Hiệu quả của mô hình chuyển đổi số trong dạy học tiếng Anh

  • 07:33 | Thứ Ba, 13/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua thực tế ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) để dạy học trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường tiểu học (TH) Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) đã mạnh dạn thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả cao, đặc biệt là mô hình ứng dụng CĐS trong dạy học tiếng Anh.
 
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Đồng Hới Hồ Thanh Hải, Trường TH Đức Ninh Đông có bề dày truyền thống dạy và học, có nhiều thuận lợi trong thực hiện các mặt công tác, được sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh, học sinh (HS) và nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, cô và trò nhà trường có động lực phấn đấu, ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học, gặt hái nhiều thành tích. Đặc biệt là mô hình ứng dụng CĐS trong dạy học tiếng Anh của trường đạt hiệu quả cao, giúp người dạy và người học phát huy được năng lực tư duy, khả năng sáng tạo và chủ động tiếp nhận tri thức, được Sở GD-ĐT đánh giá cao và công nhận là một trong những mô hình điển hình trong dạy và học trên địa bàn tỉnh.
 
Mô hình ứng dụng CĐS trong dạy học tiếng Anh của Trường TH Đức Ninh Đông xây dựng gồm có 2 phần: Mô hình thực tế và mô hình số. Trong đó, mô hình thực tế mô phỏng theo mô hình một phòng học zoom, là nơi trưng bày các sản phẩm thực tế các em HS đã làm ra như các sơ đồ tư duy, tranh vẽ theo các chủ đề chủ điểm, các bộ thẻ từ…
 
Mô hình số là trang ứng dụng Padlet (https://padlet.com/trucanhdnd) với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn; các trang dành riêng cho HS theo từng khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. HS sẽ tạo ra những sản phẩm học tập phù hợp với chương trình và kiến thức, kỹ năng của mình.
 
Các sản phẩm của các khối lớp phong phú, đa dạng và hấp dẫn như các tấm thiệp, tranh vẽ, thẻ từ, đặc biệt các video clip các em tự làm về giới thiệu về bản thân, gia đình, bố mẹ; về nghề nghiệp tương lai, quyển sách hay câu chuyện yêu thích, dự báo thời tiết…
Học sinh Trường tiểu học Đức Ninh Đông hào hứng với tiết học Tiếng Anh.
Học sinh Trường tiểu học Đức Ninh Đông hào hứng với tiết học Tiếng Anh.
“Trang ứng dụng Padlet, nơi các em thỏa thích thể hiện niềm đam mê của bản thân với bộ môn tiếng Anh. Các em sẽ nộp các sản phẩm, bài tập hay dự án được giao, như: Tranh vẽ, flash cards, video clip… lên trang theo quy định. Ngoài ra, các em cũng có thể truy cập trang ứng dụng để học tập và ôn lại kiến thức tại nhà. Giáo viên (GV) và HS chủ động tương tác và kết nối với nhau (face to face) trong và ngoài giờ học thông qua điện thoại thông minh, máy tính hay laptop, để từ đó, GV có thể tư vấn, giúp đỡ, đánh giá kết quả học tập của mỗi HS. Mỗi một chủ đề, chủ điểm hoặc một nhiệm vụ học tập, HS sẽ được nhận thông qua hướng dẫn trực tiếp hoặc đường link GV gửi lên nhóm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, HS sẽ nộp sản phẩm theo đúng hướng dẫn của GV”, cô giáo dạy tiếng Anh Trần Nguyên Trúc Anh cho hay.
 
Nhờ ứng dụng phương pháp phù hợp nên kết quả học tập môn tiếng Anh đại trà và mũi nhọn của trường năm sau cao hơn năm trước của cả 5 khối HS. Đặc biệt, năm học 2022-2023, HS tham gia cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE) đạt 28 giải cấp trường, 8 HS được cấp chứng nhận hoàn thành kỳ thi quốc gia, 15 HS đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi nói tiếng Anh với sơ đồ tư duy.
 
