Muôn kiểu học... online

  • 19:13 | Thứ Sáu, 24/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày qua, câu chuyện hai nữ sinh dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) lên rừng dựng lán, “đón sóng” điện thoại học online đã lay động lòng người. Giống như bản Bạch Đàn, ở hàng trăm bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc núi rừng Trường Sơn, phụ huynh, học sinh (HS) phải tìm đủ mọi cách để học online, giữ lấy cái chữ giữa mùa dịch Covid-19.
 
Cắt rừng, tìm... sóng
 
Bản Rào Con, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) nằm lọt giữa vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Mấy hôm nay, Trưởng bản Hồ Kiên ruột gan như lửa đốt vì chuyện học của con em trong bản. “Sóng điện thoại cứ chập chờn mô trên ngọn cây, đỉnh núi chơ đồng bào không hứng được”. Một buổi sáng, Hồ Kiên sang kéo áo Hồ Thẩu, Bí thư chi bộ bản rồi cùng nhau cắt rừng, tìm… sóng di động.
 
Cuối cùng thì hai cán bộ bản Rào Con cũng chọn được địa điểm “đủ điều kiện” cắm chốt, mở lớp cho con em học online, cách bản chừng 5 cây số, dọc theo đường ra trung tâm thị trấn Phong Nha. Có được điểm đón sóng di động, người dân bản Rào Con dựng lán che nắng, che mưa, tổ chức lớp học.
Lớp học online của các em HS Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân
Lớp học online của các em HS Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân
Hiện tại, lớp học giữa rừng có 3 HS gồm các em: Hồ Thị Nguyệt, con Bí thư chi bộ bản Hồ Thẩu, học lớp 10, Trường THPT Ngô Thời Nhậm, Q.9, TP. Hồ Chí Minh, nghỉ hè về thăm quê bị kẹt lại; Hồ Văn Thắng, con chị Hồ Thị Anh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản và Hồ Văn Trí, con Trưởng bản Hồ Kiên cùng học lớp 12, Trường PTDT nội trú tỉnh.
 
Ngược lên vùng Lòm hun hút xa của xã biên giới Trọng Hóa (Minh Hóa). Tại bản Dộ, cô bé người Khùa Hồ Thị Thay đang ngồi học online trong góc nhà. Hồ Thị Thay bảo: “Năm ni em học lớp 10, Trường PTDT nội trú tỉnh. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên chưa thể xuống trường được. Nhà trường, thầy cô hướng dẫn em học trực tuyến”.
 
Học bài qua màn hình chiếc smatphone bé tí, sóng di động chập chờn, kiến thức công nghệ hạn chế khiến những ngày đầu Thay phải “mướt mồ hôi” tập làm quen. Thương Thay và con em các bản làng, Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cùng một số cán bộ xã cắt cử nhau bám bản, hướng dẫn HS học trực tuyến.
 
“Hồ Thị Thay may mắn vì có chiếc điện thoại thông minh để học, chứ nhiều em nhà nghèo, bố mẹ không có tiền mua máy, đành phải bó tay. Như nhà Thay còn hai người em học lớp 6. Thương chị, hai đứa nhường điện thoại cho chị học, bản thân mình chịu thiệt thòi”, Phạm Văn Bắc cho biết.
Không có điều kiện mua điện thoại giúp con học trực tuyến, chị Đinh Thị Tiếp ở thôn Tân Sơn, xã Trường Sơn ở nhà cùng con ôn tập kiến thức, chờ đại dịch Covid-19 qua
Không có điều kiện mua điện thoại giúp con học trực tuyến, chị Đinh Thị Tiếp ở thôn Tân Sơn, xã Trường Sơn ở nhà cùng con ôn tập kiến thức, chờ đại dịch Covid-19 qua
Theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, qua lời kêu gọi của UBND xã, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua điện thoại cho 12 HS học tại Trường DTNT tỉnh và Trường THCS và PTTH Hóa Tiến. Riêng HS tiểu học, chỉ có khoảng 20% HS đủ điều kiện học trực tuyến nên không thể triển khai được.
 
Giữ cái chữ giữa mùa dịch Covid-19
 
Thầy giáo Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Quảng Ninh đóng tại xã biên giới Trường Sơn chia sẻ: “Năm học 2021-2022, toàn trường có 294 HS, trong đó HS Bru-Vân Kiều 179 em. Khi triển khai học trực tuyến thì chỉ áp dụng được đối với HS người Kinh nhưng số lượng các cháu có phương tiện học online cũng rất hạn chế, chỉ được 90 em. Số HS còn lại, trong đó phần lớn người Bru-Vân Kiều ở các bản làng xa xôi, nhà trường dạy học bằng cách in bài ra giấy rồi đến từng bản, đi từng nhà, phát tận tay”.
 
