Vạt lau nhỏ bên đường

  • 09:05 | Chủ Nhật, 04/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Con đường bên dòng sông. Ngang qua, nắng hay mưa, tôi cũng đi rất chậm. Chỉ để nhìn, bởi ở đó lúc nào cũng đẹp mê người. Nắng, những cái cây trong công viên ngời xanh, vươn cao. Con đường nhỏ bỗng rộng thênh. Mưa, những chiếc thuyền neo bờ, cô liêu sau màn trời trắng đục. Dòng sông trở nên xa vắng. Nắng dội trên đầu. Mưa xiên vào mặt. Mặc! Luôn cố tình thật chậm. Bởi, xúc cảm được chạm vào và thức dậy. Bồng bềnh trong buồn buồn, vui vui, trong thương thương, nhớ nhớ. Rất gần mà vời vợi xa. Nắng hay mưa cũng muốn chìm sâu!  
 
Bây giờ đã vào cuối thu, Đồng Hới vừa sau một cơn mưa dài. Tôi nghĩ, mưa chuyển mùa. Vì tiết trời rất lạ. Thu bịn rịn không qua, đông ngập ngừng chưa tới. Vừa mát. Vừa thơm. Bạn tôi khách phương xa, thích lang thang và sống thuận tự nhiên, ngỡ ngàng thốt lên khi vừa đến: “Ô hay! Đồng Hới này thật lạ, gi gỉ gì gi cũng hơi bị đẹp á! Chết thật!”. Tôi ở đây, ngày ngày sống trọn từng giây vẫn có những phút sững người. Huống chi bạn! Cây hoa dại cô đơn trên đồi cát cũng mang vẻ đẹp riêng. Vạt lau nhỏ mọc lan man bên đường cũng làm mềm lòng người khác.
 
Vài bạn trẻ bảo tôi là người đời sơ. Nghĩa, tôi thuộc thế hệ tư duy cũ. Dù tôi cách họ chưa hơn 10 tuổi. Chẳng cãi làm gì, tôi không thích hiện đại, hào nhoáng. Tôi chỉ thích vẻ đẹp lặng lẽ, thích sự thuần khiết, thiệt thà. Tôi thích ngắm nhìn mọi thứ chuyển động bằng bản năng của nó chứ không bị chịu tác động của cưỡng bức nào. Rất may, Đồng Hới-một thành phố biển trời nắng gió, trên bến dưới thuyền, thỉnh thoảng…dậy mùi mắm muối, đẹp vẻ riêng có, dù vẫn chứa những… chưa đẹp.
 
Ví, đèn màu giăng mắc quá dày khi đêm xuống. Ví, những cái cổng chào bằng sắt lạnh lùng, diêm dúa dựng… hững hờ trên một đôi con đường lớn. Ví, những cái cây được trồng chưa đúng chỗ, như cây dương liễu lại trồng công viên hay ven đường nên bị xén thành hình thù cưng đơ, thô tháp. Sao liễu không là liễu?! Cây hoa giấy leo giàn lại đem trồng trên giải phân cách, phải túm lại thành chùm và cắt tỉa liên tục nên chẳng có cơ hội trổ hoa... Rất may, bên cạnh một vài giăng mắc, lạnh lùng, cứng đơ, thô tháp ấy là những mềm mại, xinh xắn, non tơ, trong veo, rạng rỡ. Ví, vạt lau nhỏ hay khóm hoa dại bên đường.
 
Vạt lau nhỏ ấy cứ độ tiết trời dùng dằng là trổ. Ban đầu chỉ lơ thơ vài dăm cọng. Ngày mỗi ngày lại dày thêm, chen chúc thành vạt, mềm mại, trắng xốp. Heo may về, vạt lau xao động, dồn đuổi thành những lớp sóng nhẹ nhàng. Bông lau nhỏ la đà trên cỏ, đu đưa theo gió, gặp nắng sớm, nắng chiều bừng lên sắc trắng rạng ngời.
 
Người qua đường không cưỡng nỗi niềm yêu. Nghe bảo, hoa lau trổ là tín hiệu báo yên, bão lụt sẽ không còn. Nhưng đó là loại hoa lau thường thấy, cao hàng mét, mọc rất nhiều trên vùng đồi phía Tây hoặc men các bờ ruộng cạn. Chẳng biết vạt lau nhỏ xinh, yểu điệu giữa lòng thành phố có phải là tín hiệu báo yên không nhưng khi qua đây lòng tôi thanh thản vì cái sự tinh khôi, hồn nhiên của nó.
 
