Mỹ thuật Quảng Bình: Nhìn lại và đi tới

  • 07:02 | Thứ Bảy, 10/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1951, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (chiến khu Việt Bắc) đã diễn ra triển lãm mỹ thuật chào mừng kỷ niệm 5 năm Ngày toàn quốc kháng chiến và thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Nhân dịp này, ngày 10/12/1951, Bác Hồ đã gửi thư cho giới họa sĩ. Năm 2001, kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ, ngày này đã được chọn làm Ngày truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam. Từ đó ngày 10/12 hàng năm là dịp gặp gỡ của những người sáng tác mỹ thuật nhằm ôn lại truyền thống để cùng nhau sáng tạo hướng tới tương lai. 
 
Quảng Bình là quê hương của không ít nghệ sĩ tạo hình có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, như: Nguyễn Văn Y (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), họa sĩ Lê Duy Ứng (đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), Trần Việt Sơn, Bùi Quang Ngọc… Với những đặc điểm về lịch sử, hiện nay, mỹ thuật Quảng Bình có 3 thế hệ sáng tác chủ yếu.
 
Thế hệ thứ nhất là những họa sĩ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng tái thiết quê hương, đất nước, như: Lê Anh Tân, Văn Đắc, Quang Hiếu, Nguyễn Thành Phố, Vũ Xuân Trường, Lê Đan Tê... Những tác phẩm tranh cổ động của thế hệ này đã góp phần vào việc cổ vũ tinh thần chiến đấu, sản xuất trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" anh hùng.
 
Thế hệ tiếp theo là những họa sĩ trưởng thành khi đất nước mở cửa phát triển hội nhập, như: Đoàn Văn Thịnh, Dương Ngọc Liên, Trương Minh Luyện, Phan Đình Tiến… cùng sự tiếp nhận những khuynh hướng sáng tạo mới, hiện đại.
 
Thế hệ thứ ba như: Lê Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Lương Sáng, Nguyễn Lương Du, Trương Trần Đình Thắng, Nguyễn Lương Sao, Nguyễn Xuân Thành, Võ Tuấn Hải… tiếp cận giao lưu, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 đã tác động đến con đường sáng tạo của từng tác giả.
 
Trong quá trình hình thành và phát triển của lực lượng sáng tác mỹ thuật qua các giai đoạn, mỹ thuật Quảng Bình đã có nhiều bước tiến tích cực, mới mẻ cả về bề rộng và chiều sâu. Số lượng tác giả ngày càng đông với nhiều phong cách sáng tác, chất liệu mới được thể hiện, nhiều tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng nghệ thuật cao, khẳng định được cá tính thẩm mỹ riêng.
(Ảnh minh họa)
Một số tác phẩm Mỹ thuật Quảng Bình.
Nhiều tác giả trẻ đã tích cực thể nghiệm, tìm gặp và hòa chung vào các hoạt động mỹ thuật trong khu vực và cả nước hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai. Tác phẩm bắt đầu được các nhà sưu tập trong nước và quốc tế quan tâm, người yêu mỹ thuật tìm đến sở hữu.
 
Nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao ở cấp quốc gia và khu vực Bắc miền Trung, có mặt trong bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam (MTVN). Một số tác giả là gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam đương đại, vươn tầm quốc tế với những tác phẩm mang các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương tạo nên dấu ấn đậm nét trong nền mỹ thuật Việt Nam.
 
Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Bình cũng đã xuất bản 2 tuyển tập (in chung với nhiếp ảnh) năm 2006 và Tuyển tập tác phẩm giai đoạn 2006-2016 (kỷ niệm 55 năm thành lập của Hội VHNT tỉnh) như tổng kết các giai đoạn sáng tác của các nghệ sĩ thuộc ba loại hình chủ yếu.
 
Điêu khắc Quảng Bình đã có những thành tựu và bước phát triển tạo vị thế vững chắc trong khu vực Bắc miền Trung. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến định hình phong cách, tạo dấu ấn riêng với các tác phẩm về đề tài biển cùng nhiều tác phẩm tượng đá công viên trên cả nước.
 
Đặc biệt, tác phẩm "Tượng đài Mẹ Suốt" là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể loại tượng đài của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái (hiện nay sinh sống tại TP. Huế) lại sáng tác và thành công với nhiều tác phẩm đa dạng chất liệu, thể loại. Xuất nhiều tác giả điêu khắc trẻ đam mê và có năng lực sáng tạo, nhiều hứa hẹn, như: Trương Trần Đình Thắng, Nguyễn Lương Du, Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Lương Sao...
 
