KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG "HÀ NỘI-ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG" (12/1972-12/2022)

"Chiến sĩ cầm đàn" với hợp xướng "Tiếng hát Hòn La"

  • 08:53 | Thứ Bảy, 17/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 12/2022, Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trận "Điện Biên Phủ trên không". Những ngày đó trên vùng biển, đảo Hòn La, chúng ta cũng có một cuộc chiến khốc liệt với không quân, hải quân của giặc Mỹ và cũng trong bối cảnh đó, hợp xướng “Tiếng hát Hòn La” ra đời.
 
Bước sang giai đoạn đầu những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân hai miền Nam Bắc thu được nhiều thắng lợi. Bởi vậy, đế quốc Mỹ càng điên cuồng huy động máy bay, tàu chiến gia tăng tần suất đánh phá miền Bắc. Đỉnh cao là cuối năm 1972, chúng cùng lúc huy động hàng trăm máy bay trong đó có máy bay chiến lược B52 đánh vào Hà Nội, hòng đưa Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”! Quân dân Hà Nội đã tỏ rõ khí phách anh hùng tạo nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, bắn hạ nhiều máy bay và bắt sống nhiều giặc lái.
 
Cũng thời điểm đó, trên mảnh đất miền Trung, quân và dân Quảng Bình lại bước vào cuộc chiến mới với giặc Mỹ, hy sinh cả tính mạng để giành lấy những hạt gạo gửi vào cho chiến trường miền Nam.
 
Ngày đó, để giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ lương thực cho chúng ta qua đường biển. Do các cảng lớn ở phía Bắc đều đã bị Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi nên địa điểm giao hàng ta thống nhất với bạn là tại vịnh Hòn La. Tàu Hồng Kỳ mang số hiệu 150 chở 6.000 tấn gạo neo cách bờ biển thôn Thọ Xuân (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) hơn 2km. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã mở “Chiến dịch Hòn La” (mang mật danh KHR1) triển khai lực lượng tiếp nhận hàng chuyển vào cho chiến trường. Đánh hơi được hoạt động của chiến dịch, không quân và hải quân Mỹ tập trung đánh phá, ngăn chặn tuyến vận chuyển gạo của ta từ tàu Hồng Kỳ vào đất liền.
 
Ngày cũng như đêm, cứ phát hiện thuyền rời cách mạn tàu khoảng 100m là chúng ném bom, bắn rốc-két, đại bác 20ly, ngoài ra còn rải thủy lôi dày đặc. Trên bờ chúng ném bom sát thương, rải bom bi nổ chậm… Những người lính của C300, C365, C8, C10 cùng với dân quân và ngư dân các xã Quảng Đông, Cảnh Dương, Quảng Phú… đã vượt qua bom đạn, giành giật với tử thần để đưa những bao gạo vào đến nơi an toàn…
 
Trong lúc cả Quảng Bình đang chiến đấu với tinh thần “Một bát máu đổi lấy bát gạo cho Trị Thiên kết nghĩa” thì Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình được lệnh ra Quân khu 4 (Nghệ An) tập huấn nghiệp vụ để chuẩn bị chương trình phục vụ năm 1973. Xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) là nơi đoàn tập kết trong quá trình tập huấn nghiệp vụ. Được sự quan tâm của Cục Chính trị Quân khu và trực tiếp là Đoàn Văn công Quân khu (VCQK) 4, tất cả cán bộ, diễn viên hăng hái vừa luyện tập vừa xây dựng chương trình biểu diễn.
 Tiết mục Hò kéo pháo của Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình trong thời kỳ đánh Mỹ.
Tiết mục Hò kéo pháo của Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình trong thời kỳ đánh Mỹ.
Đồng chí Lê Văn Ứng, Chính trị viên của đoàn thường xuyên liên lạc với Thủ trưởng và Ban Chính trị Tỉnh đội Quảng Bình nắm tình hình quê hương để thông báo cho đoàn. Nhờ đó, chúng tôi biết được những gì đang diễn ra tại quê hương: Máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm tuyến đường 15 ở xã Vạn Ninh, nhiều người dân thiệt mạng trong đó có em trai của diễn viên Minh Dý. Cơ quan Tỉnh đội và khu vực doanh trại của đoàn đóng tại đồi Mỹ Cương bị ném bom, đồng chí Nguyễn Lương Biền bị vùi lấp… Đặc biệt là thông tin về sự ác liệt giữa ta và không quân, hải quân Mỹ tại vùng vịnh Hòn La.
 
Một hôm, Chính trị viên Lê Văn Ứng tổ chức họp đoàn. Đồng chí thông báo cụ thể tình hình diễn biến của cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại mặt trận Hòn La. Tại đó đã có những người thân của chúng tôi ngã xuống! Một không khí sôi sục, đau thương tỏa lan trong cán bộ, chiến sĩ của đoàn.Theo gợi ý của Thủ trưởng Tỉnh đội, đoàn cần phải có hoạt động nào đó dưới hình thức nghệ thuật để phản ánh được tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Quảng Bình trước giặc Mỹ xâm lược. Ban lãnh đạo đoàn và bộ phận chuyên môn họp bàn.
 
Tranh thủ thêm ý kiến của lãnh đạo Đoàn VCQK 4, chỉ trong thời gian ngắn, một ý tưởng táo bạo được đưa ra: Dựng một hợp xướng nhiều chương với chủ đề ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân dân Quảng Bình mà cốt lõi là “Chiến dịch Hòn La”! Từ ý tưởng ban đầu đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành nghị quyết! Tổ sáng tác được thành lập có 2 người: Nhạc sĩ Lê Ánh Dương (tác giả ca khúc Chào em cô gái Lam Hồng, Đoàn VCQ K4) và Dương Mạnh Đạt (Tổ trưởng tổ nhạc).
 