Hiệu trưởng Trường TH Đức Ninh Đông Nguyễn Thị Hiệp cho biết: Nhận thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng CĐS trong dạy học, các GV tiếng Anh của trường đã không ngừng học hỏi nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài học sinh động, lồng ghép các trò chơi hấp dẫn nhằm gây hứng thú cho HS trong mỗi giờ học. Hơn thế, việc ứng dụng CĐS trong dạy học, trong đó có bộ môn tiếng Anh là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, trường đã kết hợp với các GV chủ nhiệm thành lập các nhóm riêng kết nối với HS của từng lớp qua các công cụ hỗ trợ thông dụng, như: Zalo, facebook,… nhằm hướng dẫn, hỗ trợ HS, chia sẻ kết quả học tập. Ngược lại, HS cũng chia sẻ các sản phẩm, các dự án lên nhóm và truy cập vào các địa chỉ, các đường link để tham khảo, tìm hiểu cũng như tải về các tài liệu, bài tập và các nguồn học liệu bổ ích khác…
 
Qua đó, giúp cho HS bắt kịp được xu thế của thời đại, chủ động tích cực hơn trong mọi hoạt động học tập, tạo được một làn sóng hứng khởi, đam mê tìm hiểu và khám phá tri thức, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường.
 
* Mô hình thực tế:
- Project (các dự án): HS sẽ hoàn thành các dự án (bài tập ứng dụng) và trưng bày.
- Let’s whisper (Lời thì thầm): Hình thức giống như sử dụng hộp thư “Điều em muốn nói”.
- Learning tasks (các nhiệm vụ học tập): HS sẽ nhận nhiệm vụ, bài tập và nộp bài theo các đường link GV gửi.
- Who’s the best? (Ai xuất sắc nhất?): Hàng tuần, hàng tháng… HS tự bình chọn hoặc GV tuyên dương, khen thưởng những bạn xuất sắc nhất…
 
* Mô hình số:
- Kho học liệu (Material repository): Các nguồn tài liệu, các bài giảng, bài tập, trò chơi…
- Sản phẩm lồng tiếng (Dubbing): Đây là một trang hấp dẫn được HS hào hứng đón nhận và tích cực tham gia gồm nhiều sản phẩm hoạt hình bằng tiếng Anh được chính HS lồng tiếng.
- Kho dự án (Project): Các dự án theo từng chủ để, chủ điểm và nội dung bài học sẽ được lưu trữ ở trang này.
- Vẽ sơ đồ tư duy siêu nhanh và thuyết trình siêu đỉnh (Super Mind map and Super Orator): Nơi để các em thỏa sức thể hiện khả năng vẽ sơ đồ tư duy và kỹ năng thuyết trình của bản thân về các chủ đề học tập bằng tiếng Anh.
- Memorable moments (Những khoảnh khắc đáng nhớ): Đây là nơi lưu lại những khoảnh khắc đáng yêu của cô và trò trong các tiết học và các hoạt động học tập.
 
                                                                               
   H. Trà
 
 

tin liên quan

Tổ chức tổng kết cuối năm, cuối khoá bảo đảm an toàn, tiết kiệm

(QBĐT) - Đó là chỉ đạo của Sở Giáo dục-Đào tạo tại Công văn số 1065/SGDĐT-KHTC ngày 30/5/2023 nhằm chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu, chi và tổ chức những hoạt động cuối năm, cuối khóa trong cơ sở giáo dục công lập.

Nơi ươm mầm ước mơ trẻ thơ

(QBĐT) - Vượt qua những khó khăn của một ngôi trường mầm non ở vùng miền núi khó khăn, nhiều năm nay, Trường mầm non Trường Thủy (Lệ Thủy) luôn đạt danh hiệu đơn vị lá cờ đầu bậc học mầm non của ngành Giáo dục tỉnh.

Mùa kỷ yếu, tri ân: Như thế nào cho phải?

(QBĐT) - Việc lưu giữ những kỷ niệm với nhau trước khi tạm biệt trường lớp, thầy cô, bè bạn là một nhu cầu chính đáng ở cuối mỗi cấp học. Nhưng như thế nào cho phải vẫn là vấn đề cần suy nghĩ.