Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn kỳ thi tốt nghiệp 2025

  • 07:00 | Thứ Tư, 15/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 6/11 kiến nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Văn và hai môn tự chọn.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: TTXVN
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: TTXVN
Ngày 19/12/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quyết định số 4370/QĐ-BGDĐT về thành lập Ban Xây dựng phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp từ năm 2025 gồm đầy đủ các nhà quản lý giáo dục cấp bộ, địa phương, chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường THPT... và lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi.  
 
Phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).  
 
Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn.  
 
Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.
 
Kết quả, đa số lựa chọn phương án 2. Cụ thể, khi Bộ khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên cả nước về phương án 2 và 3, gần 74% lựa chọn phương án 2 - thi ba môn bắt buộc.
 
Sau đó, Bộ khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi hai môn bắt buộc).
 
Bộ lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng ngày 5/10. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc.
 
Dựa trên kết quả này, cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
 
Với việc chọn 2 môn thi bắt buộc và 2 môn lựa chọn, nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho các gia đình và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một. Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64 - 68%.
 
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng với 9 môn học lựa chọn, học sinh đã trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc lựa chọn hai trong số 9 môn này tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích theo hướng tiếp tục học lên đại học, học nghề hay tham gia vào thị trường lao động ngay.
Theo Lê Vân/Báo Tin tức

tin liên quan

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Giảm số môn thi, giảm áp lực cho thí sinh

Lựa chọn thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 4 môn đang được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Nhiều giáo viên, học sinh đề nghị nhà quản lý chốt phương án.

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường: Đảm bảo minh bạch, khách quan

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuẩn bị bước sang năm thứ 5 triển khai, với việc phê duyệt, đưa vào sử dụng sách giáo khoa của 3 lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12). 

Khi trường học là mái nhà hạnh phúc

(QBĐT) - Triển khai thực hiện mô hình trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo.