Nghề biển nhân văn

  • 09:31 | Thứ Tư, 25/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Thanh Bình (nay là thôn Thanh Bình), xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) hiện vẫn còn lưu giữ nghề đánh bắt hải sản cổ xưa có từ thuở lập làng, ngư dân gọi là nghề lưới “xăm trụ”. Trường tồn cùng thời gian, nghề lưới “xăm trụ” đã vượt ra khỏi giá trị đơn thuần của một nghề mưu sinh mà đó là sự nhân văn, tử tế, xuất phát từ tình đoàn kết cộng đồng, lối sống hào hoa, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của người dân làng biển.
 
Nghề cổ xưa
 
Có lịch sử hình thành từ hơn 400 năm trước, làng Thanh Bình nằm khép mình dưới chân rú cát và được che chắn bởi cánh rừng trâm bầu xanh ngắt rộng hơn 100ha bên bờ biển Đông. Thanh Bình là làng biển bãi ngang, nên ngư dân chủ yếu đánh bắt hải sản ở vùng lộng gần bờ.
 
Cho đến nay, khi hầu hết các làng biển quanh vùng đã sắm tàu lớn, vươn khơi ra đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa với những nghề đánh bắt “hiện đại”, thì mảnh làng nhỏ bé này vẫn duy trì nghề lưới “xăm trụ” như một di sản của làng.
Nghề lưới “xăm trụ” ở làng biển Thanh Bình.
Nghề lưới “xăm trụ” ở làng biển Thanh Bình.
Ông Võ Văn Thí (60 tuổi), Tổ trưởng Tổ ngư nghiệp thôn Thanh Bình cho biết, nghề lưới “xăm trụ” là một nghề cổ xưa, được ông cha truyền lại. Hàng năm, từ tháng 3-8 âm lịch, khi con khuyếc (ruốc) xuất hiện gần bờ, kéo theo các loài cá cơm, cá nục, cá trích… vào săn mồi, cũng là lúc ngư dân Thanh Bình rủ nhau ra biển hành nghề kéo lưới “xăm trụ”.
 
Ngư cụ phục vụ cho nghề này chỉ đơn giản là một “tay” lưới dài hơn trăm sải tay người lớn (khoảng 250m), một chiếc thuyền (trước đây là thuyền thúng, nay là thuyền nhỏ gắn máy 20CV) và số lượng người tham gia khoảng từ 20-30 ngư dân, có khi lên đến 50 người.
 
Vào những ngày “trời yên biển lặng”, những ngư dân giàu kinh nghiệm của làng sẽ nhìn mặt biển, đoán con nước mà biết được ở đâu có những đoàn khuyếc và luồng cá đang săn mồi. Khi đã nắm được luồng cá, ngư dân sẽ cố định một đầu lưới trên bờ, đầu còn lại họ chở lên thuyền ra biển thả theo hình vòng cung lớn mà điểm cuối cũng là bờ biển, vây đàn cá vào trong.
 
 “Cái tên nghề lưới “xăm trụ” là do tổ tiên của làng xưa đã gọi như vậy và truyền lại cho đến ngày nay. “Xăm” ở đây được hiểu là nhìn con nước để đoán biết, đánh dấu luồng cá mà đánh bắt. Còn “trụ” là do phải cật lực kéo một tấm lưới dài, nặng trịch, những “ngư phủ” trụ chân sâu vào cát, sợi dây lưới thì được néo chặt vào hông người, cùng đồng sức, đồng lòng mà kéo lưới lên bờ”, ngư dân Võ Văn Thí giải thích về cái tên của nghề lưới “xăm trụ” nơi làng biển Thanh Bình.

Tiếp đó, những ngư dân trên bờ sẽ chia làm 2 tốp để kéo 2 đầu lưới cho đến lúc toàn bộ “tay” lưới được đưa hẳn vào bờ. Lúc này, các loại hải sản như cá cơm, cá trích, cá nục, đôi lúc còn có cả tôm, mực, cua, ghẹ… mắc và dồn lại ở cuối lưới. Trung bình, mỗi lần kéo như vậy sẽ mất tầm 2 giờ đồng hồ. Lần nào được nhiều thì có thể thu được vài tạ hải sản các loại, ít hơn thì được vài chục kg…

Theo ngư dân Võ Văn Thí, hiện nay nghề biển ở làng Thanh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều ngư dân của làng đã sắm thuyền lớn, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, nghề lưới “xăm trụ” vẫn được người làng quyết tâm gìn giữ, bảo tồn.
 
Gần 50 năm bám biển mưu sinh, ngư dân Đậu Trọng Thắng (64 tuổi) vẫn trung thành với nghề của ông cha truyền lại từ hơn 400 năm trước. Theo ông Thắng, trước đây khi các phương tiện đánh bắt còn thô sơ, nguồn lợi hải sản dồi dào, nghề lưới “xăm trụ” đã nuôi sống bao thế hệ người làng.
 