Điêu khắc Quảng Bình đã đoạt một số giải thưởng quan trọng, như: “Biển cả” (Phan Đình Tiến-giải khuyến khích triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2000-2005, giải B triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2005), “Trái tim của biển” (Phan Đình Tiến-giải A triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung, giải thưởng Hội MTVN 2011), “Hiệu ứng kính” (Lê Ngọc Thái-giải khuyến khích triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005-2010), “Hồi sinh” ( Lê Ngọc Thái-giải A triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2007), “Chuyện người đàn bà”, “Ngóng” (Trương Trần Đình Thắng-giải C triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2018)… và nhiều tác phẩm được Hội MTVN giới thiệu dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hàng năm.
 
Về hội họa, số lượng tác giả, tác phẩm chiếm đa số trong lực lượng sáng tác. Thế hệ họa sĩ có bề dày thời gian hoạt động sáng tác, sự thẩm thấu văn hóa quê hương cùng vốn kinh nghiệm sống phong phú đồng hành cùng các thế hệ tiếp nối, tác giả trẻ tạo nên sự sinh động trong phong trào sáng tác. Một số hoạ sĩ tiêu biểu, như: Văn Đắc, Lê Anh Tân, Đoàn Văn Thịnh, Trương Minh Luyện, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Lương Sáng, Hồ Trọng Lâm...
 
Về đồ họa, chủ yếu tác phẩm của các họa sĩ thế hệ trước với thể loại tranh cổ động, như: Lê Anh Tân, Quang Hiếu, Văn Đắc, Lê Tất Thành... Xuất hiện một số họa sĩ trẻ như Lê Thuận Long với rất nhiều tác phẩm cổ động có chất lượng được công bố thời gian qua trong các cuộc vận động sáng tác của các bộ, ban, ngành. Nguyễn Thành Trung khá thành công với các tác phẩm đồ họa khắc gỗ đơn sắc.
 
Nhiều họa sĩ cũng đã thử nghiệm với loại hình đồ họa độc bản và mang lại những hiệu quả tích cực như Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Chiêu Sinh, Quang Hiếu…  Các họa sĩ Quảng Bình cũng đã gặt hái nhiều giải thưởng nổi bật trong nước và quốc tế.
 
Nhìn lại thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ sáng tác mỹ thuật Quảng Bình chúng ta rất trân trọng và tự hào, xem đó là động lực để tiếp tục những chặng đường mới nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở suy nghĩ. Các giải thưởng và tác phẩm công bố ở khu vực và toàn quốc thời gian qua chỉ tập trung một số tác giả quen thuộc.
 
Mỹ thuật phát triển không chỉ ở các giải thưởng, mà phải tạo được một đời sống mỹ thuật sinh động trong sáng tạo và công bố tác phẩm. Cần chủ động và nỗ lực có tác phẩm tốt tham gia các sự kiện mỹ thuật lớn của khu vực và toàn quốc; tổ chức được nhiều cuộc trưng bày, triển lãm cá nhân, nhóm ở tỉnh nhà nhằm từng bước tạo cho công chúng có nhu cầu thưởng lãm, sở hữu các tác phẩm mỹ thuật cũng như giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.
 
Để làm được điều này, trước hết mỗi nghệ sĩ cần ý thức rõ trách nhiệm sáng tạo của mình trong thời đại hội nhập, đổi mới toàn diện mọi mặt; luôn có nhu cầu tiếp thu những giá trị tinh hoa thẩm mỹ mới, không ngừng tư duy, tìm tòi để phát triển trong sáng tác, cùng nhau xây dựng nền VHNT tỉnh nhà ngày càng phát triển.                                                                                  
Nguyên Sa

tin liên quan

Tuần phim Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức Tuần phim "Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022)".

Nghe trẻ hát ở Trường Sa

(QBĐT) - "Nghe trẻ hát ở Trường Sa" là bài thơ có tứ thơ hay của nhà thơ Ngô Minh đã được tặng giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc "Đây biển Việt Nam" do Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Báo Vietnamnet đồng tổ chức năm 2015. 
 

Nhân viên tờ The New York Times đình công lần đầu tiên trong 40 năm

Nghiệp đoàn phóng viên cho biết từ nửa đêm 8/12, hơn 1.100 nhân viên tờ The New York Times chính thức ngừng làm việc trong 24 giờ do ban quản lý tờ báo từ chối tăng lương tương ứng với mức lạm phát.