Quê hương là nơi chốn mong về...

  • 00:54 | Thứ Bảy, 10/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bước ra khỏi cánh cửa gia đình để dấn thân vào các hoạt động khoa học bao giờ cũng đầy chông gai mà không phải người phụ nữ nào cũng vượt qua. Thế nhưng, những tân phó giáo sư “8X” quê Quảng Bình là minh chứng rõ nét về sự dung hòa chức năng “kép” ấy. Đặc biệt, dù sống, làm việc ở đâu, trên vị trí công tác nào, các nhà khoa học nữ vẫn luôn khao khát được trở về đóng góp cho quê hương.
 
1. Trước khi theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, Đinh Thị Thái Mai (SN 1983) là học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và sau đó được Trường đại học (ĐH) Paris XI (Pháp) cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành mạng và viễn thông, chị tiếp tục con đường nghiên cứu trong nước và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật viễn thông tại Trường ĐH Công nghệ-ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện, chị là Phó chủ nhiệm phụ trách bộ môn tại Trường ĐH Công nghệ.
 
Chị Mai tâm sự: “Nghiên cứu khoa học là một chặng đường không ít chông gai và phụ nữ làm khoa học càng vất vả, nhưng tôi muốn và sẽ làm đến cùng vì con đường mình lựa chọn thật sự ý nghĩa. Tôi cũng muốn chứng minh rằng, khoa học không phải là một ngành khô khan, quan trọng là lựa chọn đúng lĩnh vực phù hợp. Ví như lĩnh vực công nghệ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, chính xác trong quá trình thực nghiệm nên nữ giới trong lĩnh vực khoa học của tôi là lợi thế!...”.
m
Đinh Thị Thái Mai.
Điều dễ cảm nhận ở chị Mai chính là sự năng động của người trẻ, sự đằm thắm của người vợ, người mẹ và sự chín chắn, chỉnh chu của người làm công tác nghiên cứu khoa học. Gần 20 năm sống với đam mê và cống hiến, chị đã có thành quả nghiên cứu khoa học ngành điện-điện tử-tự động hóa đáng nể. Chị là tác giả chính 1 bằng độc quyền sáng chế, chủ trì 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp cơ sở, nhánh 1 đề tài cấp nhà nước và là thành viên của nhiều đề tài các cấp.
 
Về công trình khoa học, chị đã công bố 40 bài báo khoa học, trong đó 24 công trình thuộc hệ thống tạp chí/hội nghị uy tín quốc tế và tham gia nhiều dự án công nghệ sáng tạo khác. Nổi bật, năm 2021, chị đoạt huy chương vàng Sáng chế quốc tế, London (Anh) với công trình nghiên cứu “Xây dựng hệ thống định vị trong nhà thời gian thực dựa trên Bluetooth năng lượng thấp cho điện thoại thông minh” với nhiều ứng dụng thực tiễn.
 
“Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi mong muốn sinh viên Việt Nam có thể thụ hưởng môi trường học tập, một nền giáo dục xứng tầm quốc tế ngay trên chính quê hương mình. Do vậy, tôi không ngừng cập nhật kiến thức thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, từ đó chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng cho sinh viên, để các bạn có thể phát huy tiềm năng sáng tạo. Hơn thế, tôi vẫn mong có cơ hội sử dụng nghiên cứu và kiến thức thực tiễn của mình đóng góp cho sự phát triển của quê hương Quảng Bình…”, chị Mai chia sẻ.
 
2. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, Nguyễn Thị Hằng Phương (SN 1980) lựa chọn theo con đường nghiên cứu khoa học như một lẽ tự nhiên.
 
Chia sẻ về công việc đang làm, lý do chọn chuyên ngành nghiên cứu tâm lý học, chị nói say sưa với tinh thần hứng khởi: “Với đối tượng nghiên cứu là nhận thức, hành vi và cảm xúc của con người, tâm lý học dường như chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống nên ở góc độ nào đó sẽ hàm chứa sự thú vị. Tuy nhiên, để trở thành một nhà tâm lý học, ngoài việc học tập chuyên môn thì cần có tình yêu và sự đam mê. Chỉ khi có đam mê, mới có “lửa” để ra sức học tập, bồi dưỡng chuyên môn, phát triển nghề nghiệp và có năng lượng để phục vụ con người…”.
x
Nguyễn Thị Hằng Phương.
Xuất phát từ niềm đam mê ấy, chị đã dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, tham gia các công trình nghiên cứu về tâm lý học và nhiều hoạt động cần thiết để tư vấn, chăm sóc thân-tâm-trí-xã hội. Năm 2002, chị bắt đầu học tập và thực hành trợ giúp tâm lý cho trẻ em, gia đình tại các trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em tại Hà Nội. Từ năm 2015, chị làm cố vấn hoạt động chuyên môn cho Trung tâm Tâm lý Cadeaux-Đà Nẵng.
 
