Quảng bá văn học nghệ thuật trong "cơn lốc" chuyển đổi số

Bài 2: Cần những chiến lược dài hơi

  • 09:01 | Thứ Bảy, 26/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời đại chuyển đổi số, vẫn còn đó những băn khoăn, thách thức để phát huy hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ 4.0. Chính vì vậy, những giải pháp dài hơi, có chiều sâu và mang tính thực tiễn cao là rất cần thiết để hỗ trợ các văn nghệ sĩ (VNS) trong hành trình đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng.
 
 
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh chia sẻ, trong bối cảnh đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh còn khó khăn, sự quan tâm của công chúng đối với nghệ thuật còn hạn chế, việc quảng bá tác phẩm chưa bao giờ là dễ dàng với các VNS. Do đó, trước hết các VNS cần nghiêm túc và chủ động trong sáng tạo. Khi có 1 tác phẩm tốt thì sẽ có đời sống tương xứng cho tác phẩm đó.
 
Cần tích cực hơn trong việc cập nhật công nghệ; mạnh dạn đăng tải tác phẩm, tham gia nhiều các sự kiện, hoạt động nghệ thuật khi có cơ hội, điều kiện và không ngừng học hỏi, tiếp thu những giá trị mới và luôn có ý thức tự làm mới mình. Việc kết nối với các nghệ sĩ quốc tế thông qua các phòng tranh trên không gian mạng cũng là cơ hội để những họa sĩ trong nước tiếp cận với xu hướng hội họa đương đại trên thế giới và lan tỏa giá trị hội họa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
 
Bên cạnh đó, để các VNS được tạo nhiều điều kiện hơn trong việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của mình trong thời đại chuyển đổi số, trong quá trình quy hoạch phát triển, Quảng Bình rất cần có những kế hoạch cho việc xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng, như: Nhà triển lãm trưng bày, vườn tượng, công viên sách…, tạo điều kiện cho việc công bố tác phẩm VHNT, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã được nâng cao và sức ảnh hưởng của chuyển đổi số. Trên thực tế, trong tương lai gần, 1 thành phố phát triển không thể thiếu vắng các hoạt động nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, họa sĩ Nguyễn Lương Sáng khẳng định.
 
Còn theo nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh, viết là hành trình. Nhất là trong thời kỳ người viết có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, thẩm thấu giá trị của nhân loại, đòi hỏi họ phải kiên định, cẩn trọng với ngòi bút của mình, làm sao để con đường sáng tạo không bị tụt hậu, đứt đoạn...
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng tham dự triển lãm
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng tham dự triển lãm "Hà Nội art connecting" lần thứ V, một cách thức hiệu quả tăng cường kết nối với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số.

Phát hành tác phẩm theo kiểu truyền thống (giấy) hoặc báo/tạp chí mạng, sách điện tử, các trang cá nhân đều có lợi thế riêng. Nhiều độc giả vẫn ưa thích, duy trì thói quen đọc với “tâm thế giấy”. Nhưng cũng rất nhiều độc giả, nhất là lớp trẻ, thích đọc với “tâm thế mạng”, bởi, các bài viết được bù đắp tính hiện đại, tươi mới, bắt mắt, ấn tượng, bảo đảm 3 tiêu chí nghe, nhìn và đọc, chứ không tương tác một chiều như “tâm thế giấy”.

Cho nên, việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm của mình bằng cách nào là tùy thuộc vào sở thích, sở trường, sở đoản của mỗi nhà văn, miễn sao một hay nhiều con đường “đều hướng về thành Roma”-viết và không ngừng sáng tạo.

Thực tế cho thấy, các nhà văn, nhà thơ vốn là những người khá nhanh nhạy với quảng bá, giới thiệu tác phẩm qua không gian mạng. Ngay cả những nhà thơ, nhà văn cao tuổi vẫn sử dụng thành thạo mạng xã hội, các diễn đàn mạng… để “trưng bày” “đứa con tinh thần” của mình, mở rộng lớp đối tượng độc giả. Tuy nhiên, để họ không “cô đơn” trên chặng đường này, rất cần các khóa tập huấn, bồi dưỡng thêm về kiến thức liên quan đến công nghệ số; đồng thời, ở cấp cơ sở, cần sự mở rộng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để bổ khuyết những hạn chế, nhân rộng những VNS quảng bá, giới thiệu tác phẩm hiệu quả qua không gian mạng.

Nhạc sĩ Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Trước những khó khăn chung của cả nước và của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sau hơn hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đội ngũ VNS tỉnh nhà càng được lãnh đạo chính quyền địa phương và công chúng quan tâm chia sẻ nhiều hơn, bởi trong khó khăn, tình người Quảng Bình lại nhân lên gấp bội, việc quảng bá tác phẩm mặc dù rất khó khăn nhưng các VNS đã vượt qua tất cả… Chưa bao giờ có nhiều tác phẩm thơ, văn, âm nhạc, hội họa lại đi vào lòng người như thế… Tất cả đều do sự thay đổi về mặt nhận thức của đội ngũ VNS vì trong những lúc đất nước khó khăn họ không bao giờ đứng ngoài cuộc.
 
Đồng hành cùng đội ngũ VNS, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành về lâu dài chắc chắn cần quan tâm, sẻ chia, đầu tư hơn nữa về kinh phí, bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ cho thế hệ trẻ, tiếp cận công nghệ thông tin… Một khi đã nâng cao được vai trò của đội ngũ VNS tỉnh nhà thì việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương Quảng Bình chắc chắn sẽ bền vững.
 
Cùng chung suy nghĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An cho hay, nhằm động viên khích lệ VNS sáng tác có tác phẩm chất lượng cao phục vụ công chúng, rất cần tổng kết về những lần trao giải thưởng Lưu Trọng Lư về VHNT; từ đó có những cách thức quảng bá, giới thiệu tác phẩm đoạt giải phù hợp, không để giải thưởng bị lãng phí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.
 
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong VHNT nói chung, quảng bá, giới thiệu tác phẩm nói riêng luôn đòi hỏi những cách tiếp cận từ nhiều phía, bên cạnh các chủ thể là đội ngũ VNS, cần sự chung tay, hợp lực từ phía Hội VHNT, các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, rất cần những chiến lược dài hơi, bài bản về chuyển đổi số trong VHNT để đội ngũ VNS không bị bỏ lại phía sau, “cô đơn” trên con đường quảng bá, giới thiệu tác phẩm.
 
Các đơn vị VHNT cũng cần có kế hoạch, chương trình cụ thể về chuyển đổi số, từ đó, định hình phong cách và xây dựng thương hiệu, tên tuổi của riêng mình. Đặc biệt, việc mạnh dạn thay đổi tư duy, đáp ứng thị hiếu của khán giả trong bối cảnh mới đóng vai trò rất quan trọng.
Mai Nhân

tin liên quan

Sông quê tôi

(QBĐT) - Sông quê tôi-tự tách tạo hình
Qua bao đời nước mãi trong xanh
Chảy từ "rào con" cùng "rào nậy"
Đổ về biển Nhật Lệ đồng hành.

Bài 1: Thích ứng, chuyển động để phát triển

(QBĐT) - Để bắt kịp những đổi thay của "cơn lốc" chuyển đổi số, các văn nghệ sĩ Quảng Bình cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình quảng bá, giới thiệu tác phẩm.
 
 

Hy sinh

(QBĐT) - Học trò đi học nhà xa
đất trải mình bữa cằn cỗi bữa chan mưa
dở dang manh áo vá
theo đôi chân trần xuôi ngược sớm hôm