Hát ru-người mẹ dạy con tâm thế làm người

  • 07:17 | Thứ Ba, 09/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hát ru thường cất lên khi người bà ẳm cháu, người mẹ ôm con, người chị bồng em đưa vào giấc ngủ. Điệu ru bao giờ cũng trầm sâu, êm dịu, đung đưa theo nhịp võng, nhanh hay chậm, dồn dập hay đẩy dài, to hay nhỏ tùy từng hoàn cảnh mà thể hiện. Dẫu vậy, không phải điệu ru nơi nào cũng giống nhau, nhất là phần các âm đệm trước lúc mở đầu hay sau lời ru làm giai điệu chuyển tiếp để lắng chọn khi các nội dung lời ru thay đổi.
 
Có nơi thì hát “lô lê lô la… lô la lô lê…”, có nơi lại “bồng bổng bồng bồng… bồng bông bồng bồng…”, còn có nơi thì “hô hề hổ hể hô ha… ”, hoặc nữa thì “hôi lên là hôi lên”… Những âm phát cho phần đệm đều không có nghĩa nhưng lại có giai điệu riêng của từng vùng và nhờ giai điệu riêng ấy khi bất kỳ ở đâu, nghe ai đó cất lên lời ru là biết ngay người đang ru con ở nơi miệt quê nào. Lắng nghe một người mẹ đẩy nhịp võng cất lời ru, ta mới nhận biết, mỗi lời ru đều toát lên một tâm thế làm người. Tâm thế ấy có khi vui, có khi buồn, cũng có thể là một lời oán trách, một nỗi niềm than vãn hoặc cao hơn là dạy con người những triết lý sống được đúc kết từ cuộc đời.
 
Bao giờ cũng vậy, việc chăm sóc con cái là bổn phận người làm cha, làm mẹ. Chính người mẹ đã dành thời gian nhiều nhất cho đứa trẻ từ khi mang nặng chín tháng mười ngày, rồi khai hoa, ôm ẳm, bế bồng, bú mớm với bao hy sinh. Vỗ về, ẳm bồng con, người mẹ còn phải mượn vốn ca dao, hò, vè sẵn có và phù hợp với tâm trạng để lồng vào mới có lời hát được liên tục. Vì vậy, các câu ca dao trữ tình, giàu sắc thái, âm điệu trở thành điều tâm đắc cho người mẹ để đem kết nối với những âm điệu “lô lê lô la…” hay “bồng bổng bồng bồng”... không có nghĩa trở thành cái giá trị và không thể thiếu khi cần chuyển lời ru.
 
Nhưng có một điều ta hãy đặt ra câu hỏi rằng, người mẹ ru cho con mình hay ru cho chính lòng người mẹ?. Như vậy, một câu hỏi đã tạo ra hai cách hiểu để lý giải. Điều khẳng định trước hết là người mẹ ru cho con. Nhưng khi đứa con đã theo âm điệu lắng sâu và đã đi vào giấc ngủ thì làm sao còn hiểu được nghĩa lời ru mà người mẹ cứ ru bay bổng, bay trầm?. Và tất nhiên những câu hát ru cất lên không phải là lời ru vô thức thì rõ ràng lúc này người mẹ đã ru cho chính mình. Lời ru trở thành sự giải bày tâm sự.
 
Trong nghiên cứu tâm lý trẻ thơ, đứa trẻ khi cần giấc ngủ thường trải qua ba giai đoạn: Trước hết là uốn khóc, đòi ngủ. Biết vậy, người mẹ nhẹ nhàng đặt con lên nôi (võng/giường) và tay vỗ về, bắt đầu lấy nhịp hát ru. Giai đoạn hai: Đứa trẻ nằm êm trong nhịp võng lắng trong lời ru quen thuộc, bắt đầu mơ màng đôi mắt, thả dần các đồ chơi nắm trên tay khi đã thấm giai điệu êm đềm lời ru. Giai đoạn ba: Trẻ đi vào giấc ngủ sâu. Tuy trẻ ngủ nhưng người mẹ vẫn tay đưa nhịp nôi và vẫn tiếp nối những lời ru đều. Lúc này, người mẹ đã nhập mình vào nhiều tâm thế thông qua những lời hát ru để đứa trẻ càng ngủ sâu càng tốt, còn người hát thì tự độc diễn với mình mà vẫn bổng trầm tha thiết.
 
