Quê hương mãi là nơi chốn tìm về…

  • 08:16 | Chủ Nhật, 27/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  1. Ông chú họ mất. Tôi cùng con gái về quê nội đưa ông ra đồng. Buổi sáng đầu đông, sương mờ giăng giăng trên cây cầu nhỏ bắc qua sông. Nhìn con gái háo hức, cứ ngóc cổ qua cửa kính xe mà ngắm phong cảnh, ruộng đồng quê nội lạ lẫm, tôi bỗng thấy mình có lỗi với ruộng vườn, sông nước quê mình...
 
Đưa xong xương cốt chú xuống đất, nhìn mọi người đắp từng mảng cỏ xanh rì lên cả nấm mộ, con gái tôi hỏi nhỏ: “Răng lại đắp cỏ lên mộ hả ba? Răng không phân biệt mộ mới và mộ cũ như nơi mình ở để sau ni dễ tìm mà thắp hương?”. Tôi phải giảng giải một lúc nó mới hiểu ra được rằng là phong tục, tập quán ở mỗi vùng quê mỗi khác, mỗi nơi gắn liền với một cách thể hiện tâm linh và lòng nhớ thương đến người mất khác nhau.
 
Có nơi thì mộ phần mới là phải làm thật sạch cỏ, đắp đất mới lên, thậm chí có người còn tráng cả ximăng lên nấm, hay lắp ghép đá tấm vào cho mới và đẹp đẽ. Như nơi quê mình mà ông nằm xuống đây, thì mộ phần cho người mới nằm xuống lại phải tìm cỏ xanh đắp cỏ xanh lên cho kín, và như vậy để thể hiện sự tôn trọng, đưa lại được sự ấm áp, yên ổn và kín đáo… Con gái tôi trầm ngâm một hồi rồi bảo: “Có đi quê mới biết được như rứa ba ạ!”.
 
Con gái tôi lần đầu về quê nội, nên tôi đưa nó lên đồi cao để thắp hương lên các phần mộ, tưởng nhớ tổ tiên tiền tổ, người thân trong họ tộc... Đoạn đường bêtông từ đường chính vào đến khu mộ là con đường nhỏ dài hơn 2km, rộng chừng 2m dường như chỉ vừa cho chiếc xe con chạy. Xe phải chầm chậm lăn bánh như đang bò trên suốt đoạn đường này.
 
Con bé sợ quá cứ nhắm tịt mắt lại. Tôi quen chạy xe ở thành phố, nay lần đầu chạy xe trên đường kiểu này cũng không khỏi run tay, nên vừa chạy vừa khấn ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho xe khỏi lăn xuống ruộng. Ông anh con bác ruột tôi ở Hà Nội vào, cùng ngồi trên xe, nói với con bé: “Đi như thế này để mãi nhớ quê”. Bữa cơm trưa mà mấy đứa em con chú dọn lên có nhiều món ngon. Nhưng con gái tôi cứ chăm chăm vào món cà muối, món canh rau má nấu tép đồng, món mắm quê kiểng...
 
Tôi và ông anh con bác ruột cùng ở xa quê. “Đi như thế này để mãi nhớ quê”. Không biết là ông chỉ nói với con bé câu này thôi, hay là ông cũng muốn nói với cả chính mình và tôi nữa. Nhưng quả thật chuyến về quê lần này sẽ để lại ấn tượng đậm đà để rồi con gái tôi nhớ mãi…
r
2. Dòng sông quê tôi đoạn qua thị trấn hiền hòa chảy. Bên bờ sông là những bãi ngô xanh ngút mắt. Tôi dắt con gái ra cho nó biết cánh đồng trồng ngô. Dù thời gian ở quê không có nhiều, nhưng tôi vẫn cố đợi, muốn cho con gái lưu được nhiều kiểu ảnh ngay trên bãi bồi cây ngô mới lên quá bắp chân. Nó hớn hở hỏi đủ chuyện trên trời dưới đất về dòng sông, bãi cát, con đường xuôi xuôi từ mái đê làng ra sông vương vãi đầy phân trâu bò…
 
