Mạch nguồn Kiến Giang

  • 07:36 | Thứ Hai, 08/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiếm có một dòng sông nào lại đi vào thơ, ca, nhạc, họa với nhiều màu sắc, cung bậc cảm xúc  như dòng Kiến Giang quê tôi: Sông thơ, sông nhạc, sông tình… Tất cả những gì là yêu thương, trìu mến, thân thương nhất được người dân xứ Lệ dành cho dòng sông quê hương.
 
Sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã. Dòng sông chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh vốn đã đi vào ca dao “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Cuối dòng, sông nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra cửa sông Nhật Lệ, xuôi về biển Đông.
 
Tự bao đời sông Kiến Giang đã trở thành hồn cốt, mạch nguồn tưới mát cho mảnh đất và con người Lệ Thủy, tạo nên những nét văn hóa riêng có của quê hương xứ Lệ, đặc biệt là làn điệu hò khoan ngọt ngào, sâu lắng. Nhiều ca khúc ra đời cũng lấy cảm hứng từ trong cuộc sống, chiến đấu, lao động cũng như niềm tự hào chung về dòng sông.
 
“Chiến thắng Xuân Bồ” được nhạc sĩ Trần Đình Hiếu sáng tác năm 1950, ngay sau chiến thắng vang dội của Trung đoàn 18 cùng với bộ đội địa phương, bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công với âm mưu thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân Pháp, khiến cho kế hoạch của chúng bị thất bại thảm hại. Với những ca từ hào sảng cộng với giai điệu hùng tráng, nhạc sĩ Trần Đình Hiếu đã viết lên bản tráng ca lịch sử: “Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ/Năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây”.
 
Năm 1960, sau chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác bài “tỉnh ca” nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi” lấy âm hưởng từ điệu hò khoan xứ Lệ “khoan khoan hò khoan” trên cánh đồng “Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy, trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê”.  Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã góp thêm cho xứ Lệ một bản tình ca để đời “Lời cô gái Lệ Ninh”. Ca từ như lời gọi mời, như trách, như chờ, như mong: “Từ cửa sông Nhật Lệ, mời anh về thăm quê, dòng Kiến Giang mình đó, hỏi anh còn nhớ không?…”.
 
Thời kỳ đổi mới, nhiều nhạc sĩ viết về Kiến Giang với tình cảm dạt dào, yêu thương trìu mến. “Đưa em về Kiến Giang” của nhạc sĩ Xuân Đồng là bài “huyện ca” với những ca từ giản dị, da diết: “Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề/Ngày xa quê anh không hẹn lại về…”.
Sông Kiến Giang đoạn qua thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy).
Sông Kiến Giang đoạn qua thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy).
Ngợi ca và tự hào về truyền thống bơi đua thuyền trên sông Kiến Giang, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí đã viết nhạc phẩm “Bơi đua quê mình” với giai điệu âm nhạc hùng tráng, thúc giục lòng người: “Tháng tám mùa thu người người háo hức/Làng làng rạo rực đóng thuyền luyện quân/Những chàng trai xuân, những cô gái đảm/Kiến Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm”
 
Tựu trung, những ca khúc viết về Lệ Thủy đều được khơi nguồn cảm hứng từ mạch nguồn Kiến Giang và mạch nguồn ấy còn chảy sẽ còn nhiều nhạc phẩm hay và đặc sắc, say đắm lòng người.
 
Cách nay gần 500 năm, tiến sĩ Dương Văn An trong cuốn dư địa chí nổi tiếng “Ô Châu cận lục” đã viết: “Nước trong xanh, vị ngọt, khuấy không vẩn đục, uống không biết chán. Đó là con sông đẹp nhất trong xứ...”. Sinh thời, cứ mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều dành thời gian và tình cảm đặc biệt cho dòng sông quê hương, dòng sông cuộc đời mình...
 
Đến bây giờ, nhiều người Lệ Thủy vẫn giữ thói quen mỗi sáng sớm xuống bến sông gánh nước nấu pha chè. Chè xanh hãm bằng nước sông Kiến Giang có màu xanh biếc, ngọt lành như để tôn thêm vị thơm ngon của loại chè Đại Giang (Trường Thủy) thượng hạng, tiếng tăm một thời. Những nét đặc trưng về văn hóa đó đã tạo ra sự khác biệt giữa các vùng miền. Nằm ở dải đất miền Trung hanh hao nắng gió, Lệ Thủy mang trong mình đầy đủ những yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, góp phần kiến tạo và rèn đúc con người nơi đây những phẩm chất mang đặc thù riêng, tính cách kiên trì chịu đựng và bền bỉ phấn đấu để thích nghi và vượt qua thiên tai, địch họa.
 
Ở thượng nguồn sông Kiến Giang về phía Tây có vực nước sâu, bốn mùa trong xanh được biết đến với tên gọi là vực An Sinh, dân địa phương thường gọi là Trôốc Vực (đầu vực) với phong cảnh non nước hữu tình, góp phần kiến tạo nên dòng Kiến Giang thơ mộng, thanh bình. Vực An Sinh được người xưa biết đến là vùng đất thiêng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết: “Vực ở huyện Lệ Thủy, nơi ngã ba nguồn Thổ Lý. Trên thì triền núi mở rộng, dưới thì sắc nước xanh trong, nước trong nhìn thấu đáy, độ sâu không cùng. Tương truyền có thủy cung ở ngầm dưới đáy vực. Vào hôm có mưa mù u ám, thuyền đánh cá qua lại thường nghe thấy tiếng trống tiếng kèn. Đầu xuân cầu mưa lập đàn cúng tế và mở hội đua thuyền, lập tức có mưa ngay”.
 
