Quảng bá văn học nghệ thuật trong "cơn lốc" chuyển đổi số

Bài 1: Thích ứng, chuyển động để phát triển

  • 07:24 | Thứ Sáu, 25/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận công chúng của các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) có nhiều thuận lợi hơn, sự chủ động, tương tác giữa văn nghệ sĩ (VNS) và công chúng được nâng cao và mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, để bắt kịp những đổi thay của “cơn lốc” chuyển đổi số, các VNS Quảng Bình cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình quảng bá, giới thiệu tác phẩm.
 
Với những tiện ích của chuyển đổi số, việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm VHNT được ví như bước qua một thời kỳ hoàn toàn mới, tạo động lực để các VNS tiếp tục dấn thân trên hành trình sáng tạo. Ngược lại, bản thân các VNS cũng phải luôn vận động, tự làm mới mình không chỉ trong quá trình sáng tác, mà còn cả trong nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu về công nghệ, các xu thế mới và đóng vai trò chủ động, tích cực hơn để tác phẩm tiếp cận công chúng theo con đường ngắn nhất, phù hợp nhất.
 
Nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh chia sẻ, sự tác động, chi phối của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cho VNS nhiều lợi thế để quảng bá, giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng. Sự nở rộ của hiện thực cũng cho VNS thêm nhiều chất liệu sáng tác, nguồn tư liệu, đề tài, cảm hứng để viết. Làn sóng toàn cầu hóa đã phá vỡ những rào cản, giới hạn, biến thế giới thành một sân chơi bình đẳng, sống động, nhưng nó cũng liên tục tạo ra những thách thức, bắt buộc VNS luôn ở trong tâm thế dấn thân, hội nhập để bắt nhịp với thời đại và nỗ lực duy trì cảm hứng sáng tác, “cao tay ấn” về kỹ thuật, đổi mới lối viết, đa dạng đề tài.
 
Tuy nhiên, khả năng chia sẻ, quảng bá tác phẩm rộng rãi trong thời đại chuyển đổi số một phần sẽ hỗ trợ nâng cao giá trị vốn có của các sản phẩm văn học, nhưng phần nữa sẽ tạo áp lực cho mỗi tác giả trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Lượng độc giả lớn, phong phú hơn, ở nhiều trình độ nhận thức, tầng lớp khác nhau khiến việc đánh giá cũng đa dạng, khắt khe hơn. Bởi vậy, người viết cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón nhận những lời khen, chê cả tích cực và tiêu cực.
Chương trình biểu diễn hò khoan Lệ Thủy trong dịp Llễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang được
Chương trình biểu diễn hò khoan Lệ Thủy trong dịp Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang được "livestreams" trên các nền tảng xã hội, góp phần đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Chị thẳng thắn thừa nhận: “Nhà văn có thể quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình bằng nhiều cách, nhưng khâu đầu tiên, quan trọng nhất, vẫn thuộc về bản lĩnh, thái độ ứng xử của tác giả trước sản phẩm mà mình làm ra, khi giới thiệu trên facebook, zalo, trang web cá nhân hay in báo, tạp chí, sách… Do vậy, nhà văn phải viết bằng cả trái tim, bằng cả cuộc đời của mình, kể cả viết trong sự khắc nghiệt, chật hẹp, vì “hồi-chuông-lòng” của nhà văn luôn là món quà cao quý, vô giá đối với người đọc. Sự hy sinh của nhà văn sẽ bù đắp bằng sự “trồi lên” của tác phẩm. Như vậy, dù đăng ở đâu, kênh nào, trước hết nhà văn phải sắm vai nhà phê bình để tự kiểm duyệt kênh của chính mình đầu tiên”.
 
Cùng quan điểm với nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, đối với lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình tâm sự: Công nghệ 4.0 phát triển như một phép màu giúp cho đội ngũ VNS tiếp cận được nền văn minh và xử lý những tác phẩm của mình một cách nhanh gọn, thẩm mỹ và dễ tiếp cận với công chúng hơn! Riêng âm nhạc rất cần đến công nghệ, nhất là trong quảng bá, giới thiệu tác phẩm bởi đây là yếu tố quan trọng giúp cho đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ được “chắp cánh” trên mọi không gian, thời gian không giới hạn.
 
Tuy nhiên, mỗi VNS cần phải trau dồi học hỏi, nghiên cứu mới có thể đáp ứng yêu cầu đó. Thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ không những sẽ gây khó khăn nhất định cho các lứa tuổi khác nhau mà còn là thách thức lớn cần phải có lộ trình, giải pháp đồng bộ của các cơ quan quản lý chuyên môn. Trong đó, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về mọi mặt là yêu cầu thiết yếu cho đội ngũ VNS trong thời gian tới.
 
Theo nhạc sĩ Đức Trí, là một nhạc sĩ, anh luôn đề cao sự nghiêm khắc cho bản thân mình và khẳng định, khi giới thiệu tác phẩm đến công chúng cần phải bảo đảm hai yếu tố chính trị và nghệ thuật, bên cạnh đó, cần phải lựa chọn và phối hợp thật kỹ lưỡng thông qua các kênh truyền hình, báo Trung ương và địa phương; đồng thời, đẩy nhanh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, như: Youtube, zalo, facebook… Nếu làm đồng bộ, hiệu quả, tác phẩm sẽ lan tỏa rất nhanh đến với công chúng.
 
Vậy nhưng, để theo kịp chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu tác phẩm VHNT, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức như chính họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, đã có một số nghệ sĩ chủ động công bố tác phẩm nghệ thuật thông qua các diễn đàn, mạng xã hội. Đây là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay khi nghệ sĩ muốn tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.
 
Tuy nhiên, chỉ dừng lại số ít, chủ yếu ở người trẻ. Lý do có lẽ nghệ sĩ vẫn chưa thực sự chủ động và quen với hình thức hoạt động độc lập, vẫn trông chờ vào tổ chức hội, hay thông qua các hoạt động, sự kiện do Nhà nước bảo trợ tổ chức. Tiếp nữa là các nghệ sĩ lớn tuổi thực sự gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại vốn đang thay đổi và cập nhật hàng ngày”.
 
Theo họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, từ rất sớm, bản thân anh đã luôn có ý thức tìm con đường đi cho các tác phẩm của mình. Trước hết là chủ động tham gia vào các sự kiện quốc tế, quốc gia khi có cơ hội (chủ động tham gia ứng tuyển hoặc được mời). Để tác phẩm tiếp cận công chúng, cũng như các nhà sưu tập, anh tích cực tham gia đăng tải tác phẩm trên các diễn đàn, trang đấu giá (off-line và trực tuyến-hiện nay, có khoảng 10 trang đấu giá tranh online trên mạng xã hội), các cuộc đấu giá từ thiện hoặc đơn giản hơn là đăng tải trên trang facebook cá nhân… Một phần ủng hộ các chương trình thiện nguyện, tiếp đến là tham gia vào đời sống mỹ thuật chung, bởi qua các chương trình, diễn đàn, mạng xã hội…, nhiều nhà sưu tập đã tìm đến tác phẩm (họa sĩ sẽ bán được nhiều tác phẩm, qua đó tái đầu tư vào sáng tác), quan trọng hơn là ghi danh mình là một họa sĩ đang sáng tác.
 
Riêng đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An chia sẻ: “VNS nói chung, nhiếp ảnh nói riêng trong thời đại 4.0 rất có lợi thế để tác phẩm của mình tiếp cận được với công chúng nhanh và hiệu quả, chỉ một cú “click” là công chúng tiếp cận được với tác phẩm qua mạng xã hội facebook, zalo, instagram, youtube… Thuận lợi là vậy nhưng cũng rất nhiều khó khăn cho những VNS không tự rèn giũa, đổi mới tiếp cận các công nghệ, các phần mềm ứng dụng, ít có sự đầu tư. Bên cạnh đó, quảng bá, giới thiệu tác phẩm qua mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo vệ bản quyền tác giả, rất cần sự tỉnh táo của các VNS”.
 
Một lãnh đạo Hội VHNT tỉnh chia sẻ, trong thời đại chuyển đổi số, trước những khó khăn, thách thức, mỗi một VNS đều nỗ lực cố gắng để đáp ứng những đổi thay, ứng dụng tối đa các thế mạnh của công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu tác phẩm. Đó là hành trình tự thân của mỗi VNS để thích ứng dòng chảy thời đại.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, Hội VHNT tỉnh vẫn luôn tích cực hỗ trợ, động viên, khuyến khích các VNS trên hành trình ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá tác phẩm và sẽ là cầu nối để các tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Bản thân hội cũng rất mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể để xây dựng chiến lược dài hơi cho chuyển đổi số trong văn học nghệ thuật nói chung, quảng bá, giới thiệu tác phẩm nói riêng.
 
Mai Nhân
 
Bài 2: Cần những chiến lược dài hơi

tin liên quan

Hy sinh

(QBĐT) - Học trò đi học nhà xa
đất trải mình bữa cằn cỗi bữa chan mưa
dở dang manh áo vá
theo đôi chân trần xuôi ngược sớm hôm

Cho ta soi mình

(QBĐT) - Sáu mươi năm một ngôi trường
Ai mang kỷ niệm trên đường đi xa
Bao nhiêu thế hệ trải qua
Lương Thế Vinh để cho ta soi mình

Phát sóng rộng rãi bộ phim "Việt Nam-Tổ quốc nhìn từ biển"

Từ ngày 1/12 tới, bộ phim tài liệu "Việt Nam-Tổ quốc nhìn từ biển" do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân sản xuất sẽ chính thức phát sóng rộng rãi trên hầu hết các kênh, đài truyền hình trong cả nước. Bộ phim được công chiếu vào đúng dịp 40 năm ra đời Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc và 10 năm Luật Biển Việt Nam.