“Hiện nay nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại ra đời, nguồn lợi hải sản gần bờ cũng ít đi, nên nghề lưới “xăm trụ” thu được ít cá, tôm hơn. Mặc dù thu nhập không cao bằng đi biển đánh bắt nhưng đây là nghề truyền thống lâu đời nên chúng tôi vẫn quyết tâm lưu giữ để truyền đời cho con cháu mai sau”, ông Thắng chia sẻ.
 
Nghề "đoàn kết, sẻ chia"
 
Những ngư dân dạn dày kinh nghiệm ở làng biển Thanh Bình cho biết, họ quyết tâm giữ nghề lưới “xăm trụ” bởi nó đã vượt ra khỏi giá trị đơn thuần của một nghề mưu sinh mà đó là sự nhân văn, tử tế; là tình đoàn kết cộng đồng, lối sống hào hoa, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của người dân làng biển…
 
Nghề lưới “xăm trụ” có lẽ là nghề thu hút được nhiều lao động nhất trong tất cả các nghề biển. Trung bình một lần kéo lưới thu hút ít nhất 20 người, thậm chí có lúc lên 30-50 người, “nam phụ lão ấu” gì cũng tham gia được. Tất cả cùng đồng sức, đồng lòng, cùng “hò dô” kéo lưới và cùng được chia thành quả lao động như nhau.
Ngư dân Thanh Bình trúng vụ cá cơm bằng nghề lưới “xăm trụ”.
Ngư dân Thanh Bình trúng vụ cá cơm bằng nghề lưới “xăm trụ”.
Về làng biển Thanh Bình, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện nhân văn từ nghề lưới “xăm trụ”. Từ bao đời nay, nhờ nghề này mà ngư dân Thanh Bình đã cưu mang, đùm bọc được nhiều mảnh đời kém may mắn ở làng mà họ không hề cảm thấy tủi thân.
 
Ông Dương Khư, một người làng bị mù mắt từ nhỏ. Ông không có vợ con, hiện đang sống cùng người em cùng mẹ khác cha. Cùng với sự chăm sóc, nuôi nấng của người em, nhiều năm qua nghề lưới “xăm trụ” đã giúp ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Mỗi lần kéo lưới “xăm trụ”, người làng đều không quên gọi ông Khư ra “giúp” một tay và chia cho ông một phần. 
 
Cũng ở làng Thanh Bình có 3 chị em gái chẳng may đều bị mù mắt. Vì là thân gái, lại không nhìn thấy gì, nên 3 chị em không thể xuống biển để kéo lưới. Vậy là mỗi lần xuống biển mưu sinh, người làng lại “kiếm cớ” gửi 3 chị trông dùm mấy đứa trẻ con và khi trở về thì chia cho họ mớ cá đánh bắt được.
 
Rồi nhiều đứa trẻ là con nhà có hoàn cảnh nghèo khó trong làng, cứ mỗi độ hè về đều xuống biển xin các anh, các chú kéo lưới “xăm trụ”. Số tiền kiếm được từ những mẻ lưới tuy không nhiều nhưng chắt bóp lại đã giúp nhiều em được đi học mà thành đạt với đời. Cứ như vậy, từ đời này qua đời khác, người Thanh Bình cùng nghề lưới “xăm trụ” vẫn luôn bao bọc, giúp đỡ người nghèo, người cô đơn, không có sức lao động trong làng cùng vươn lên trong cuộc sống.
 
“Nếu vùng đồng bằng có hũ gạo cứu đói hoặc có quỹ tương thân tương ái, thì người làng biển Thanh Bình cưu mang nhau bằng những mớ cá mặn mòi, ân nghĩa từ biển cả. Việc họ làm không hề gượng ép mà xuất phát từ tấm lòng, thể hiện tình đoàn kết xóm trên ngõ dưới để cùng vượt qua phong ba bão tố của biển cả, của cuộc đời. Đó cũng là tục lệ nhân văn, nét sống đẹp có từ thời tổ tiên khai khẩn mà chúng tôi quyết tâm giữ gìn…”, Trưởng thôn Thanh Bình Dương Bình Sơn tự hào cho biết.
 
Phan Phương

tin liên quan

Chuyện gia đình hồi hương được Bác Hồ tặng lụa

(QBĐT) - Trên chuyến tàu hồi hương cuối cùng của Việt kiều Thái Lan về cảng Hải Phòng những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình bà được Bác Hồ ra tận bến cảng đón và tặng lụa. Những câu chuyện về Bác Hồ, về truyền thống cách mạng của gia đình hiện vẫn được con cháu lưu truyền, gìn giữ.

Hành trình "hạ cánh" của AD-6 trên "đất lửa" Quảng Bình

(QBĐT) - Những ai từng đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đều thấy trong khuôn viên có hai chiếc máy bay, hiện vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phía bên trái là chiếc Mig 17 của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Phía bên phải là chiếc AD-6 của Không lực Hoa Kỳ. Riêng chiếc AD-6 có một số phận khá kỳ lạ, cho đến bây giờ ít người biết trọn vẹn.

109 người thương vong vì tai nạn giao thông sau 4 ngày đầu nghỉ Tết

Sau 4 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20-23/1), toàn quốc xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người và 61 người bị thương.