Hai nữ sinh Vân Kiều dựng lán học online

  • 21:21 | Thứ Tư, 22/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày vừa qua, 2 nữ sinh dân tộc Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đã phải đi bộ gần 5 km, dựng lán "đón" sóng 3G để học online.
Hai chị em Son và Huyền đang học bài trong lán
Hai chị em Son và Huyền đang học bài trong lán
Hai nữ sinh này là Hồ Thị Son (SN 2004) học lớp 12 và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005) học lớp 11, Trường PTDT Nội trú tỉnh. Son và Huyền là chị em ruột trong một gia đình ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Hồ Thị Son kể: “Do dịch bệnh Covid-19 nên từ ngày 20-9, trường em tổ chức học trực tuyến. Tuy nhiên, trong bản không có sóng điện thoại cũng như sóng 3G nên chúng em phải lên đây dựng lán học tập”.
 
Để chuẩn bị cho việc học online, những ngày trước, 2 học sinh (HS) này đi khắp bản làng nhưng không chỗ nào có sóng 3G. Không để chậm trễ việc học hành, hai em quyết định lên rừng để dò sóng. Qua 2 ngày đi khắp cánh rừng, Son và Huyền cũng đã tìm được vị trí có sóng tại một ngọn đồi cao, cách nhà các em khoảng 5km.
 
Khi bắt được sóng, Huyền và Son cùng bố mẹ dựng một cái lán nhỏ che mưa, che nắng. Những thanh gỗ được kê làm bàn, ghế cho 2 em học bài. "Dịch Covid-19 nên bọn em không đến trường được, thầy cô cũng có hướng dẫn để em tự học ở nhà, nhưng bọn em rất muốn được học cùng với các bạn. Khi được thầy cô giảng qua điện thoại, bọn em sẽ học được nhiều hơn so với tự học nên đã cố gắng đến đây để bắt sóng", em Hồ Thị Son chia sẻ.
 
Mặc dù rất vui mừng khi tìm được vị trí có sóng 3G để học trực tuyến nhưng Son và Huyền cũng như bố mẹ các em rất lo lắng. Bởi khu vực dựng lán là vách núi cao, trước mặt là vực sâu nên dễ bị sạt lở nên 2 chị em chỉ dám đến ngồi học lúc trời tạnh ráo. Để học trực tuyến, mỗi sáng, Huyền và Son dậy từ rất sớm, đem theo nắm cơm, đi bộ gần 5 km theo con đường lởm chởm đất đá để đi lên lán ngồi học. Các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, bài tập của thầy cô gửi qua zalo, facebook.
 
Hồ Thị Son tâm sự: “Năm nay là năm cuối cấp nên em phải cố gắng học để theo kịp bạn bè, có kiến thức để thi tốt nghiệp THPT. Dù khó khăn thế nào chúng em cũng sẽ cố gắng học tập để sau này có công việc ổn định, thoát cái đói, cái nghèo...”.
 
Hồ Thị Huyền cho biết: “Mặc dù mạng đôi lúc cũng chập chờn nhưng ở giữa núi rừng này vẫn được theo dõi thầy cô giảng bài là vui lắm rồi. Chúng em chỉ mong sớm hết dịch để trở lại trường, học tập được tốt hơn".
 
Bà Hồ Thị Lài, mẹ của Son và Huyền cho hay: “Dù cuộc sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình vẫn luôn tạo điều kiện cho các con ăn học trong điều kiện tốt nhất có thể. Tôi mong hai cháu chăm chỉ học tập để sau này kiếm được công việc ổn định mới mong thoát được nghèo khổ”.
 
Nhà bà Lài có 3 người con. Cuộc sống của gia đình quanh năm làm nương làm rẫy nhưng bà dành dụm để mua điện thoại thông minh với giá hơn 1 triệu đồng/chiếc cho các con học tập. 
Đường vào bản Bạch Đàn bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ
Đường vào bản Bạch Đàn bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ
Ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết: “Bản Bạch Đàn nằm cách xa vùng trung tâm của xã, nơi đây sóng điện thoại rất yếu. Muốn học trực tuyến, các em HS phải tìm đến khu vực cao hơn hoặc ra trung tâm xã để dò sóng 3G. Tuy nhiên, những ngày mưa lũ vừa qua làm cho con đường nối từ bản ra trung tâm xã bị sạt lở nghiêm trọng nên các em phải lên rừng dựng lán học bài”...
 
Xuân Vương

tin liên quan

Đại học đầu tiên xét tuyển bổ sung thí sinh điểm cao trượt đợt 1

Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là điểm nhận hồ sơ xét tuyển thẳng không được thấp hơn 26,75 (tổ hợp không có môn tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn tiếng Anh).

Xây dựng kịch bản dạy học theo từng tháng, phù hợp với từng vùng

Sau gần 1 tháng bước vào năm học mới, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức nhiều phương thức dạy và học linh hoạt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Dạy học trong bối cảnh dịch bệnh: Cần sự nỗ lực, chung tay

(QBĐT) - Với phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong triển khai hoạt động dạy học. Hiện tại, toàn ngành đang thực hiện việc dạy học trực tuyến (TT) và học qua truyền hình, xem đây là giải pháp tình thế để duy trì việc học cho HS.