Ngoài công việc giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, chị còn tham gia một số dự án phi chính phủ và chương trình của các cơ quan báo chí, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại miền Trung-Tây Nguyên (VTV8) trong hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em, kỹ năng sống, phòng ngừa bạo lực, xâm hại…
 
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chị tổ chức chuỗi talkshow “Vượt qua Covid để đồng hành với mọi người”, thực hiện những cuộc chia sẻ trực tuyến với các F0, F1 trong các khu cách ly và trực tiếp đến những khu cách ly tư vấn cho nhiều trường hợp khủng hoảng tâm lý nặng…
 
Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị hồ hởi: “Quê hương là chốn mong về, vì vậy nếu có điều kiện phù hợp, tôi sẽ hợp tác, đào tạo nghiên cứu tại Quảng Bình hoặc đồng hành, hỗ trợ học tập cho học sinh phổ thông”.
 
3. Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở Pháp, Phạm Thị Thanh Xuân (SN 1981) mang khối kiến thức thu nhận trở về gắn bó cùng khoa học Việt Nam.
 
Trong cuộc trò chuyện, Phạm Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế-Luật-ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuyết phục người nghe bởi khuôn mặt cương nghị, giọng nói nhỏ nhẹ và hơn cả là sự nhiệt huyết, đam mê với nghiên cứu khoa học: “Thực sự, mỗi nấc thang trong cuộc đời giúp tôi mở rộng tầm nhìn, để thấy thế giới rộng lớn. Thời gian ở Pháp, với tôi, yếu tố quyết định đến hoạt động nghiên cứu là sự tập trung cao độ, sự hướng dẫn chuyên môn từ giáo sư có kinh nghiệm, giúp đỡ của đồng nghiệp cùng Lab, môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Khi chọn nghề giảng, tôi tâm niệm lấy nghiên cứu làm trọng, nghiên cứu tốt sẽ giúp giảng dạy tốt tương ứng và có thể tham gia nhiều hoạt động giúp cộng đồng”.
f
Phạm Thị Thanh Xuân.
Với hướng nghiên cứu chính là lạm phát, tiền tệ và thị trường tài chính, các nghiên cứu của chị đã công bố trên tạp chí khoa học, được chỉnh sửa nhiều lần từ góp ý của các nhà khoa học; một mặt được chuyển thể thành bài giảng, đưa vào sách để lan tỏa kiến thức, mặt khác, vận dụng để giải quyết các bài toán thực tiễn; đơn cử như thiết lập mô hình dự báo và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các địa phương bằng các công cụ trí tuệ nhân tạo.
 
Với vai trò là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chị điều phối chuyên môn các chương trình, đề tài nghiên cứu; đồng thời “hỗ trợ có thời hạn” công tác quản lý chuyên môn ở Khoa Tài chính-Ngân hàng thông qua đảm nhiệm Trưởng bộ môn Ngân hàng.
 
“Nghiên cứu về khoa học dữ liệu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, số đông vẫn là nam giới. Là nữ giới, tôi đặt tiêu chí nghiên cứu hướng về số ít nhưng chất lượng vì phải cân bằng sự nghiệp-gia đình-sức khỏe, đây cũng là yếu tố rất “phụ nữ”. Bởi, nhà khoa học nữ phải gánh “đa nhiệm, giữ tam cân”: Theo đuổi đam mê khoa học, lan tỏa đến các học trò, nỗ lực gìn giữ truyền thống gia đình; cân đối sức khỏe-tinh thần-thể lực”, chị Xuân bày tỏ.
 
Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, chị còn gắn bó với giáo dục ở một cương vị khác khi đảm nhận Chi hội trưởng Hội Khuyến học ở địa phương. Chị bộc bạch: “Tôi luôn đau đáu việc hỗ trợ thúc đẩy các bạn trẻ có năng lực, cố gắng nỗ lực để bước qua giới hạn của bản thân, tạo nên những bậc thang mới trong năng lực của mình. Bằng cách đó, tôi sẽ đóng góp sức nhỏ của mình vào sự phát triển chung, một cách “mũi nhọn” và nhanh nhất. Hy vọng, trong tương lai sẽ có nhiều nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho các bạn sinh viên ưu tú…”. 
Thùy Lâm

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(QBĐT) - Ngày 30/1, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 140-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trường học chuẩn quốc gia: Tạo nền tảng để phát triển giáo dục

(QBĐT) - Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ được xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) hết sức chú trọng.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024: Toàn tỉnh có 47 học sinh đoạt giải

(QBĐT) - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Giang Nam cho biết: Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Bình có 47/67 HS dự thi đoạt giải.