Vì là chốn linh thiêng nên lễ hội chùa Hoằng Phúc (ngôi cổ tự có hơn 700 năm tuổi tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy) được tổ chức đầu năm, ngoài những hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo thì “Lễ rước nước” là một trong những nghi thức quan trọng. Sau khi làm lễ tế trời đất, thần sông, thần núi, nước sẽ được lấy từ giữa lòng vực An Sinh đúng vào lúc 0 giờ mang về chùa tắm Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
 
Cuối dòng Kiến Giang, sông chảy qua vùng đầm phá rộng lớn Hạc Hải trước khi về Nhật Lệ, đổ ra biển lớn. Cổ nhân ví phá Hạc Hải như cái “nghiên mực” bên cạnh “cây bút” Đâu Mâu (núi ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) có 3 chóp, hình như chiếc xà mâu, cao 783 thước tây, tục gọi là núi Đầu Mâu. Dân gian xem đây là ngọn núi thiêng), từ đó có câu “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên” (núi Đâu Mâu cao như hình “cây bút” và phá Hạc Hải rộng như một “nghiên mực” lớn), là biểu trưng của sự học hành, khoa bảng, đỗ đạt của người Lệ Thủy tự cổ chí kim.
 
Nhắc đến truyền thống khoa bảng của vùng đất địa linh nhân kiệt này, chúng ta không thể không kể đến danh nhân văn hóa Dương Văn An (1514-1591), người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, năm 1547 đỗ tiến sĩ, thượng thư của nhà Mạc, đóng góp quan trọng là biên soạn sách “Ô Châu cận lục”-công trình địa chí lịch sử đầu tiên có giá trị đặc trưng về vùng đất Thuận Hóa trong thế kỷ XVI.
 
Đó còn là Vũ Xuân Cẩn (1778-1852), người làng Hòa Luật, xã Cam Thủy, đại thần triều Nguyễn phục vụ cho 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với các chức Tổng đốc Bình Phú, Thượng thư Bộ Hình, Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán kiêm lãnh Quốc tử giám.
 
Đó còn là Võ Trọng Bình (1808-1899), người làng Mỹ Lộc, xã An Thủy, đại thần nổi tiếng thanh liêm của triều Nguyễn. Dưới triều Tự Đức ông làm Thượng thư Bộ Hộ kiêm Bộ Công, Tổng đốc Ninh-Thái...
 
Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), quê làng An Xá, xã Lộc Thủy. Ông là vị tướng huyền thoại gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ, giành lại độc lập dân tộc. Đại tướng đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn đối với mỗi người dân Việt Nam...
 
Tôi từng nghe người ta nói: Chẳng có một thành phố lớn nào mà không nằm bên một dòng sông. Nói cách khác, dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố. Điều đó chỉ đúng có một phần thôi, bởi so với mạch nguồn Kiến Giang, nó không những chỉ tạo ra cội nguồn của thành phố (làng mạc tấp nập, đông đúc) mà nó còn tạo nên nguồn cội văn hóa của con người xứ Lệ. Xuôi theo dòng chảy Kiến Giang là cội nguồn của lịch sử, văn hóa; là những nét độc đáo của kiến trúc, hội họa và thi ca, tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần lớn hơn bất cứ nơi nào.
 
Những mạch nguồn của quê hương đã thấm quyện vào linh khí núi sông để đời nối đời, con cháu được bồi đắp, nuôi dưỡng, phát triển. Thời đại mới với rất nhiều cánh cửa lớn đã mở, tin rằng, các thế hệ người Lệ Thủy sẽ tiếp tục nỗ lực trên hành trình vươn tới, làm tỏa rạng mạch nguồn sông núi quê hương, không ngừng góp sức kiến thiết đất nước.
Đỗ Đức Thuần
(Trường THCS Liên Thủy, Lệ Thủy)

tin liên quan

Chuyện quản lý: Câu chuyện văn hóa... buồn!

(QBĐT) - Việc kiêm nhiệm nhiều công việc khiến chất lượng công tác công chức văn hóa-xã hội ảnh hưởng ít nhiều, khó để có sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian cho mảng văn hóa. Đây cũng là thực tế buồn ở không ít địa phương, cần những giải pháp bền vững, lâu dài…

Trao truyền kỹ năng trình diễn hát Kiều

(QBSST) - Chiều 6/7, Sở Văn hóa-Thể thao tổ chức báo cáo kết quả lớp tập huấn trao truyền kỹ năng trình diễn hát Kiều tại xã Quảng Kim (Quảng Trạch).

Sôi động chương trình nghệ thuật mở màn Tuần Du lịch Quảng Bình 2024

(QBĐT) - Tối 6/7, tại quảng trường biển Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Sở Du lịch tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật "Chào hè". Chương trình thu hút sự tham gia của hàng nghìn du khách và người dân địa phương.