Cách nay vài năm, bên hồ thành cổ, phía sau Trung tâm Văn hóa cũ có một bờ lau cao. Đến tiết trời cũng dùng dằng như bây giờ, hoa bung trắng cả vệt dài. Nhiều em gái chỉ cần tạt xe bên lề đường là đã có một "pic" đẹp như mơ. Bây giờ thì nơi đó đã được giải tỏa. Thay vào là những cây dương liễu hình tháp nhọn, xoắn ốc, khối trụ, khối tròn… Không còn thấy bóng dáng thiếu nữ nào. Mấy hôm nay, heo may về, trời Đồng Hới mơ màng và thơm gió, vạt lau nhỏ bên đường đang rộ, nhiều chị em lại xúm xít tìm ảnh đẹp. Bù cho những thương nhớ bờ lau xưa!
 
Độ cuối thu giáp đông là mùa Đồng Hới dịu dàng. Những ngày này, tôi thích ngược chiều gió thổi. Trời không nắng lắm và tạm qua thời dịch bệnh, hãy đi đầu trần, cởi bỏ khẩu trang, hiện hữu như một cái cây giữa trời, đi bộ hay đạp xe dọc sông Nhật Lệ rồi lang thang vào con đường vắng phía sau Quảng trường Hồ Chí Minh. Đã dứt mùa nắng cháy nung người và gió Lào khét lẹt, tiết trời mát mẻ mang về sức sống cho những cái cây, tươi tốt như chưa từng khắc khoải, tất cả phơi phới hồi xanh trở nên quyến rũ lạ lùng! Hoa dại: Xuyến chi, ngũ sắc, cỏ may, xấu hổ… nở hồn nhiên và an lành trên thảm cỏ mượt, giữa hàng gạch cũ. Những cái cây không biết mọc từ bao giờ, cheo leo trên bờ tường thành cổ, chùm rễ rủ dài, tán lá nghiêng theo bóng nắng rất mềm, rất điệu.
 
Không gian trong lành và thanh khiết, một mình cũng thấy vui, thân và tâm sẽ được thiên nhiên "detox". Gần đây, nhiều người nhận thấy vẻ đẹp của các loài cây dại đã đào bới về trồng trong chậu cảnh. Uốn vặn… cắt tỉa… kích thích…tạo thế… thác đổ. Vọng nguyệt. Rồng bay các kiểu. Nhiều cây được rao bán từ một vài triệu đến vài chục triệu. Người có tiền mua về chưng trong sân vườn cho ra vẻ hoang sơ, cho xứng tầm đẳng cấp. Kèm theo đó phải là đội quân chuyên chăm chút cây cảnh. Nhú ra một cái cành không đúng vị trí, cắt! Xuất hiện một cái nhánh không đúng đội hình, cắt! Nước, phân, thuốc các loại bổ sung liên tục. Nếu không…sẽ chết! Bạn tôi gọi đùa đó là trường phái “Xiêu vẹo cảnh”.
 
Tôi nghĩ rằng, cái cây vẫn phải có tự do. Chẳng như loài hoa dại, nhờ nắng, nhờ gió, nhờ khí trời mà có hành trình riêng của nó. Tự mọc lên rồi đến mùa hoa sẽ nở. Tự lụi tàn rồi sẽ có những cái cây khác mọc lên đâu đó, nơi kẽ tường, dọc bên đường… lặng lẽ nở hoa rồi vô tình làm xao xuyến con tim ai đó. Hay rằng, trong cuộc đời này mọi thứ sinh sôi thuận tự nhiên, thích nghi hoàn cảnh, dâng hiến vô tư, tồn vong đúng quy luật đều có vẻ đẹp nội sinh mạnh mẽ. Thật đấy! Nếu không có những bông lau nhỏ bên đường, yếu mềm xốp trắng đến hư vô, nếu không có những hoa dại kiên cường trong nắng gió, thành phố sẽ bớt yêu kiều và thần thái, bạn tôi cũng sẽ không nói rằng: “Cái Đồng Hới này thật lạ, gi gỉ gì gi cũng hơi bị đẹp á! Chết thật!”.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Nâng niu ký ức

(QBĐT) - Miệt mài lưu giữ những cuốn sách, hình ảnh, câu chuyện về Bố Trạch anh hùng, trong đó có quê hương Cự Nẫm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Phi (SN 1941) đã có một "gia tài" nho nhỏ.

Chủ tịch nước biểu dương du học sinh dịch 'Truyện Kiều' sang tiếng Anh

Chủ tịch nước mong muốn Nguyễn Bình tiếp tục học tập, nghiên cứu, có nhiều tác phẩm hay, có giá trị, đóng góp cho nền văn học nước nhà cũng như tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa

(QBĐT) - Họ Hồ là một trong những họ lớn đầu tiên có công lập nên làng Lý Hòa (nay thuộc xã Hải Phú, Bố Trạch), xây dựng truyền thống học hành, khoa bảng của làng Lý Hòa văn hiến, một trong ba trụ cột lớn về văn hóa của huyện Bố Trạch.