Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Người vĩnh hằng trong hai tiếng nhân dân

  • 07:17 | Thứ Năm, 22/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo TS. Đoàn Minh Tâm, người có công nghiên cứu về văn học trung đại, hiện đại thì “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nhân vật lịch sử thời hiện đại được khắc họa nhiều nhất trong các loại hình nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng”.
 
Về thơ, có lẽ Tố Hữu là nhà thơ đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài thơ nổi tiếng "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" (1954). Hình ảnh Đại tướng đã được Tố Hữu khắc họa: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/Vinh quang Tổ quốc chúng ta/Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Năm 1994, nhà thơ quân đội, đại tá Anh Ngọc có bài thơ viết về Đại tướng được nhiều người biết, ưa thích là "Vị tướng già".
 
Về trường ca, cho đến nay-thời điểm hiện tại theo hiểu biết của chúng tôi, có ba trường ca viết về Đại tướng. Trường ca đầu tiên là "Người Anh Cả của toàn quân" (NXB Kim Đồng, năm 2009) của nhà thơ Hoàng Bình Trọng. Trường ca thứ hai “Đường tới Điện Biên Phủ” (NXB Hội Nhà văn, năm 2018) của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Trường ca thứ ba (mới nhất) là “Tiếng dương cầm Đại tướng” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm (NXB Hội Nhà văn, quý II/2022).
 
Trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải và Nguyễn Minh Khiêm là những người có thế mạnh về trường ca, mỗi tác giả đều đã có 5 trường ca trong “gia tài văn chương”.
 
Có điều đặc biệt, Nguyễn Hưng Hải và Nguyễn Minh Khiêm là những người từng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nếu như vợ chồng Nguyễn Hưng Hải từng là người lính thì Nguyễn Minh Khiêm vốn là một thanh niên xung phong thời cả nước hành quân ra trận. Có lẽ vì vậy, hai nhà thơ viết với tâm thế người trong cuộc đối với Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân, người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân-Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Tháp chuông khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
Tháp chuông khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). Ảnh: Đức Thành
Trường ca “Đường tới Điện Biên Phủ" có 12 chương “Chiếc khăn tay và lời căn dặn của Bác”, “Điểm hẹn lịch sử”, “Đối mặt”, “Nếu không có Tướng Giáp”, “Khúc ca người chiến thắng”, “Có một Điện Biên không nói cho ai biết”, “Tiếng đàn trong đêm phố vắng”, “Điện Biên Phủ trên không”, “Thần tốc. Thần tốc. Thần tốc”, “Trở lại Điện Biên”, “Nỗi niềm sau trận mạc”, “Con đường từ Điện Biên”.  
 
“Đường tới Điện Biên Phủ” bên cạnh việc khắc họa tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh vĩ đại của Đảng và đất nước từ những ngày còn “trứng nước” đến ngày thống nhất non sông và tấm lòng với chiến sĩ, đồng đội của Đại tướng; mà còn nhấn mạnh Đại tướng chính là người được Bác, được dân tộc, được lịch sử chọn để lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng tất cả kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước.
 
“Chiếc khăn mà Bác đã từng khuyên:Chú giữ lấy chiếc khăn này để khi đến Điện Biên/Gói những cánh hoa ban mang về Hà Nội”, Nguyễn Hưng Hải đã bắt đầu trường ca từ tứ thơ về chiếc khăn. Chiếc khăn vừa cụ thể khi mẹ tiễn con, người con gái tiễn người yêu ra trận giấu giọt nước mắt, có thể là biển báo, có thể là lời mách bảo, có thể là lá cờ... nhưng còn có ý nghĩa ẩn dụ “Chiếc khăn của một thời ta gặp/Đường tới Điện Biên hò hẹn đi cùng”.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ cùng toàn quân, toàn dân làm nên một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” mà còn “Điện Biên Phủ trên không” và đi tới ngày thống nhất đất nước “Thêm một Điện Biên Phủ ở Sài Gòn/Điện Biên Phủ trong đời tướng Giáp/Đã nở hoa cho dân tộc hôm nay”.
 
Ngày Đại tướng mất, hàng triệu người sững sờ, dẫu biết đó là quy luật “sinh lão bệnh tử”. Hàng vạn người Hà Nội và nhiều địa phương khác, có người đi xe máy từ Lai Châu về Hà Nội đã khóc. Họ xếp hàng tới khuya chỉ chờ đến lượt vào ngôi nhà của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), dâng nén hương viếng Đại tướng. Đặc biệt, trong dòng người ấy, không chỉ có các cựu chiến binh mà còn rất đông người trẻ.
 
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải cũng là một trong số đó: “Ngày Đại tướng ra đi, tôi đã nấc liên hồi/ Tôi đã khóc giữa dòng người Nam Bắc”.
 