Những thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam và tình hình trực tiếp ở Quảng Bình là nguồn tư liệu quý giá tạo chất xúc tác, cộng với tình cảm chân thực của người nhạc sĩ, chỉ trong thời gian ngắn, các anh đã nhanh chóng hoàn thành bản thảo hợp xướng với tiêu đề “Tiếng hát Hòn La”. Sau khi được Hội đồng thẩm định (gồm lãnh đạo và các nhạc sĩ Đoàn VCQ K4) thông qua, ca sĩ Quý Thông, nhạc sĩ Ánh Dương và nghệ sĩ múa Bùi Tòng (Đoàn VCQ K4) đã tiến hành dàn dựng cho đoàn.
 
Hợp xướng gồm 5 chương. Mở màn (chương 1) là bản hợp ca trầm hùng giới thiệu về Quảng Bình: “Quê của chúng ta là một vùng đất hẹp. Biển xanh với những cồn cát xóm chài đẹp sao…”. Tiếp theo đó là hình tượng những chàng trai vạm vỡ với mái chèo chém sóng trên con thuyền vận tải “…Ta dẫu cho nỗi những cơn bão dông. Anh em chúng ta tựa những cánh chim bằng…” (đội vận chuyển). Thấp thoáng trong rặng phi lao là những cô dân quân súng khoác sau lưng đang chuyền tay nhau chuyển những bao gạo lên bờ: “Bao em gái xông vào lửa bom chuyển hàng…” (chương 3: Những cô gái làng biển); “…Thắm thiết bao mẹ già khâu áo chài…” (chương 4: Bà mẹ Hòn La).
 
Tiết tấu, giai điệu âm nhạc về cuối càng mang tính chiến đấu, khẩn trương, tự hào tin tưởng:  “Những xóm chài đi ngược về xuôi. Chào những cánh buồm trẩy hội vào chiến dịch… Hòn La đêm ngày dậy sóng. Thề quyết giữ trọn mối tình thủy chung với Trị Thiên… Dô ta này dô ta…”.
 
Nghệ sĩ múa Bùi Tòng đã khéo dàn dựng kết hợp giữa động tác múa cơ bản với múa dân gian, cùng với độ dày bè phối giai điệu của từng ca khúc, từ trên sân khấu, tất cả tạo nên một không gian rất sinh động với hình tượng người chiến sĩ trong lửa đạn. Với tinh thần tập trung cao độ, cộng với ca từ đầy xúc động, các diễn viên không cầm được nước mắt trong quá trình dàn dựng khi nghĩ đến quê hương và người thân.
 
Thấm thoắt thời gian và chương trình tập huấn đã kết thúc. Trước khi trở về phục vụ trên quê hương, một ngày cuối tháng 12/1972, chúng tôi tổ chức buổi biểu diễn báo cáo chương trình trước lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu 4. Đại tá Quách Sỹ Kha, Cục trưởng và Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân khu cũng có mặt.
 
Với tình cảm sâu nặng và trách nhiệm đối với quê hương, chúng tôi dồn tất cả vào tâm trí, thể hiện qua lời ca, nốt nhạc, điệu múa. Chương trình tổng hợp biểu diễn báo cáo thành công tốt đẹp. Đó là kết quả của quá trình lao động sáng tạo, nghiêm túc, làm hết trách nhiệm với quê hương. Trong thành công đó không thể không nói đến tiết mục hợp xướng “Tiếng hát Hòn La” của tác giả Lê Ánh Dương và Dương Mạnh Đạt.
 
Đây là lần đầu tiên một một đoàn nghệ thuật cấp tỉnh “dám nghĩ dám làm”, đã “tự biên tự diễn” một loại hình hợp xướng! Hơn nữa, đó chính là tình cảm, những giọt nước mắt của tác giả, của cán bộ, diễn viên trong đoàn. Kết thúc buổi diễn, đồng chí Thiếu tướng Chính ủy Quân khu đã lên sân khấu khen ngợi và tặng quà cho toàn đoàn.
 
Đã 50 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm ngày đó không bao giờ phai mờ trong lòng những cựu chiến binh “người chiến sĩ cầm đàn” của chúng tôi. Hòn La! Hòn La anh hùng luôn sống mãi với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, là niềm tự hào của “Quảng Bình Hai giỏi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trung Bảo Nhật

tin liên quan

Bao la tình mẹ

(QBĐT) - Cầm trên tay tuyển tập: "Mẹ và những miền quê mẹ", tập thơ tái bản có bổ sung của GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, điều mà bạn đọc cảm nhận được đầu tiên, chính là những ân tình, lòng nhân hậu về mẹ và những miền quê mẹ

Hòa thanh kèn trống cộng đồng với chủ đề "Tiến lên đoàn viên"

(QBĐT) - Ngày 16/12, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức buổi hòa thanh kèn trống cộng đồng do Đội Nghi thức biểu diễn thực hiện với chủ đề "Tiến lên đoàn viên".

Ngày mới rộn ràng

(QBĐT) - Mở ngày chạm giấc mơ đêm
Gặp em mười tám để quên thẹn thùng.
Mắt môi ơi
Chớ ngập ngừng
Phía ngày xanh vẫn tưng bừng tiếng ca.