Có thể kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp tùy theo diễn biến của dịch bệnh

  • 15:04 | Thứ Bảy, 25/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho giáo viên (GV), học sinh (HS), đồng thời thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành GD-ĐT đã tổ chức hình thức dạy học trực tuyến (TT). Tuy nhiên trên thực tế, nhiều HS không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh. Một số địa bàn chất lượng đường truyền Internet kém hoặc không có sóng…
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT đã chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Bình về một số nội dung liên quan đến vấn đề trên và những giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm công bằng trong giáo dục, hướng đến mục tiêu thực hiện kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng. 
 
P.V: Từ ngày 20-9-2021, HS toàn tỉnh (lớp 3 trở lên) được học tập qua hình thức TT. Ông đánh giá như thế nào về một số kết quả bước đầu việc triển khai hình thức dạy học này?
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Do có sự chuẩn bị từ trước, nên các trường học đủ điều kiện tổ chức dạy học TT đều triển khai tốt hình thức dạy học này, bước đầu đạt được một số kết quả khá quan trọng.  
Học TT, là biện pháp để giúp HS duy trì việc học trong điều kiện không thể đến trường

Học TT, là biện pháp để giúp HS duy trì việc học trong điều kiện không thể đến trường

Hầu hết các đơn vị đã nỗ lực trong việc chuẩn bị phần mềm, xây dựng giáo án phù hợp, huy động tối đa số lượng HS tham gia. Các trường học đều chỉ đạo GV chủ nhiệm phối hợp với GV bộ môn, phụ huynh HS khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện khác để tổ chức dạy học TT một cách hiệu quả nhất. Sau một tuần tổ chức, việc dạy học TT đã đi vào nền nếp. Tỷ lệ HS tham gia học khá cao.
 
Đơn cử như ngày 21-9-2021, toàn tỉnh có 76,2% số HS TH từ lớp 3 đến lớp 5 tham gia học TT; HS THCS: 81,1%, HS THPT: 94,4%, HS giáo dục thường xuyên (GDTX): 63,6%. Các phần mềm dạy học TT được các cơ sở sử dụng phổ biến là: Zoom, Google Meet, Microsoft Team, VNPT-Elearning, K12 Online….
 
Nhiều trường học có sự linh hoạt trong ứng dụng CNTT để tổ chức tốt hoạt động dạy TT cũng như công tác dự giờ, quản lý theo dõi GV, HS… Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tấm gương HS vượt khó để tham gia học tập.
 
Nhiều giáo viên đã tận tâm, nhiệt tình, phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp với phụ huynh đôn đốc, giám sát hoạt động học tập của HS, bổ trợ kiến thức cho HS qua nhiều hình thức.  
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”
P.V: Đối với những HS không đủ điều kiện học tập TT, ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để tất cả HS đều được học, bảo đảm công bằng trong giáo dục?
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Trước khi tổ chức dạy học TT, Sở GD-ĐT đã tiến hành khảo sát, rà soát điều kiện về CSVC, trang thiết bị (phần mềm, máy tính, điện thoại thông minh, tivi…) trong đội ngũ GV và HS. Hiện tại, có 99,8% GV phổ thông, GDTX đủ điều kiện để dạy học TT; 69,8% HS phổ thông, GDTX có đủ điều kiện học TT.
 
Số HS không đủ điều kiện học TT là 30,2%, phần lớn thuộc các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, HS ở các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn. 
 
Đối với những HS này, Sở GD-ĐT đã có sự chỉ đạo đối với các Phòng GD-ĐT, rà soát, lập danh sách để có biện pháp hỗ trợ việc học cho HS. Ở một số nơi thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, GV còn soạn giáo án in thành tài liệu mang đến tận tay cho HS để HS tự nghiên cứu, làm bài tập từng môn học. Các trường học đều lập danh sách những HS không được học TT và cả những HS đã học TT nhưng không tiếp thu hết kiến thức để tổ chức dạy lại, dạy bù… bảo đảm cho tất cả HS hoàn thành nhiệm vụ năm học.
 