Trường ca “Đường tới Điện Biên Phủ” chồng lên nhau nhiều tầng cảm xúc, không chỉ nói chuyện đã qua, còn nói đến hôm nay, gửi đến ngày mai những thông điệp về hòa hợp dân tộc, hội nhập quốc tế; “Mở chân trời góc bể/Bằng nhịp cầu trái tim” và “Tự lòng ta phải mở/Con đường từ Điện Biên”. Hơn ai hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của hòa bình.
 
“Tiếng dương cầm Đại tướng” là trường ca đồ sộ, gồm 166 trang, khổ 13x19cm, gồm 6 chương (tác giả đặt tên là Giai điệu 1 đến Giai điệu 6): “Khát vọng giải phóng”, “Huyền thoại ba mươi tư chiến sĩ rừng Trần Hưng Đạo”, “Đất Mẹ”, “Những người lính mang hồn thơ ra trận”, “Người sinh ra để đi vào lịch sử”, “Đại tướng của lòng dân”. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm bắt đầu khởi thảo từ năm 2014, hoàn thành năm 2021. Như vậy là mất 7 năm.
 
Nếu như nhân dân Việt Nam đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Anh hùng dân tộc vĩ đại thì dân tộc ta cũng sinh ra một vị tướng vĩ đại của mọi thời đại, một vị tướng huyền thoại có nhiều kỷ lục đáng được vinh danh vào sách Guinness nhất-đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Nếu không có chiến tranh/chắc cả đời ông là giáo viên dạy sử/ông cũng sẽ dạy học trò về những cuộc chiến tranh...”.
...
Đất nước này mỗi lúc lâm nguy
Lại sản sinh ra những anh hùng hào kiệt
Những viên kim cương của lòng yêu giống nòi đẹp nhất
Những đỉnh núi cao chói lọi của thiên tài
(Giai điệu 5-Người sinh ra để đi vào lịch sử)
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp to lớn trong việc tạo nên “Thời đại Hồ Chí Minh”. Nhưng trên tất cả những vinh quang ấy, Đại tướng thực sự đã là vị tướng của lòng dân, một “Bộ đội Cụ Hồ” Việt Nam đẹp nhất, một anh hùng dân tộc, một người đã làm rạng danh cho đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Trong cuộc đời “điều binh, khiển tướng” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy võ nghiệp để thực hành triết lý nhân văn và tinh thần cống hiến của đời mình. Ở đỉnh vinh quang của sự nghiệp cầm quân, trải qua thời gian với bao ngọt bùi, đắng cay, hạnh phúc của cuộc đời, Võ Nguyên Giáp vẫn là một vị tướng biết “dĩ công vi thượng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của chung lên trên hết, lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của gia đình, lợi ích của bản thân mình.
 
Trường ca “Tiếng dương cầm Đại tướng”“Giai điệu 6” (chương cuối) mang tên “Đại tướng của lòng dân” đầy xúc động. “Người vĩnh hằng trong hai tiếng Nhân dân/trong Nhân dân, Người đã đẹp nghìn lần/từ hôm nay/hơn nghìn lần Người đẹp thêm mãi mãi” (Giai điệu 6).
 
Soi lại lịch sử dân tộc, có những sự kiện dường như có sự song trùng ngẫu nhiên. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành-Văn Ba quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cũng là năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại Quảng Bình. Lịch sử đưa hai người ở hai thế hệ cùng chung chí hướng, mục tiêu lý tưởng, trở thành đồng chí, thầy trò, cùng nhau thay đổi vận mệnh của dân tộc.
 
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp Quốc sử lưu danh, lòng dân tạc tượng/Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”, đây là đôi câu đối Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tặng chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tuổi 80.
 
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là biểu tượng cao đẹp nhất cho sức mạnh bách chiến, bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân tộc ta; mà còn là biểu tượng của lòng tin, của đồng thuận xã hội, của cái đẹp. Điều này thôi thúc tôi. Viết xong trường ca “Tiếng dương cầm Đại tướng”, tôi là người hạnh phúc, vì đã báo đáp phần nào công ơn của Đại tướng”, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm chia sẻ.
 
Sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự, một trí thức uyên bác nhiều lĩnh vực, chắc chắn sẽ còn hấp dẫn nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà văn, nhà thơ.
Nhà thơ Ngô Đức Hành

tin liên quan

10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch: Vinh danh tuyển bóng đá nữ

Đàm phán thành công hồi hương ấn "Hoàng đế chi bảo," du lịch phục hồi mạnh mẽ..., đặc biệt là tuyển bóng đá nữ lần đầu tiên lọt vào chung kết World Cup là những sự kiện nổi bật năm 2022.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(QBĐT) - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, trên quê hương xứ Lệ, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được lưu giữ và là minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và đời sống tinh thần của người dân.

Tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều

(QBĐT) - Từ ngày 9-18/12, tại xã Trường Sơn, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh tổ chức lớp tập huấn xây dựng CLB sinh hoạt văn hoá dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số-miền núi.