Xuân ấm áp-Tết yêu thương

  • 07:44 | Thứ Năm, 01/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tinh thần đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động nghĩa tình nhằm giáo dục cho học sinh (HS) những giá trị văn hóa của Tết Việt và lan tỏa thông điệp yêu thương đến những người dân khó khăn.
 
Bằng nhiều hình thức khác nhau như lồng ghép trong các tiết dạy bộ môn giáo dục địa phương, Văn học, Lịch sử, tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo viên (GV) ở các trường học đã giúp cho HS hiểu thêm về giá trị của ngày Tết trong đời sống văn hóa người Việt. Từ đó, tuyên truyền, vận động HS gìn giữ, lan tỏa, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Những ngày này, đến các trường học, nhất là các trường tiểu học, mầm non, điều dễ nhận thấy là không khí xuân vui tươi, đầm ấm được thể hiện rất rõ qua nhiều hoạt động như gói bánh chưng, vẽ tranh, làm thiệp chúc mừng năm mới... Các trường học đều trang trí nhiều hoa, nổi bật là hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ... tạo nhiều điểm nhấn trong khuôn viên trường, lớp. 
Không khí vui xuân, đón Tết tại Trường mầm non Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Không khí vui xuân, đón Tết tại Trường mầm non Lâm Hóa (Tuyên Hóa).

Tại Trường mầm non Quảng Tân (TX. Ba Đồn), một không gian xuân của chợ quê ngày Tết được các cô giáo tạo ra với những gian hàng được dựng bằng tre, lá, bày bán đủ các loại rau, củ, quả và thứ không thể thiếu là bánh chưng, bánh dày, thức bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Từng tốp HS xúng xính trong những bộ áo quần đẹp nhất gánh từng gánh hoa, bánh... cùng lời mời chào, mua bán rôm rả...

Để trẻ mầm non hiểu được Tết Việt, GV của trường đã tập cho trẻ hát những bài hát có chủ đề về mùa xuân, tạo không gian Tết ngay trong sân trường, chú trọng những tiểu cảnh đậm bản sắc Tết Việt xưa và nay. Các cô giáo còn dạy cho trẻ nói lời yêu thương, lời chúc Tết đến ông bà, cha, mẹ...

Các trường học, như: Tiểu học số 2 Bắc Lý, tiểu học Hải Đình và nhiều trường học khác trên địa bàn TP. Đồng Hới đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa như gói bánh chưng xanh, biểu diễn văn nghệ, thời trang về chủ đề mùa xuân, vẽ tranh, làm thiệp, tham gia các trò chơi dân gian, trang trí không gian Tết... với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các GV, HS và phụ huynh HS, tạo không khí vui tươi, đầm ấm. Qua đó, giúp HS hiểu rõ hơn nét sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của người dân Việt trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Là nơi học tập, sinh hoạt của HS đến từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh luôn tổ chức nhiều hoạt động, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về để HS được giao lưu thể hiện nét đẹp văn hóa các vùng, miền, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết giữa HS các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Không gian Tết tại Trường Tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới)
Không gian Tết tại Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới).

Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, trường đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Xuân ấm áp-Tết yêu thương” tạo không khí đón xuân vui tươi, đậm đà bản sắc dân tộc ngay trong khuôn viên nhà trường. HS được hòa mình vào hoạt động gói bánh chưng, biểu diễn văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian, chia sẻ cho nhau về phong tục, tập quán, cách thức sinh hoạt của dân tộc mình trong dịp Tết.

Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Việc tổ chức vui xuân, đón Tết tạo cho HS được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, giúp cho HS hiểu sâu sắc hơn về giá trị của Tết cổ truyền trong cuộc sống của mỗi người dân Việt. Đặc biệt, mỗi dịp đón Tết, trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... nhằm có những phần quà thiết thực để giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại trường.

Mỗi hoạt động trải nghiệm của HS đều là những bài học lý thú, tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy trong các em tình yêu quê hương, đất nước và ý thức gìn giữ truyền thống nhân ái của dân tộc. Đó là cách thiết thực nhất nhằm bảo vệ giá trị Tết, nơi hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết cũng là dịp thể hiện rõ nét nhất truyền thống nhân ái của dân tộc. Hơn lúc nào hết, các hoạt động vì người nghèo, HS nghèo... được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tập trung đẩy mạnh. Ngành GD-ĐT, các trường học cũng tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa hướng đến những HS, GV vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS nhằm tô thắm thêm truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của người Việt.
 
Để mỗi HS đều có Tết, Trường THPT Ngô Quyền (Bố Trạch) đã huy động sự chung tay, góp sức từ các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp, HS nhằm trao 30 suất học bổng (mỗi suất từ 500 nghìn đồng-2 triệu đồng) cho HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập của trường. “Những món quà tuy nhỏ nhưng với tinh thần sẻ chia đã tạo nguồn động lực để những HS có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập, rèn luyện”, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền Nguyễn Văn Nhẫn chia sẻ.
 
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp chuẩn bị bước vào năm mới, thầy và trò Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp lại tổ chức chương trình “Tết nhân ái”. Năm nay, trường đã huy động từ các nhà tài trợ và sự đóng góp của HS để có nguồn kinh phí tổ chức hoạt động thiện nguyện tại bản Trung Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Để triển khai hoạt động này, HS và GV của trường đã mua sắm nguyên liệu gói những chiếc bánh chưng xanh, chuẩn bị các phần quà để tặng cho 89 hộ dân trong bản; đồng thời tặng 30 suất học bổng cho HS vượt khó học giỏi trên địa bàn xã.
Không gian Tết Việt tại Trường mầm non Quảng Tân.
Không gian Tết Việt tại Trường mầm non Quảng Tân.

Ngoài việc tổ chức hoạt động vui xuân, giao lưu văn nghệ với bà con dân bản, HS Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp còn  tặng quà, dọn dẹp, trang trí nhà cửa cho các hộ là người già, người neo đơn... tại TP. Đồng Hới.

Thầy giáo Lê Anh Vũ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của trường, người luôn đồng hành cùng HS trong các hoạt động thiện nguyện cho biết: Tự tay gói bánh và tổ chức các chuyến đi đến với người dân vùng sâu, vùng xa là một trong những hoạt động trải nghiệm nhằm lan tỏa tinh thần thiện nguyện của HS toàn trường. Nhờ đó HS được tận mắt chứng kiến cuộc sống, tập tục sinh hoạt, nét văn hóa của các vùng đồng bào DTTS. Việc làm này không chỉ mang lại niềm vui cho người dân vùng khó khăn mà còn giúp HS có thêm kiến thức thực tế để tiếp tục lan tỏa những hành động, việc làm thiết thực nhằm chung tay vì cộng đồng, vì những người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Mỗi chiếc bánh chưng được gói ẩn chứa trong đó tình yêu thương, trao gửi niềm tin và hy vọng về sự đủ đầy trong mỗi dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Việc tạo điều kiện cho HS chứng kiến và tự tay làm bánh, trang trí không gian Tết, tổ chức các hoạt động thiện nguyện nhằm hướng cho HS đến những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để từ đó nêu cao ý thức gìn giữ bảo vệ và lan tỏa.
Nh.V

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(QBĐT) - Ngày 30/1, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 140-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trường học chuẩn quốc gia: Tạo nền tảng để phát triển giáo dục

(QBĐT) - Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ được xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) hết sức chú trọng.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024: Toàn tỉnh có 47 học sinh đoạt giải

(QBĐT) - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Giang Nam cho biết: Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Bình có 47/67 HS dự thi đoạt giải.