Xanh thêm nghĩa tình Việt-Lào

  • 07:46 | Chủ Nhật, 22/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rời xa quê hương, mang theo bao ước mơ, hoài bão và khát vọng của tuổi trẻ, các lưu học sinh (LHS) Lào đã vượt qua không ít khó khăn để theo học tại các trường cao đẳng, đại học ở Quảng Bình. Trên hành trình theo đuổi tri thức, các bạn trẻ đến từ đất nước Triệu Voi luôn nhận được tình cảm ấm nồng, sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của tỉnh Quảng Bình, nhất là các thầy, cô giáo, các bạn sinh viên (SV) Việt Nam. Và đó là động lực giúp mỗi LHS Lào yên tâm học tập, rèn luyện để có kiến thức vững vàng trở về phục vụ quê hương.
 
Thắm tình hữu nghị
 
Nhiều năm qua, Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB), Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình (CĐYTQB) là “địa chỉ đỏ” thu hút rất nhiều LHS Lào theo học. Thấu hiểu những khó khăn của LHS Lào trong những ngày đầu nhập học, cán bộ, giáo viên (GV) cùng SV các trường học luôn dành cho LHS Lào sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để LHS nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới.
 
Ông Hoàng Sỹ Tài, Phòng Khoa học công nghệ-Đối ngoại, Trường ĐHQB cho biết: Trường hiện có 79 LHS Lào đang theo học các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh, sư phạm… và nhiều em đang học lớp tiếng Việt. Đa số LHS đến từ các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-sắc…
 
Với đội ngũ GV có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy nên việc dạy học cho LHS Lào ở Trường ĐHQB diễn ra khá thuận lợi. Đa số LHS đều nắm vững kiến thức qua từng bài giảng. Nhiều em có kết quả học tập rất tốt được nhà trường biểu dương, khen thưởng.
 
Mơ ước được khoác lên mình chiếc áo blouse, nhiều bạn trẻ ở Lào đã chọn Trường CĐYTQB để theo học. Cô giáo Lê Khánh Nhung, Trưởng khoa Y, Trường CĐYTQB chia sẻ: Xem học trò như con, các cô giáo, thầy giáo vừa trao truyền kiến thức, vừa tận tình giúp đỡ khi các em ốm đau hoặc gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập. Nhận thấy LHS Lào gặp không ít trở ngại khi tiếp thu bài giảng do phải sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, cô giáo Nhung đã trăn trở tìm cách đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sử dụng nhiều hình ảnh minh họa để các em có cái nhìn thực tế hơn. Ngoài việc xây dựng các video khi thực hiện trên lâm sàng, cô còn tìm các video phù hợp trên mạng internet và đưa vào bài giảng.
Mỗi dịp đón Tết Việt, lưu học sinh Lào cùng các thầy cô giáo, sinh viên Việt Nam (Trường đại học Quảng Bình) chuẩn bị mâm cỗ đậm đà hương vị Việt
Mỗi dịp đón Tết Việt, lưu học sinh Lào cùng các thầy cô giáo, sinh viên Việt Nam (Trường đại học Quảng Bình) chuẩn bị mâm cỗ đậm đà hương vị Việt
Qua nhóm zalo, cô luôn trao đổi với SV về việc học tập, gửi các tài liệu, video phù hợp để SV tự nghiên cứu. Đặc biệt, GV còn đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của SV bằng cách chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm đều có những SV Việt tiếp thu bài tốt và SV Lào nói tiếng Việt tốt để hỗ trợ nhau, giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập, rèn luyện.
 
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo, thầy thuốc ưu tú Lê Viết Hùng, Quyền Hiệu trưởng Trường CĐYTQB cho hay: Hiện tại, toàn trường có 87 LHS Lào đang theo học. Xác định việc đào tạo nhân lực y tế cho nước bạn Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần gìn giữ mối quan hệ giữa 2 đất nước, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để LHS Lào được học tập, sinh hoạt trong môi trường an toàn, thân thiện và chất lượng.
 
Cùng với việc học lý thuyết, trường rất chú trọng đến các hoạt động thực hành để trang bị cho các em kỹ năng nghề nghiệp nhằm phục vụ cho công việc chuyên môn sau tốt nghiệp. Niềm vui của trường là từ năm 2016 đến nay, đã có khoảng 200 LHS Lào tốt nghiệp. Nhiều em về nước và làm việc tại các bệnh viện lớn, một số em có vị trí quan trọng trong các đơn vị y tế của Lào.
 
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, sắp tới, trường sẽ xây dựng khu ký túc xá mới cho LHS Lào vì ký túc xá hiện có của trường đã xuống cấp. Trường cũng tổ chức lớp học tiếng Lào cho cán bộ, GV nhằm phục vụ công tác giảng dạy và giao lưu, trao đổi với LHS Lào để hiểu thêm về văn hóa, phong tục, tập quán nước bạn.
 