Có những lời ru chẳng hạn, như: “À ơi! Ví dầu ví dẫu ví dâu/Ví qua, ví lại (ơ) ví trâu vô ràn”. Câu hát như là lối hát bâng quơ nhưng kết thúc lời ru lại tròn nghĩa làm bất ngờ người nghe. Vì trong 17 âm từ phát ra chỉ có 8 âm từ có nghĩa mà vẫn rất hợp lý, hợp tình. Hoặc: “À ơ! Bồng bồng, bồng bổng, bồng bông/Chèo thuyền phải tỏ nước ròng nước lên”. Một số câu ru lục bát, chỉ câu bát mới có nghĩa sau cái nhịp điệu âm đệm câu lục nghe như vô lý mà thật có lý là nhờ cái kết cấu đưa đẩy độc đáo.
 
Có lời ru chỉ nhằm đưa đẩy không sâu sắc nhưng lại là chân lý dạy trẻ: “À ơ! Con mèo, con chó có lông/Thanh tre có mắt, nồi đồng có quai”. Đó là cách lấy âm điệu để đưa đẩy lời ru tạo thêm sự ngọt ngào đạt đến sự miêu tả tự nhiên.
 
Nhưng phần nhiều lời ru là đi vào tâm thế cuộc đời, từ một lời ru của người con gái đi lấy chồng xa, lúc buồn nhớ mẹ, nhớ cha thì một mình trong tâm thế lặng lẽ hát:  “À ơ! Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Trong cái không gian, thời gian chiều chiều ấy lại còn có những tâm thế khác nhau, như: “À ơi! Chiều chiều quạ méc với diều, nương hoang cỏ rậm thì nhiều gà con” hoặc “À ơi! Chiều chiều ông đội qua câu, cái be, cái chén, cái bầu sau lưng” hay “À ơi! Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”.
 
Có những lời ru giữ tâm thế của người giàu kinh nghiệm sống, như: “À ơi! Khoan khoan ơi chị hái dâu/Xin đừng ngắt đọt mà dâu lâu nảy chồi”. Cũng có khi trao truyền kinh nghiệm bằng đối thoại trong tâm thế độc thoại: “À ơi! Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng, tre non khẳm lá đan sàng được chưa?/Thiếp hỏi thì chàng xin thưa, tre non khẳm lá vẫn đan chưa được sàng”.
 
Có những khi lời ru giữ tâm thế của người vợ giàu lòng thủy chung, như: “À ơi! Chàng ơi đưa gói thiếp mang, đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không”. Hoặc “À ơi! Đi mô cho thiếp đi theo, xuống thuyền thiếp cũng ngồi leo mạn thuyền”, “À ơi! Đi đâu cho thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Có lúc lời ru trong tâm thế thậm xưng để thể hiện mình: “À ơi! Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”...
 
Như vậy, hát ru không chỉ có chức năng cho trẻ dễ vào giấc ngủ mà còn giữ cho nhiều tâm thế đạt đến sự giáo dục về đạo lý, về tình yêu, về cách đối nhân xử thế… Dẫu đứa trẻ chưa đủ ý thức để thẩm thấu lời ru nhưng như “mưa dầm thấm đất”, lời ru đã hình thành phần hồn cho đứa trẻ. Nghĩa là từ một sự ghi nhớ máy móc bằng âm thanh, giai điệu, để rồi khi lớn khôn thêm trẻ dần dần hiểu rõ từng tâm thế của từng lời ru phát ra từ người mẹ. Có thế khi trưởng thành, người con nhớ công ơn mẹ sinh thành mà hát lên bằng lời: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”.
 
Chính hát ru là cách diễn xướng của một diễn viên đầy tâm thế là mẹ, một khán giả thưởng thức đủ tâm thế là con. Cũng có thể diễn viên là chị, là dì, là bà… thì khán giả vẫn là tâm thế đứa trẻ. Nhờ thế mà tạo nên bao mối tình thâm mẫu tử, tình thâm đó ngày càng khăng khít mà bầu sữa là vật chất, lời ru là tinh thần. Nói là người mẹ ru trẻ ngủ nhưng khi trẻ đã ngủ rồi thì lời ru thành lời độc thoại với riêng cõi lòng theo từng cung bậc để ký thác những dòng tâm sự, khéo mượn lời ru để trút nhẹ cõi lòng hay giải bày nỗi niềm sâu lắng, u khuất.
 
Trong lời ru còn bao điều chất chứa cần giải thoát. Tự giải bày với mình cũng là một phương pháp tâm lý tự thỏa mãn được cho mình. Chẳng hạn một phụ nữ biết chồng hay “trăng gió” khi ru con vẫn giữ được tâm thế để cất lời tâm sự: “À ơi! Thân em như hạt mưa sa/Hạt rơi đáy giếng, hạt ra sân đình” hay “À ơi! Gió đưa bụi chuối sau hè/Anh mê vợ bé (ơ) bỏ bè con thơ”.
 
Ngày nay, trong cơ chế mới, cuộc sống gia đình truyền thống bị phá vỡ và cảnh sống gia đình “tứ đại đồng đường” cũng hiếm dần đi. Trai gái thường xa quê lập nghiệp không “ra riêng” thì cũng sớm “ra riêng” để tự lập. Bởi thế, lời hát ru con cũng dần mai một, cái giá trị thấm đẫm chất dân gian cũng không được lưu truyền, gìn giữ đầy đủ.
 
Việc đưa trẻ vào nhà trẻ sớm do hoàn cảnh cha mẹ phải đi lao động kiếm sống cũng có cái hay là trẻ sớm hòa nhập tập thể. Nhưng rõ ràng trong nền nếp tập thể ấy, trẻ sẽ thiếu đi tình thương ông bà, cha mẹ và mọi sự chăm sóc kể cả những lời hát ru dạy tâm thế làm người cũng bị thiếu hẳn. Bởi, lời hát có kèm thêm sự vỗ về sẽ tạo cho trẻ có cảm xúc đầm ấm hơn. Thiếu đi lời hát ru, thiếu đi bàn tay nhẹ nhàng vỗ về cũng làm thiếu đi những tâm thế cuộc đời mà mỗi câu hát luôn có giá trị của nó và dù là ai hát lên cũng thấm đẫm nghĩa tình.
 
Chúng ta tin mọi tâm thế cuộc đời trong lời hát ru sẽ còn lưu truyền mãi mãi để lớp cháu con, những thế hệ nối tiếp càng hiểu mọi giá trị truyền thống mà cha ông ta đã vun đắp, gìn giữ bao đời mới có được.
Nguyễn Văn Tăng

tin liên quan

Giao mùa

(QBĐT) - Sững sờ chùm phượng trên tay
Ngẩn ngơ gói lại những ngày hạ thương

Thí sinh 15 tuổi giành quán quân cuộc thi tiếng hát tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Tối 7/7, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức chung kết cuộc thi tiếng hát tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, năm 2024. 

Chuyện quản lý: Câu chuyện văn hóa... buồn!

(QBĐT) - Việc kiêm nhiệm nhiều công việc khiến chất lượng công tác công chức văn hóa-xã hội ảnh hưởng ít nhiều, khó để có sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian cho mảng văn hóa. Đây cũng là thực tế buồn ở không ít địa phương, cần những giải pháp bền vững, lâu dài…