"Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

  • 09:01 | Chủ Nhật, 04/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi gặp Hoàng Thị Kim Thanh (SN 1995), quê ở xã Tây Trạch (Bố Trạch) khi em cùng đoàn công tác Trường hữu nghị Việt Nam-Lào, Quảng Bình-Khăm Muộn đến tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Thanh để lại ấn tượng trong tôi là một cô giáo thân thiện, cởi mở, luôn nở nụ cười trên môi.
 
Trò chuyện với tôi, em trải lòng: “Em yêu nghề sư phạm và càng yêu hơn khi chính bản thân mình là người  “gieo” chữ Việt cho học sinh (HS) Lào, bởi việc làm đó góp phần gìn giữ tình hữu nghị của hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của hai đất nước Việt Nam-Lào”.
 
- Cơ duyên nào để em, một cô gái trẻ mới tốt nghiệp đại học đến với nước bạn Lào?
 
- Em tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm-Đại học Huế, chuyên ngành Ngữ văn vào tháng 6/2018. Đến tháng 10, khi biết tin Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình tuyển giáo viên (GV) đi giảng dạy tại nước bạn Lào, em đã mạnh dạn đăng ký và trúng tuyển. Lúc đó, bản thân rất lo lắng nhưng vì khao khát được đứng trên bục giảng và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn trải nghiệm ở một môi trường hoàn toàn mới đã thôi thúc em lên đường. Tại Trường hữu nghị Việt Nam-Lào, Quảng Bình-Khăm Muộn, em được phân công giảng dạy bộ môn ngoại ngữ là tiếng Việt cho HS Lào, trong đó có nhiều HS là người Việt sinh sống tại Lào.
 
- Một thân một mình nơi “đất khách quê người”, Thanh đã nỗ lực như thế nào để vượt qua những khó khăn và thích nghi với cuộc sống mới?
 
- Ở Lào, dù không có người thân, gia đình bên cạnh nhưng em được gặp gỡ và quen biết với nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây. Quãng thời gian ở đất nước này cho em nhiều trải nghiệm quý giá. Đó là được sống trong một môi trường văn hóa mới, thưởng thức những món ăn mới và theo các anh, chị đi nương rẫy, được truyền đạt tiếng Việt đến với người dân, HS Lào và được nhận tình yêu thương, sự chân tình của mọi người. Nhà trường bố trí cho chỗ ở ngay trong khuôn viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để em công tác.
 
Đến với một vùng đất hoàn toàn xa lạ, có nhiều đêm em khóc vì nhớ nhà, nhớ người thân. Lúc mới sang đây, em rất bỡ ngỡ về cách giao tiếp, nếp văn hóa và cả cách tham gia giao thông của người Lào. Ở đây, khi dừng đèn đỏ, phải nhường làn bên phải cho xe rẽ và không được bấm còi xe. Em còn nhầm lẫn các mệnh giá tiền Lào bởi các tờ tiền chỉ có một mặt ghi mệnh giá... Tuy gặp không ít khó khăn, trở ngại ban đầu nhưng vì luôn nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và các em HS nên em đã vượt qua để yêu hơn công việc mình đang làm. 
Hoàng Thị Kim Thanh hạnh phúc cùng các học sinh Lào.
Hoàng Thị Kim Thanh hạnh phúc cùng các học sinh Lào.
- Để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ quen thuộc đối với HS Lào, chắc hẳn em đã phải nỗ lực rất nhiều?  
 
- Để dạy tốt tiếng Việt, em đã lên mạng tìm hiểu kiến thức về đất nước bạn, tự học tiếng Lào; đồng thời gần gũi HS, GV trong trường để tăng cường giao tiếp, tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân.
 
Việc dạy tiếng Việt cho học sinh Lào đòi hỏi sự kiên nhẫn cao bởi sự khác biệt 2 ngôn ngữ này là rất lớn. Với tiếng Việt, HS Lào gặp nhiều khó khăn khi phát âm, khó nhất là các phụ âm “g, r, tr” và các vần “ong, ông, ung…”. Vậy nên khi dạy, ngoài chuẩn bị giáo án, sưu tầm các hình ảnh giúp HS dễ nắm bắt hơn, em vừa phát âm vừa làm rất nhiều động tác tạo hình hoặc thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để HS dễ hiểu.
 
Tiếng Việt có 6 thanh điệu đặc trưng, tạo cho ngôn ngữ nói có thể lên bổng, xuống trầm nên khi dạy cho HS phát âm, em thường sử dụng động tác tay để chỉ dẫn. Ví dụ, như: Dấu sắc đi lên, dấu nặng đi xuống, dấu huyền hơi chéo xuống, dấu hỏi cua vòng, dấu ngã uốn lượn tay, thanh ngang đưa sang ngang. Phương pháp này giúp HS phân biệt các thanh điệu, mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy và học tiếng Việt.
 
Thành quả lớn nhất mà em nhận được là đã giúp cho nhiều HS giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, gieo vào các em tình yêu đối với đất nước Việt Nam. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi về ngôn ngữ cho những HS Lào có nguyện vọng sang học tập tại các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam.
 
- Động lực nào giúp em tận tâm với công việc gieo chữ Việt ở xứ người?
 
- Học sư phạm và ra trường được theo nghề mình yêu thích, đó niềm hạnh phúc lớn. Và hạnh phúc hơn khi việc làm của mình góp phần vào việc vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 tỉnh của hai đất nước. Qua hoạt động dạy học, em giới thiệu đến HS về văn hóa Việt, về tình hữu nghị hai đất nước và học ở các em những kiến thức về văn hóa Lào. Điều quan trọng nữa là việc học tiếng Việt giúp cho nhiều HS là Việt kiều ở Lào giữ được tiếng mẹ đẻ.
 
Ở đất nước này, em nhận được nhiều tình cảm của người dân Lào. Các thầy cô giáo trong trường yêu thương em như em út trong một gia đình. Những lúc ốm đau phải nằm viện, hay gặp khó khăn trong cuộc sống, em luôn được quan tâm chăm sóc tận tình. Đặc biệt khi Lào thực hiện việc cách ly, hạn chế tiếp xúc, đi lại bởi dịch Covid-19, biết em “lạ nước lạ cái”, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh đã quan tâm giúp đỡ rất nhiều, cung cấp đủ các loại thực phẩm từ rau, cá, thịt...,  tạo điều kiện cho em yên tâm công tác.
 
- Điều gì trên đất nước bạn để lại trong em nhiều ấn tượng nhất?
 
- Đến với đất nước Triệu Voi, em ấn tượng và thích nhất là vấn đề giao thông. Là quốc gia có rất nhiều ô tô khi tham gia giao thông nhưng ở Lào lại luôn trật tự, yên tĩnh. Hầu hết người lái xe đều tuân thủ luật giao thông, đi đúng làn đường, không có sự chen lấn. Có thể nói, còi xe được xem là dư thừa tại đất nước này.
 
Bên cạnh đó, em ấn tượng về lời chào “sabaidi”. Người dân nơi đây không khuyến khích việc chào hỏi bằng cách đụng chạm cơ thể hay chân tay, họ thường chắp hai tay lại hướng về phía trước và cúi đầu để tỏ lòng thành kính. Lào cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều có phong tục và truyền thống đón năm mới riêng với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Người dân Lào sống hiền lành, thân thiện và đặc biệt, họ dành rất nhiều tình cảm với đất nước Việt Nam…
 
Ở đất bạn Lào, mỗi năm em được 2 lần đón Ngày Hiến chương nhà giáo, đó là Ngày Nhà giáo quốc gia Lào (7/10) và Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Ngoài ra, các ngày lễ, như: Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Tết cổ truyền Việt Nam..., nhà trường đều tổ chức các hoạt động thiết thực. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ 2/9, trường thường tổ chức cho GV tham quan, dâng hương khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang, Xiềng Mương (huyện Noỏng Bốc, Khăm Muộn).
 
Đến với Lào gần 5 năm, em đã được trải qua 4 cái Tết cổ truyền Bunpimay của Lào với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tết cổ truyền Việt Nam năm 2021, em không về quê do dịch Covid-19 nhưng vẫn được đón Tết Việt trên đất Lào rất ấm cúng bởi sự quan tâm của Sở Giáo dục-Thể thao Khăm Muộn, GV trong trường và các trường khác cùng nhiều HS, phụ huynh… Tất cả đã để lại trong em nhiều kỷ niệm, khiến em muốn gắn bó nhiều hơn với đất nước xinh đẹp này bởi “tình yêu” đã làm “đất lạ hóa quê hương”.

Trường hữu nghị Việt Nam-Lào, Quảng Bình-Khăm Muộn nằm ngay trung tâm của thị xã Thà Khẹt, là 1 trong những trường đứng đầu của tỉnh Khăm Muộn. Trường là món quà của chính quyền, nhân dân Quảng Bình gửi tặng tỉnh Khăm Muộn. Trường hiện có hơn 80 GV, trong đó có 1 GV người Việt Nam là Hoàng Thị Kim Thanh tình nguyện sang giảng dạy. Toàn trường có trên 1.400 HS từ bậc mầm non tới THPT.

Song song với việc dạy tiếng Anh, trường còn mở rộng bộ môn tiếng Việt cho HS từ lớp 4 trở lên. Đây là hành trang giúp cho thế hệ trẻ là người Lào và người Việt ở Lào trở thành những nhịp cầu xây đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước.

 
Nh. V

tin liên quan

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập khó khăn do COVID-19

Người được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021.

Cùng học sinh, sinh viên đến trường

(QBĐT) - Nhằm giúp những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay tiền theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã được triển khai. Sau 20 năm thực hiện, gói vay đã giúp hàng nghìn em được tiếp tục đến trường để thực hiện ước mơ của bản thân.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(QBĐT) - Phát huy truyền thống đáng tự hào, những năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục Bố Trạch đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Chất lượng đại trà được duy trì, củng cố, giáo dục mũi nhọn nâng cao, phương pháp giáo dục lấy học sinh (HS) làm trung tâm được triển khai sâu rộng, hiệu quả.