Tranh thủ thời gian "vàng" trong hoạt động dạy học

  • 14:21 | Thứ Tư, 06/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ quyết liệt, khẩn trương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của toàn hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Toàn tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm chuyển trạng thái bình thường mới. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các trường học đã triển khai hoạt đông dạy học phù hợp theo hình thức trực tiếp, trực tuyến (TT) với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt, tận dụng mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học.  
Các trường học ở huyện Tuyên Hóa thực hiện chia lớp giãn cách để học trực tiếp.
Các trường học ở huyện Tuyên Hóa thực hiện chia lớp giãn cách để học trực tiếp.
Ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, từ ngày 20-9, toàn tỉnh triển khai dạy học bằng hình thức TT và học qua truyền hình. Tỷ lệ học sinh (HS) tham gia học tập khá cao, cụ thể: THPT: 96,31%, THCS: 90,55%, TH: 90,06% (lớp 3, 4, 5) và 81,43% HS lớp 1, 2 học qua truyền hình.
 
Sở đã cử cán bộ tham gia dự giờ nhằm đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên (GV), HS. Kết quả bước đầu cho thấy, chất lượng dạy học cơ bản bảo đảm, HS tích cực tương tác với GV qua từng môn học.
 
Đặc biệt, nhiều GV đã có sự chuẩn bị bài giảng khá công phu, tạo sự hứng thú cho HS trong học tập. Tuy nhiên, hình thức học tập này cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Nhiều HS, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu thiết bị học TT, đường truyền không ổn định… nên không thể tham gia học tập đầy đủ…
 
Sau ngày 30-9, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh cụ thể, các địa phương lựa chọn hình thức dạy học phù hợp và đã có 2 huyện là Tuyên Hóa, Minh Hóa tổ chức dạy học trực tiếp, kết hợp giữa TT và trực tiếp.
 
Theo thống kê bước đầu, 100% trường THPT thực hiện dạy học TT; 2 trường THCS-THPT ở Minh Hóa kết hợp giữa học trực tiếp và TT (THCS-THPT Trung Hóa, THCS-THPT Hóa Tiến). Các Phòng GD-ĐT: Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy áp dụng hình thức dạy học TT. Riêng Phòng GD-ĐT Minh Hóa, áp dụng 100% dạy học trực tiếp. 
 
Ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa cho hay, do đặc thù là huyện miền núi, tỷ lệ HS thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khá cao nên việc tiếp cận công nghệ trong học tập còn hết sức khó khăn. Nhiều HS không có thiết bị học tập TT, khả năng sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin còn hạn chế…
 
Vì thế, từ ngày 4-10, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, huyện quyết định cho các trường học tổ chức dạy học trực tiếp. Để bảo đảm an toàn, Phòng GD-ĐT đã tăng cường công tác chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
 
Các trường học đều tổ chức phân luồng lối đi, bố trí lệch giờ đón, trả HS, cử cán bộ đo thân nhiệt cho GV, HS ngay tại cổng và chia lớp (mỗi lớp không quá 25 HS)… Bên cạnh đó, GV thường xuyên nhắc nhở HS thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
 
“Thực hiện chia lớp để dạy học rất vất vả cho đội ngũ GV vì họ phải làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học, mỗi GV đều nỗ lực cố gắng, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với HS. Song song với dạy học trực tiếp, đội ngũ cán bộ, GV thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ thiết bị cho HS có hoàn cảnh khó khăn để chủ động chuyển trạng thái dạy học tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Hiện tại đã có 26 HS lớp 9 được nhận thiết bị phục vụ cho việc học TT. Chúng tôi đang tranh thủ thời gian “vàng” để dạy học”, ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.
 
Tại huyện Tuyên Hóa, việc áp dụng hình thức dạy học trực tiếp, TT và kết hợp giữa 2 hình thức dạy học này được triển khai đối với từng địa bàn. Toàn huyện có 16 trường TH và 13 trường THCS, TH-THCS dạy học trực tiếp; các trường còn lại áp dụng hình thức học TT và kết hợp giữa trực tiếp cùng TT. Hiện tại, bậc học mầm non trên địa bàn huyện tạm dừng việc học vì một số trường học được sử dụng làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.  
Việc học TT vẫn đang được triển khai ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Việc học TT vẫn đang được triển khai ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Huyện Bố Trạch cũng là địa phương chuẩn bị khá chu đáo cho việc tổ chức dạy học trực tiếp song vẫn đang thực hiện dạy học TT. Theo ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, sở dĩ huyện chưa triển khai dạy học trực tiếp là do không ít phụ huynh còn tâm lý lo ngại, chưa yên tâm cho con em tới trường vì trước đó nhiều địa phương trên địa bàn huyện là điểm nóng của dịch Covid-19.
 
Mặt khác, huyện cũng đang chuẩn bị đón công dân từ các tỉnh phía Nam nên đang tập trung cho hoạt động cách ly y tế, kiểm soát dịch… Nếu hết ngày 10-10 tình hình ổn định, Bố Trạch có thể triển khai dạy học trực tiếp.
 
Xã Ngư Thủy Bắc từng được xem là điểm nóng của dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 16 trường hợp mắc Covid-19, 182 trường hợp F1, 358 trường hợp F2. Số bệnh nhân Covid-19 và các F1, F2 đều thực hiện tốt việc cách ly, điều trị, sức khỏe ổn định.
 
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, các trường học trên địa bàn xã còn triển khai tốt hoạt động dạy học TT, với 87% HS TH (lớp 3,4,5), 82% HS THCS tham gia học và 82,1% HS lớp 1, 2 học qua truyền hình. Hiện tại, xã đã đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tiếp nên các trường học đều xây dựng phương án cụ thể để đón HS tới trường như chia lớp, bố trí lệch giờ đón, trả trẻ đối với bậc học mầm non, chia nhóm và tổ chức học 2 buổi/ngày (TH và THCS)… 
 
Nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp hoặc kết hợp với TT tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể. 
 
Dịch Covid-19 đã và đang đặt ra cho ngành GD-ĐT nhiều thách thức. Để triển khai hoạt động dạy học, đội ngũ cán bộ, GV phải làm việc nhiều hơn so với ngày thường, thậm chí gấp đôi thời gian khi thực hiện chia lớp để giãn cách. Thế nhưng, trong khó khăn, mỗi cán bộ, GV trong toàn ngành đang phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng vì sự nghiệp “trồng người", vì thế hệ tương lai.
 
Xác định sống chung an toàn với dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã và đang nỗ lực vượt khó, tranh thủ thời gian “vàng” để dạy học trực tiếp, nhất là các địa phương thuộc vùng khó khăn. Mặt khác, ngành cũng đang tiếp tục củng cố, phát huy thế mạnh, tiện ích của việc dạy học TT để chủ động chuyển trạng thái dạy học trong điều kiện cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Nh.  V
 

tin liên quan

Nỗ lực dạy và học trong mùa dịch

(QBĐT) - Bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực để từng bước vượt qua. Đến nay, việc mua sắm sách vở, trang thiết bị, tu sửa và xây dựng cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thành.

Địa phương linh hoạt hình thức dạy học theo diễn biến dịch

Hiện nay, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, để đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng giáo dục.

Xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa vừa ban hành Công văn số 4237/BGDĐT-QLCL gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo; Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022.