Tôi tần ngần ngắm mặt sông đang gợn lên từng đợt sóng nhỏ bởi từng cơn gió, rồi cởi giày vục chân xuống mặt nước bến sông, nơi tuổi thơ tôi đã lặn ngụp với đám bạn bè cả trai lẫn gái. Nơi tôi cùng đám bạn ngỗ nghịch mót khoai, mót lạc những chiều hoàng hôn sau buổi tan trường về… Nhớ lắm bến sông này, nơi chúng tôi từng đào hố, lót lá chuối qua rồi phủ đất lên để "đơm" các chị gánh nước từ sông về. Nhớ sao, sau mỗi lần "đơm" được các chị sập chân xuống, gánh nước tung tóe ra đường, là chúng tôi bị ba mẹ “đơm” roi vào mông đau điếng…     
 
Nơi bến sông quê này, con bé bảo tôi kể lại chuyện tôi suýt bị chết đuối trên sông. Câu chuyện tôi suýt bị chết đuối thời nhỏ này chắc do bà nội nó kể cho nó biết. Đó là một lần theo bạn bè ra sông bơi lội, tôi hụt chân xuống một hố sâu. Sau một hồi vùng vẫy và khi đã sắp chìm hẳn xuống nước thì may mắn là tôi đã được một anh thanh niên đi gánh nước nhìn thấy và vớt lên. Ngày ấy, bà ngoại tôi bảo là tôi đã được anh thanh niên ấy sinh ra lần thứ hai trên đời này. Lúc ấy còn nhỏ nên tôi không hiểu đúng được câu nói ẩn ý và đầy lòng biết ơn của bà tôi với anh thanh niên người làng ấy.
 
Bây giờ tôi chỉ cho con gái vùng bến sông nơi tôi bị hụt chân suýt chết năm ấy. Bến sông xưa nay đã không còn bãi dâu, không còn mấy trận địa pháo cao xạ của các chú bộ đội nữa. Con đê làng, hình như qua bao năm tháng dường như bây giờ cũng thấp hơn so với ngày xưa thì phải… Con gái tôi hỏi ba có còn nhớ người vớt ba lên không? Tôi trả lời nó rằng có nhớ, nhưng không trả ơn được công cứu mạng, bởi vì tôi có nghe rằng người thanh niên vớt tôi lên năm ấy, sau đó đi bộ đội và nằm lại trên chiến trường.
 
Tôi nắm tay con gái, nhìn xuống dòng sông nước bạc vì đang vào cuối mùa mưa, nhìn xuống bãi ngô non mơn man xanh và thấy lòng mình trào dâng bao xúc cảm.
 
Quê hương là dòng sông của tôi một thời ấu thơ đây. Là bãi ngô, bãi lạc, bãi khoai đây, của một thời mẹ tôi mót khoai, mót lạc ngày thiếu đói. Là dáng hình của bà ngoại gánh nước lun cun qua bãi cát bồi. Là tiếng lốp bốp nổ khi ba tôi chẻ mắt tre đan phên thưng tường nhà. Là tiếng gọi đò ơi buổi chiều tà từ bên kia sông… Quê hương là đây, nơi tuổi thơ tôi khô khát những ngày hè, cùng bạn bè tụm nhau vục nước sông uống. Quê hương là đây, nơi ông bà tôi, tổ tiên tôi chăm bẵm ruộng vườn, nuôi lớn ông cha tôi bằng những mủng khoai sắn, bắp ngô sâu hà cong queo...
 
Tất cả những gì của ngày xưa ấy, như còn váng vất đâu đây trong tâm thức của người ở tuổi 60 đưa con về quê nội...
 
Trời chạng vạng tối, tôi đưa con gái lên xe trở về quê ngoại nơi chúng tôi đang sinh sống. Con gái tôi nói nhỏ: “Bữa sau về quê nữa nghe ba!”.
 
Ừ, bữa sau lại về. Bởi quê hương mãi là nơi chốn tìm về.
                                                                                      Lam Giang

tin liên quan

Tương tư mùa hạt dẻ

(QBĐT) - Tôi nâng hạt dẻ trên tay
Bồi hồi nhớ lại những ngày còn thơ
 

Lời hạt

(QBĐT) - Giữa tầng sâu đất ủ
Đậm đặc một khối đêm
Hạt mầm vừa tách vỏ
Đang nhú chồi mọc lên

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương

10h40 sáng nay (26/11), 20/20 thành viên tham gia phiên họp MOWCAP lần thứ 9, đã bỏ phiếu đồng ý ghi danh di sản "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)", thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.