩn bị cơ sở vật chất và tái đàn lợn, gà.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX Chăn nuôi sạch Nam Hồng Quảng cho biết: “Từ khi dịch bệnh xuất hiện, việc tiêu thụ các sản phẩm thịt chế biến từ gia súc, gia cầm, như: Gà xông khói, chân giò xông khói của HTX bị "đứt gãy". Để duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, HTX đã quyết định tập trung tăng đàn vật nuôi.
Hiện tại, HTX đang nuôi hơn 1.000 con gà, 40 con lợn thịt và nuôi thêm 6 con lợn nái để tiếp tục tái đàn và tăng đàn. Bên cạnh đó, HTX cũng đã hoàn thiện hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín để phục vụ số lượng đàn nuôi. Đặc biệt, để hướng tới quy trình chăn nuôi, chế biến khép kín, HTX cũng đang chuẩn bị các thủ tục để mở thêm xưởng chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm”.
Tại huyện Quảng Ninh, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp và địa phương thực hiện giãn cách, việc xuất bán sản phẩm nông sản của các HTX gặp nhiều khó khăn do giao thông hạn chế. Trước tình hình đó, HTX Chăn nuôi hươu sao Quảng Ninh đã khuyến khích các thành viên trong HTX tập trung chăm sóc đàn hươu và gia cố chuồng trại trước mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Giám đốc HTX Chăn nuôi hươu sao Quảng Ninh cho biết: “HTX chúng tôi hiện có 18 thành viên, chăn nuôi 68 con hươu sao lấy nhung. Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi hướng dẫn bà con tập trung chăn nuôi, chăm sóc, tăng cường chất dinh dưỡng cho đàn hươu để chúng phát triển lộc, đợi đến khi tình hình ổn định sẽ xuất bán. Hiện đàn hươu của các thành viên HTX đã chuẩn bị cho thu hoạch.
Bên cạnh đó, đợt mưa lũ năm ngoái, đã có một số hộ có hươu bị nước lũ cuốn trôi. Chính vì vậy, tranh thủ thời gian này, chúng tôi hướng dẫn các thành viên, gia cố, xây dựng lại chuồng trại an toàn cho đàn hươu trong mùa mưa bão”.
Tiếp cận công nghệ 4.0
Để duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều HTX đã nhanh nhạy tiếp cận công nghệ để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù là sản phẩm dược liệu không có lợi thế về sức tiêu thụ như các sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, trong đợt dịch này, HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu xã Cự Nẫm vẫn có thể xuất bán các lô hàng đến các tỉnh Tây Nguyên.
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh cây dược liệu xã Cự Nẫm (Bố Trạch) cho biết: “Thị trường tiêu thụ chính của HTX là các tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội, Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, tại những tỉnh, thành này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên giao thông đi lại cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, các sản phẩm dược liệu của HTX không thể xuất bán được.
Số lượng khách hàng cũ giảm hơn 70%. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đã tăng cường đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và trang fanpage của HTX để quảng cáo. Trang fanpage có mục tư vấn riêng nên mọi thắc mắc của khách hàng đều được chúng tôi giải đáp. Nhờ đó, số lượng đơn hàng đặt trên trang là tương đối lớn. Vừa qua, HTX đã xuất bán một số lô hàng vào các tỉnh Tây Nguyên”.
Bên cạnh việc chuyển phương thức bán hàng trên trang fanpage, HTX còn nhanh nhạy đưa các sản phẩm chính gồm: cao và trà gai leo, chè vằng, lá kiên, lá xông, cao thìa canh của HTX lên Cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Đã có một số khách hàng vào đặt mua, trong đó, các sản phẩm được đặt nhiều nhất là cao cà gai leo, trà gai leo.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, mặc dù số lượng khách đặt hàng ở cổng thông tin kết nối không nhiều so với trang fanpage, nhưng đây là cơ hội để mở ra thêm một kênh tiêu thụ mới cho các sản phẩm dược liệu của HTX trong thời gian tới.
Trước khi xảy ra dịch bệnh, HTX Nông nghiệp An Nông là một trong số các HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Những ngày thực hiện giãn cách, sản phẩm rau củ của HTX Nông nghiệp An Nông đã được chuyển sang bán hàng trên mạng trực tuyến.
Ông Lê Đình Quả, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nông cho biết: “Hiện tại, sản phẩm rau củ của HTX được bán ở chuỗi cửa hàng cung cấp nông sản sạch của An Nông. Trong thời gian giãn cách, sản phẩm rau, củ được bán trực tiếp trên trang fanpage của cửa hàng. Số lượng người mua rất đông nên chúng tôi không đủ số lượng rau, củ để nhập cho siêu thị Co.opmart.
Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho sản phẩm An nông được nhiều người biết đến, HTX cũng đã đưa một số sản phẩm rau củ các loại lên Cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục cam kết sản xuất theo quy trình: Không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng kim loại nặng và không dư lượng nitrat để có thể tiếp cận được nhiều kênh tiêu thụ hơn”.
Ông Nguyễn Đình Thuyến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều HTX gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó, Liên minh HTX tỉnh đã khuyến khích và hướng dẫn các HTX giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn các HTX cách tiếp cận và đưa các sản phẩm nông sản lên Cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Đến nay, đã có 37 sản phẩm của 22 HTX trên địa bàn tỉnh đưa lên cổng thông tin này. Đây sẽ là cơ hội để các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng trong cả nước". |
Đ.N
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.