Mỗi độ Tết đến, xuân về, các trường học đều tổ chức cho LHS Lào, SV Việt gói bánh chưng, làm bữa cơm đậm chất Việt với mứt gừng, bánh xoài, dưa hành, kiệu muối… Thầy, cô giáo cùng các bạn SV Việt luôn có mặt cùng LHS Lào trong thời khắc đón giao thừa. Và đến dịp Tết Lào, các trường học cũng tổ chức những hoạt động thiết thực, tạo cho các em cảm giác ấm cúng, gần gũi như đang đón Tết ở quê hương…
 
Sẽ mãi là một phần ký ức
 
Với những LHS Lào, giảng đường các trường học là ngôi nhà chung, Quảng Bình là quê hương thứ hai của các em.
 
Trò chuyện với chúng tôi, Khambousen Vanchai đến từ tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt cho biết: Em biết đến Trường CĐYTQB qua lời kể của một người chị từng học tại ngôi trường này và nay đang có công việc ổn định tại Lào. Khi trở thành SV của trường, em rất vui vì được học tập trong môi trường rất tốt, được có thêm nhiều người bạn mới.
 
Thầy, cô giáo và các bạn Việt Nam giúp đỡ em rất nhiều trong học tập, nhất là học tiếng Việt. Nhờ vậy, khả năng nghe, nói bằng tiếng Việt của em ngày càng được cải thiện, giúp em thuận lợi hơn trong học tập, giao tiếp. Em rất thích món ăn Việt và đặc biệt yêu thích chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
LHS Lào thực hành công việc của một điều dưỡng tại Trường CĐYTQB.
LHS Lào thực hành công việc của một điều dưỡng tại Trường CĐYTQB.
Phethauy Phalanysong, SV năm cuối chuyên ngành Quản lý tài nguyên môi trường (Trường ĐHQB) trải lòng: "Đối với gia đình em, Quảng Bình gần gũi, thân thương như chính quê hương Sạ-vẳn-na-khệt của em vậy. Anh trai em từng học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Trường ĐHQB và có công việc ổn định ở Lào nên cả gia đình rất yên tâm khi cho em theo học. Gần 5 năm học tập tại trường cho em nhiều trải nghiệm quý cùng những kỷ niệm đẹp. Em được thăm động Phong Nha, suối Nước Moọc, được đón Tết Việt với rất nhiều điều thú vị. Hạnh phúc hơn là em cũng được đón Tết Lào (Bunpimay) ngay trên đất Việt. Các thầy, cô giáo cùng các bạn SV luôn hòa mình cùng chúng em trong lễ hội té nước, tham gia buộc chỉ cổ tay, cùng hòa chung điệu múa Lăm vông, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị Việt, Lào và không quên chúc nhau năm mới với những gì tốt đẹp nhất. Dẫu chưa xa nhưng em đã thấy nhớ. Với em, Quảng Bình sẽ là một phần ký ức không thể mờ phai”.
 
Chung tâm trạng với Phethauy Phalanysong, các em: Thonesavanh Pouna (chuyên ngành Quản trị du lịch-Lữ hành), Khamphanthavong Sapthida (chuyên ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Trường ĐHQB), Phayavongxai Khamsouk (Trường CĐYTQB) và nhiều LHS khác đều bày tỏ: Hoàn thành chương trình học trở về quê hương, các em sẽ mang theo hình ảnh đẹp của đất, người Quảng Bình cùng những kiến thức đã học để làm việc thật tốt và giới thiệu đến các bạn bè, người thân về vẻ đẹp thiên nhiên, du lịch Quảng Bình, mảnh đất mà các em đã gắn bó những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời…
 
Đã thành một nét đẹp truyền thống, trong các sự kiện, hoạt động của SV Việt Nam luôn có sự tham gia của LHS Lào và các dịp lễ, Tết truyền thống của LHS Lào không thể thiếu các thầy, cô giáo và SV Việt Nam. Đó sẽ là những ký ức đẹp đối với nhiều thế hệ LHS Lào trong thời gian sinh sống, học tập tại Quảng Bình, khơi dậy trong mỗi SV Việt và LHS Lào niềm tự hào về dân tộc, về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước để ra sức rèn luyện, học tập cống hiến cho quê hương, đất nước, cùng nhau gìn giữ mối quan hệ Việt-Lào “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
 
Hầu hết LHS Lào đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều thuộc chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh của Lào (được tài trợ học bổng toàn phần), chỉ một số ít LHS thuộc diện tự túc kinh phí. Trong chương trình, các LHS được học tiếng Việt 1 năm, sau đó sẽ theo học chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng. Trong suốt quá trình học, LHS Lào luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh và các trường học. Đa số LHS đều có kết quả học tập tốt. Nhiều em nói tiếng Việt như người bản địa.

Nhật Văn

tin liên quan

Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

Ngày 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định 1640/QĐ-TTg đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2023, tại Việt Nam.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững

(QBĐT) - Đó là chủ đề của hội thảo do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức vào chiều 29/12. 

Gương sáng sinh viên

(QBĐT) - "Ý thức được tầm quan trọng của việc học, em càng quyết tâm hơn nữa để sau này trở thành một giáo viên tốt, đem lại con chữ, nguồn tri thức mới mẻ cho những mầm non tương lai của đất nước...". Đó là ước nguyện ấp ủ của cô sinh viên năm nhất ngành Giáo dục tiểu học, Trường đại học Quảng Bình Bùi Thu Uyên (dân tộc Mường, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới).