Trăn trở làng văn Bắc Quảng Bình

  • 08:26 | Thứ Bảy, 24/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một đàn anh đồng hương ở Thủ đô Hà Nội bất ngờ hỏi tôi, ông nghĩ như thế nào về “Làng văn” phía Bắc Quảng Bình? Câu hỏi quá đường đột, không cho phép tôi “văn hoa”. Thôi thì nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, anh đã quan tâm, em cũng trải lòng. Nhưng lưu ý với anh, “bắc” là chỉ Ba Đồn, Quảng Trạch thôi, còn Tuyên, Minh hầu như vắng bóng.
 
Lớp văn già, hiếm và không hiếm
 
Tôi vốn mê văn chương từ nhỏ, tám tuổi đã có thơ đăng Báo Quảng Bình. Nhưng rồi, cuộc sống ấu thơ đói khát, lớn lên lại “Tha phương cầu thực”, thế là “Thơ phú khơi khơi nguồn vật chất/Bạc tiền khép khép nghiệp văn chương”. Cho đến đầu thế kỷ 21, tôi mới có thể bén duyên lại cùng chữ nghĩa.
 
Năm 2011, lúc 47 tuổi, tôi mới đủ điều kiện để kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình. Ở cái tuổi này rất nhiều người đã lừng danh, còn tôi vẫn được gọi là “trẻ”. Trẻ theo đúng nghĩa chập chững vào đời và trẻ tuổi so với các cây bút văn học đương thời của Bắc Quảng Bình. Nói vậy, cũng thật không đúng với Phạm Phú Thép và Hoàng Đăng Khoa. Bởi Thép và Khoa lần lượt kém tôi mười và mười ba tuổi, nhưng đã là bậc “tiền bối” trong làng văn, Thép vào hội năm 2001, Khoa năm 2004. Nhưng, Thép hầu như dừng hẳn viết văn để theo nghiệp báo, Khoa thì lăn lộn với học đường học vị. Một mình tôi ngồi với các thế hệ 3x, 4x, 5x, “ngây thơ”… không chịu nổi.
 
Một cây đại thụ” rất cố gắng vun vén cho tôi, là nhà viết kịch Phan Xuân Hải. Ông với tư cách Chi hội trưởng Chi Hội VHNT Quảng Trạch đầu tiên, thành lập năm 2001, đã vô cùng trăn trở để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Nhưng rồi một số thì chín ép”, vào mà chẳng viết lách được gì. Số thì bận việc chuyên môn, rẽ lối “sang ngang” hoặc quá tự ti với khả năng thiên bẩm.
 
Trong đó, có một phụ nữ ở chân đèo Ngang, sau một thời gian “làm mưa làm gió” trên văn đàn, đã chứng tỏ bản năng văn chương và sự ứng xử không phù hợp, khiến Hội đồng kỷ luật của Hội VHNT Quảng Bình khai trừ ra khỏi hội năm 2009. Kể từ đó, văn đàn Bắc Quảng Bình vắng bóng cây bút nữ, một sự hiếm” vô cùng so với vùng Nam tỉnh. Riêng tôi, khi được đứng trên “bục danh dự” của lễ kết nạp hội viên, nhà viết kịch Phan Xuân Hải đã ra đi mãi mãi…
 
Một sự “hiếm” nữa, là từ khi Chi hội VHNT Quảng Trạch ra đời, đến mãi về sau, duy nhất nhà văn Hoàng Bình Trọng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thực tế sinh sống và sáng tác tại địa bàn. Trong khi số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cả tỉnh là trên 10 người, tập trung ở TP. Đồng Hới. Cho đến cuối năm 2019, tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, thì Hoàng Bình Trọng lại rời cõi tạm trong nghèo khổ. Vậy là “hiếm” vẫn hoàn hiếm.
 
Tuy nhiên, “hiếm” là nói sinh sống, sáng tác tại địa bàn. Anh em nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, người Ba Đồn chính hiệu. Còn tuy ở TP. Đồng Hới, nhưng những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Văn Lợi, Hoàng Thái Sơn, Văn Dinh và kể cả Nguyễn Hương Duyên đều là người Bắc Quảng Bình cả đấy. Xa hơn nữa là các nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội như Hoàng Đăng Khoa, Mai Nam Thắng và một số người khác.
 Ban Chấp hành Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn tặng sách và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Nguyễn Tiến Nên.
Ban Chấp hành Chi hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn tặng sách và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Nguyễn Tiến Nên.

Một trăn trở nữa, đó là sự trầm lắng của văn đàn, mà nguyên do là sự lão hóa của cơ thể, của đam mê và cảm hứng. Thế hệ 3x chỉ còn mỗi thầy Hoàng Hiếu Nghĩa đã 90 tuổi “rửa tay gác kiếm”. Thế hệ 4x đa số ngồi “ăn mày dĩ vãng”. Gạo cội Nguyễn Hữu Trường ôm tập bản thảo toàn ký lừng danh một thời không chịu in vì thiếu tiền, mà xin thì tự trọng.

Tiến Vinh cháu ngoại làm cháy laptop cũng không màng mua lại. Chỉ mỗi Hoàng Đình Bường là còn “sung”, bởi tư liệu chiến trường khi về hưu mới kịp hồi tưởng và Đinh Hương Giang đang “sức trẻ”. Thế hệ 5x nào có khá hơn gì? Trần Lý Minh lo bốc thuốc mà quên viết văn. Hoàng Minh Đức hăng say viết “kiếm nhuận chữa bệnh”. Nguyễn Xuân Sùng, Trần Đình Bót gặp bác sĩ nhiều hơn gặp văn nhân. Phan Văn Chương vẫn thỉnh thoảng đôi bài.

May còn Nguyễn Tiến Nên “tả đột hữu xung” được gọi là “chung cư văn hóa”, gần 70 tuổi còn nhí nhảnh ra Hà Nội “tầm sư học đạo”. Phạm Phú Thép 7x thì thích “chém gió” hơn chém…văn. Hoàng Đăng Khoa 7x nổi tiếng văn đàn ở Hà Nội, nhưng hầu như chỉ còn là “Bắc Quảng Bình” khi về với vợ. Mỗi mình tôi 6x vẫn viết, như ngày mai không thể viết.

Đỏ mắt tìm nguồn trẻ
 
Khi vào hội, nhận thấy mình “trẻ” nhất, tôi vô cùng bất ngờ và lo lắng. Dù không đảm nhiệm chức trách gì, nhưng tôi đã có ý thức tìm nguồn trẻ. Tôi lao vào mạng xã hội kết bạn để tìm chất văn, chất thơ trên “tường” của họ. Tuy nhiên, sau bảy năm đỏ mắt lần tìm, tôi đã thất vọng. Các bạn trẻ ngày nay có bằng cấp cao, nhưng văn chương rặt thứ văn mẫu sáo mòn, khô khan cảm xúc. Được một vài bạn khả dĩ, khi tiếp xúc, hoặc họ không có đam mê, hoặc coi việc kiếm tiền mới quan trọng.
 
Tôi còn nhớ, nhờ có người giới thiệu, tôi đã tiếp xúc một nữ giáo viên vừa lấy bằng thạc sĩ văn, chưa có việc làm. Tôi thấy cô ấy có tố chất, nên tặng sách và vài lần hẹn gặp trò chuyện. Tuy nhiên, cô ấy có vẻ miễn cưỡng rồi tế nhị từ chối. Tôi cũng lo sợ, văn chương đâu chả biết, lỡ chồng cô gặp thì ốm đòn ghen, vậy là “hèn nhát” rút lui.
 
Trở lại với người cũ, tôi thấy Phạm Phú Thép cũng chỉ mới hơn bốn mươi tuổi. Đọc Thép, tôi thấy Thép rất táo bạo và nhân văn. Thế là tôi tìm đến Thép và kết thân để “khởi động” lại cảm xúc cho cậu ấy. Việc đầu tiên là tôi sưu tập, biên tập và “vận động” Thép in tập truyện ngắn và ký “Cháo canh Ba Đồn”. Sách in xong, bạn đọc đón nhận thích thú, thế là Thép cao hứng, trở thành “cộng sự” của tôi.
 
Đầu năm 2019, thông qua facebook Nguyễn Xuân Hoàng, một thầy giáo dạy địa nhưng mê văn đang được “bồi dưỡng”, tôi làm quen với Phạm Thùy Ngân, một nàng dâu Ba Đồn nhưng là cô giáo vùng cao Dân Hóa. Ngân rất có tố chất văn chương và đặc biệt có cá tính, đam mê. Rất nhanh chóng, Ngân đã không phụ lòng, thơ viết mười bài, các tạp chí đăng đến chín. Bên cạnh đó, còn có Nhung Nhung sinh năm 1991, “nàng thơ” của Hoàng Đăng Khoa cũng tiến bộ không ngừng. Cuối năm 2020, cả hai được kết nạp Hội VHNT tỉnh. Bắc Quảng Bình từ đây có hai “nữ sĩ” lại trẻ, sau nhiều năm vắng bóng...
 
Tháng 10/2020, Chi Hội VHNT Quảng Trạch-Ba Đồn, sau 15 năm được tổ chức đại hội, Phạm Phú Thép đắc cử Chi hội trưởng. Thép đã cùng Ban Chấp hành lao vào công tác tạo nguồn trẻ bằng kinh phí xã hội hóa. Đầu tiên, Thép cho lập quỹ “Hỗ trợ tài năng văn học trẻ”. Tiếp đến, ngày 26/3/2022, Chi hội phát động cuộc thi “Sáng tác văn học trẻ”, mở rộng đối tượng từ 16-35 tuổi, là con em Quảng Bình bất cứ ở nơi đâu. Bước đầu, cũng đã gây sự chú ý và đam mê của lớp trẻ.
 
Tre già măng mọc, hy vọng “Làng văn” Bắc Quảng Bình sẽ hồi sinh, lan tỏa không chỉ vùng đồng bằng, mà cả miền núi Tuyên, Minh Hóa đang còn vắng bóng.
 
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Lan tỏa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

(QBĐT) - Để tạo động lực góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn, thời gian qua, TP. Đồng Hới chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thông qua việc đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Bài thơ Đêm Noel

(QBĐT) - Hôm qua anh thức viết
Bài thơ Đêm noel
Anh xin dâng tặng Chúa
Mà anh gọi bằng em

Phát động cuộc thi ảnh du lịch Việt Nam "Tỏa sáng Việt Nam-Amazing Vietnam"

Ngày 21/12, Tổng cục Du lịch tổ chức phát động cuộc thi ảnh xúc tiến, quảng bá du lịch 2022 với chủ đề "Tỏa sáng Việt Nam-Amazing Vietnam".