P. V: Xin ông cho biết tiến độ thực hiện chương trình “Sóng, máy tính cho em”.
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Nhằm thực hiện chương trình “Sóng, máy tính cho em”, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình giữa ngành GD-ĐT và Sở Thông tin-Truyền thông. Sở cũng đã xin ý kiến của UBND tỉnh về chủ trương tiếp nhận tài trợ và sử dụng kinh phí chương trình này. Sau khi UBND tỉnh cho chủ trương tại Công văn số 3571/VPUBND-NCVX ngày 22-9-2021, Sở đã lập tài khoản tại ngân hàng TMCP ĐT-PT Việt Nam chi nhánh Quảng Bình để tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
 
Sở cũng đã thành lập Ban vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học TT cho HS; đã hoàn thành dự thảo kế hoạch tiếp nhận tài trợ, phân bổ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho HS, sinh viên thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em” cùng một số nội dung liên quan nhằm tạo điều kiện cho HS khó khăn có điều kiện để tham gia học TT. Đã có nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời hỗ trợ tiền mặt, máy tính… để triển khai chương trình. 
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”
P.V: Vừa qua, có một số HS ở bản Bạch Đàn xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), bản Rào Con, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) dựng lán giữa rừng để tìm sóng học TT. Hành động tự phát này của HS tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho HS, ông nghĩ sao về điều này?.
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Trước hết, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của HS. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, địa hình phức tạp, việc dựng lều tìm sóng để học TT lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn.
 
Vì vậy, các đơn vị trường học, GV chủ nhiệm nên chủ động nhắc nhở các em, hỗ trợ việc học cho các em bằng các hình thức khác như học qua truyền hình, trao tận tay bài giảng cho HS để các em tham khảo…
 
Đối với những HS không đủ điều kiện không nên tìm mọi cách để học TT. Vì sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những HS này sẽ được học bù bằng hình thức trực tiếp.  Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng GD-ĐT rà soát, nắm bắt lại tình hình để có hướng chỉ đạo phù hợp.
 
P.V: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị những gì để tổ chức hoạt động dạy học trong thời gian tới?
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn: Căn cứ diễn biến dịch bệnh, các trường học sẽ có hình thức dạy học phù hợp cho từng cấp học (sau ngày 30-9-2021), có thể xem xét kết hợp dạy học trực tiếp và TT. Việc dạy học sẽ được thực hiện theo 3 phương án cụ thể: Dạy học trực tiếp khi địa phương, đơn vị hết giãn cách xã hội; kết hợp hình thức trực tiếp và TT khi địa phương, đơn vị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19; dạy học TT kết hợp với dạy học qua truyền hình (không tổ chức dạy học TT đối với bậc học mầm non) khi địa phương, đơn vị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15 và 16.
 
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. 
 
Các trường học đã xây dựng kế hoạch dạy bù, dạy lại kiến thức cho HS tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị, trường học. Sở GD-ĐT giao cho các đơn vị trực thuộc chủ động xin ý kiến chuyên môn của cơ quan y tế và UBND cấp huyện trên địa bàn trường đóng để tham mưu Giám đốc Sở quyết định phương án tổ chức dạy học phù hợp.

Mỹ Huệ (thực hiện)

 
 
 

tin liên quan

Bổ sung phương án xét tuyển đại học với thí sinh đặc cách tốt nghiệp

Các trường xem xét bổ sung phương án tuyển sinh cho đối tượng thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không thể tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 do dịch bệnh.

Muôn kiểu học... online

(QBĐT) - Giống như bản Bạch Đàn, ở hàng trăm bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc núi rừng Trường Sơn, phụ huynh, học sinh (HS) phải tìm đủ mọi cách để học online, giữ lấy cái chữ giữa mùa dịch Covid-19.

Bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học 2021-2022 hiệu quả, chất lượng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện Hỏa tốc số 1238/CĐ-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021-2022 hiệu quả, chất lượng.