Phát triển văn hóa đọc trong trường học

  • 07:50 | Thứ Hai, 13/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không ngừng sáng tạo, tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị, nâng cấp hệ thống thư viện, nhiều trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa đã thúc đẩy phong trào đọc sách trong trường học, góp phần rèn luyện thói quen về đọc sách cho học sinh, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng sống...
 
Đến thăm thư viện của Trường tiểu học số 1 xã Trung Hóa vào giờ ra chơi, chúng tôi chứng kiến có rất đông học sinh đến đọc sách tại đây. Mỗi em đều tự chọn cho mình một cuốn sách yêu thích và ngồi đọc ngay tại thư viện. Xung quanh vị trí các em ngồi là cả một không gian rất gần gũi và ấn tượng, từ giá sách đến các bức tường đều được trang trí đẹp mắt, thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học. Các loại sách, báo cũng được sắp xếp gọn gàng, khoa học với nhiều thể loại sách khác nhau, như: Truyện tranh, lịch sử, khám phá thế giới…
 
Em Nguyễn Đức Cường, lớp 5A, Trường tiểu học số 1 Trung Hóa vui vẻ cho biết: “Mỗi ngày đến trường, em thường dành một ít thời gian để đến phòng thư viện đọc sách. Bản thân em rất thích đến thư viện của trường, vì nơi đây có nhiều cuốn sách hay, bổ ích. Hy vọng sắp tới nhà trường sẽ có thêm nhiều cuốn sách mới, phù hợp để chúng em nắm bắt thêm nhiều điều hay trong cuộc sống thông qua việc đọc sách...”
 
Hiện thư viện của Trường tiểu học số 1 Trung Hóa có trên 7.000 đầu sách, truyện và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác dạy học, được bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề, chủ điểm. Đều đặn từng tháng và tùy theo chủ đề, chủ điểm, nhân viên thư viện của nhà trường thường lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho học sinh. Cách giới thiệu này đã tạo được sự mới mẻ, giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc.
 
Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Trung Hóa Cao Thị Hoa Lý cho biết: “Hiện nay, trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động của thư viện cho cả năm học và từng tuần cụ thể. Thời gian hoạt động của thư viện chủ yếu tập trung vào các buổi chiều, các tiết hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa hoặc sau buổi học, những giờ ra chơi... Nhìn chung, thư viện của trường cơ bản đáp ứng cho học sinh có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, khoa học và hiệu quả”.
Học sinh Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa đọc sách tại thư viện.
Học sinh Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa đọc sách tại thư viện.
Nằm ở vùng biên giới với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn lắm khó khăn, tuy nhiên, nhờ huy động được nhiều nguồn lực, Trường tiểu học và THCS xã Thượng Hóa đã xây dựng được một thư viện khá khang trang, đáp ứng nhu cầu về đọc sách của học sinh. Với quyết tâm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, hàng năm, Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa luôn tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ sách cho thư viện.
 
Nhờ vậy, nhà trường hiện có hơn 6.000 đầu sách đa dạng về các lĩnh vực khoa học, văn hóa, danh nhân, lịch sử... Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, thư viện nhà trường đã thu hút trên 1.000 lượt học sinh đến đọc sách.
 
Bà Đinh Thị Hằng, nhân viên thư viện Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, cho hay: “Những năm gần đây, trường tập trung đầu tư mạnh vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm những đầu sách mới để giúp học sinh có thể tìm hiểu được sâu rộng hơn về kiến thức, góp phần tích cực vào quá trình học tập của các em tại trường. Hy vọng rằng, các đơn vị cấp trên và nhà tài trợ sẽ quan tâm hơn nữa đến hoạt động của thư viện này nhằm giúp học sinh có thêm nhiều cuốn sách hay, bổ ích, phù hợp với từng lứa tuổi để mở mang, nâng cao kiến thức hiểu biết nhằm phục vụ sự phát triển về mọi mặt nơi vùng biên viễn này...”.
 
"Huyện Minh Hóa hiện có 29 trường tiểu học và THCS, trong đó 100% trường đều có phòng thư viện, bình quân mỗi trường có khoảng 3.000 đầu sách. Phát huy hiệu quả việc đọc sách trong trường học, thời gian qua, các trường đã không ngừng đổi mới về cách thức tổ chức, hoạt động của thư viện, như: Tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách thông qua việc giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, thi vẽ tranh, sân khấu hóa nội dung về sách, về giáo viên và nhật ký ghi lại các hoạt động được trải nghiệm... Qua đó, các trường học đã nâng cao kiến thức, đặc biệt là trong giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh...", ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa cho biết. 
M. Tuân

tin liên quan

Giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

(QBĐT) - Sáng nay, 31/1, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã triển khai giám sát chuyên đề "Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" tại TP. Đồng Hới.

Chương trình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục

(QBĐT) - Đó là nội dung đánh giá của đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi giám sát "Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" tại TP. Đồng Hới vào chiều nay, 31/1.

Thi tốt nghiệp THPT 2023 dự kiến diễn ra đầu tháng 7

Ngày 30/1, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vào đầu tháng 7.