“Không phải ai cũng đủ điều kiện mua điện thoại di động, máy tính cho con học trực tuyến, nhất là đối với người nghèo như chúng tôi. Con trai tôi năm nay học lớp 5, thiếu phương tiện học trực tuyến nên phải tự học. Trong giai đoạn dịch giã này, chỉ mong con giữ được kiến thức là tốt lắm rồi”, chị Đinh Thị Tiếp ở thôn Tân Sơn bảo thế. Nhà chị Tiếp thuộc diện hộ nghèo, chồng mất, ngoài hai mẹ con còn chăm thêm bà năm nay ngoài 80 tuổi.
 
Hiểu hoàn cảnh gia đình, Đinh Mạnh Cường, con trai chị Tiếp ước mơ: “Cháu mong sao dịch nhanh qua để cuộc sống trở lại bình thường, chúng cháu được trở lại trường..."
 
Giống như Đinh Mạnh Cường, Trần Anh Tài, con anh chị Trần Văn Thạch và Lê Thị Nhàn, một hộ nghèo ở thôn Tân Sơn không có điện thoại, máy tính học online. Gia đình có 3 anh em đều đang tuổi ăn, tuổi học, anh đầu học lớp 6, em út học lớp 1, Tài học lớp 4. “Đến giờ lên lớp, cháu phải chạy đi học nhờ bạn hàng xóm. Học nhờ mãi cũng ngại nên về nhà. Anh em cháu mong có được một cái máy điện thoại thông minh để học. Nhưng mà bố mẹ cháu không có tiền mua...", Trần Anh Tài tâm sự.
Giờ học trực tuyến của em Hồ Thị Thay ở bản Dộ, xã Trọng Hóa
Giờ học trực tuyến của em Hồ Thị Thay ở bản Dộ, xã Trọng Hóa
Năm học 2021-2022, Trường THCS xã Trường Xuân (Quảng Ninh) có 131 HS, trong đó 44 HS người Bru-Vân Kiều. Qua khảo sát, chỉ được 79 HS đủ điều kiện tham gia học trực tuyến. Thầy giáo Trương Văn Sỹ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nên việc mua sắm điện thoại, máy tính cho con cái học hành là một vấn đề quá khó. Trong điều kiện vừa dạy học, vừa phòng chống đại dịch Covid-19, nhà trường phải linh hoạt kết hợp vừa dạy online, vừa phát bài giảng bằng giấy về tận các thôn, bản”.
 
“Phụ huynh, nhất là bà con đồng bào Bru-Vân Kiều không muốn con em mình học trực tuyến. Thứ nhất, học qua màn hình điện thoại bất tiện, khó tiếp thu hoàn toàn kiến thức, sóng điện thoại chập chờn ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ hai, khi con em mình học trực tuyến phải mất một người ở nhà “canh” con bởi trên không gian mạng có rất nhiều điều cám dỗ, không phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý các cháu. Cuối cùng, vì thiếu phương tiện, HS thường tổ chức theo nhóm, không bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19”, thầy giáo Trương Văn Sỹ cho biết thêm.
 
Tại bản Khe Ngang, một nhóm học sinh lớp 8 đang học online, tổ chức tại nhà Hồ Thị Yến, con gái Hồ Xong gồm Hồ Thị Lê, Hồ Thị Mê, Hồ Thị Kiên. Chiếc smatphone nhỏ dùng chung cho các em để phía đầu bàn, tất cả học rất chăm chú, nghiêm túc đeo khẩu trang suốt cả buổi học.
 
Hồ Xong mấy ngày nay bỏ hẳn việc lên rừng ở nhà “canh” con gái học. Hồ Xong bảo: “Mình đi làm… bọn trẻ ở nhà không yên cái bụng. Học hành xong, không có mình, chúng sẽ làm gì, xem gì trên mạng, ai kiểm soát được”. Thế là Hồ Xong quyết định, hai vợ chồng thay nhau, một người đi làm, một người ở nhà lo chuyện học trực tuyến của con.
 
Qua khảo sát của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tại 32 trường THPT và 8 trung tâm GDDN với 34.009 HS, 8 phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố với 56.051 HS THCS và 93.971 HS TH cho thấy tỷ lệ HS đủ điều kiện học trực tuyến cấp TH: 64,6% HS; cấp THCS 62,2% và cấp THPT 90,1%. Số lượng HS không đủ điều kiện học trực tuyến phần lớn là con em hộ nghèo, cận nghèo; HS dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn…

Thanh Long

 

tin liên quan

Bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học 2021-2022 hiệu quả, chất lượng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện Hỏa tốc số 1238/CĐ-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.

Phát sóng bài giảng lớp 1 và 2 trên ba kênh truyền hình quốc gia

Ngày 23-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai việc dạy học ứng phó với tình hình dịch COVID-19, Bộ đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học, giúp các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.

Hai nữ sinh Vân Kiều dựng lán học online

(QBĐT) - Những ngày vừa qua, 2 nữ sinh dân tộc Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đã phải đi bộ gần 5 km, dựng lán "đón" sóng 3G để học online.