Lèn Vịnh Tiên Lệ và lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương

  • 08:04 | Thứ Năm, 08/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lèn Vịnh là tên gọi từ xa xưa một hòn núi ở xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn). Từ thuở khai thiên lập địa, lèn Vịnh mọc lên giữa làng Tiên Lệ như một tấm bình phong lớn cao sừng sững. Có những khi mây xuống thấp tưởng như chạm đến đỉnh trời. Nơi đó trở thành chốn thâm nghiêm và đầy sự uy linh. Hàng năm, cứ vào dịp sau giỗ Tổ Vua Hùng mồng mười tháng ba một tháng, đúng ngày mồng tám tháng tư thì nhân dân làng Tiên Lệ lại cùng nhau tổ chức lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương.
 
Trước đây rất lâu, người Tiên Lệ đời sống rất khổ cực. Cảnh mất mùa đói kém luôn luôn xảy ra. Quanh năm chỉ lấy nghề rừng làm nguồn chính cho cuộc sống. Từ người già đến trẻ con ngày ngày lên rừng hái các loại trái cây như thị, mít nài, hạt muồng, hạt sót, hạt dẻ,... về Trung Thôn bán buôn ở phiên chợ Sải hoặc xuống tận Minh Lệ dự phiên chợ Mới, xa hơn thì phiên chợ Ba Đồn, rồi mua gạo, mua khoai đem về cho gia đình đắp đổi qua ngày. Không hiểu nhờ trời phật phù hộ thế nào mà liên tiếp mấy năm tự nhiên làng Tiên Lệ được mùa to, trồng trọt cây gì cũng cho thu hoạch khá, từ đó đời sống hết cảnh hắt hiu.
 
Rồi một cụ ông cao niên nhất trong làng nhân một buổi hội đình đem chuyện giấc mơ cụ gặp được con thần, con thánh về hộ sức cho làng kể lại để mọi người nghe. Cụ kể rằng: Vị thần về giúp làng đầu đội mũ kim ô ngồi trên con ngựa sắt, tay cầm con roi sắt rượt đuổi bọn giặc lân bang từ phương nam đến quậy phá. Sau khi đuổi được giặc chạy xa rồi thì vị thần quay về.
 
Trên đường về đi ngang vùng Tiên Lệ thấy cảnh đẹp sinh tình nên đã ghé lại cùng binh sĩ nghỉ sức một đêm. Khi biết dân Tiên Lệ còn nhiều khổ cực, vị thần xin nhà trời ở lại dạy dân cày cấy, trồng trọt. Một thời gian sau khi mọi công việc cấy hái người dân đã được thuần thục thì một mình thần cưỡi ngựa bay ra phía Bắc đến đậu xuống vùng Nghĩa Lĩnh. Nhưng thần cũng ở đấy chỉ một thời gian rồi lại bay tít lên trời không quay trở lại.
(Ảnh minh họa)
Cảnh sắc Quảng Tiên. Ảnh: Phạm Văn Thức
Sau khi nghe ông cụ kể lại giấc mơ đẹp, vị tiên chỉ làng liền bàn với chức sắc trong làng một kế hoạch rồi cử một đoàn đinh tráng hai mươi người khỏe mạnh khuân theo gạo, nếp, lợn, bò trồng nuôi trên đất Tiên Lệ đi bộ gần một tháng ra tận Đền Hùng xin làm lễ tế. Sau lại đến đền thờ Thánh Gióng tổ chức lễ tạ ơn và xin đất, xin lập lư hương rước về làng thờ. Chỉ một thời gian rất ngắn huy động người có công, người có của, làng xây lên ngay giữa lèn Vịnh một ngôi đền to đẹp nhất vùng và rất trang nghiêm.
 
Đền xây xong, làng tổ chức hội đền kéo dài ba ngày đêm, đèn đuốc thắp sáng trưng cả một góc núi. Người mọi vùng nườm nượp kéo về cầu yên, cầu bổn mạng. Nhìn bức phong chính giữa đền tạc hình Phù Đổng Thiên Vương ngồi trên ngựa sắt, tay cầm roi sắt, hai bên có hai vị tướng hộ tống ngước mắt nhìn thần bay lên trời làm cho người người đến đây đều tỏ lòng kính cẩn.
 
Từ đó cứ hàng năm đến ngày tế lễ, dân hai giáp Giáp Đông và Giáp Đoài được chức sắc làng phân công trực tiếp làm cỗ cúng thi. Các loại xôi, các loại bánh phải lấy hạt gạo hạt nếp tự làm ra trên đồng làng mà chế biến mâm cỗ cúng. Để có các loại xôi loại bánh tốt, khi mùa lúa chín sắp gặt làng cắt những thanh niên ra ruộng lúa nếp chọn những bông tốt nhiều hạt chắc gặt đem về cột chùm phơi riêng rồi cất lên sàn nhà cả bồng chẹn.
 
Khi nào sắp lễ mới đem bồng chẹn xuống đạp ra lấy hạt lúa xay giã thành gạo. Sau đó, làng lại tuyển các cô gái giỏi giang một lần nữa chọn ra những hạt nếp cật, trắng, nguyên vẹn không vỡ mới đem đồ xôi. Sau khi nếp ngâm vớt ra rồi, cách hông cũng rất công kỹ.
 
Khi hông xôi trải qua ba bước, bước một hông hạt nếp đều hơi thì đổ ra nong quây mỏng cho nguội, khi hết hơi thì cho đổ vào hông, hông lần hai, lại làm như lần một, rồi lại hông tiếp lần ba xôi mới đạt yêu cầu. Khi xôi chín dẻo được rồi thì một nửa cho đơm vào mâm, còn một nửa bỏ vào cối giã làm bánh dày, đầu chày giã phải bọc bằng lụa mo cau. Cứ một lần giã có ba thanh niên cầm chày nện nhịp ba, đến khi nào mệt thì thay kíp.
 
Khi nếp đã nhuyển thành bánh rồi thì thôi giã, lấy tiếp một người khỏe dùng tay vắt cả nhả bánh đã nhuyễn ném mạnh vào lòng cối, ném cho đến khi nào bánh không dính cối mới đạt yêu cầu. Bánh đạt yêu cầu phải có ba tiêu chuẩn trắng, dẻo, mượt. Đó là nhìn bằng mắt. Sau khi cúng xong bưng mâm bánh xuống đem ra cho các chức sắc chứng giám, một người cầm con dao thật bén cắt đôi chiếc bánh ra. Mâm bánh của giáp nào mà mặt bánh lì không có những lỗ hơi rỗng phía trong mới thắng cuộc và giáp đó được nhận phần thưởng của vị tiên chỉ của làng trao.
 
Có những năm tháng tư trời đại hạn, lúa đồng khô kiệt nước, cây cối rũ héo, thì trong lễ tế đền thờ Phù Đổng Thiên Vương còn kết hợp với lễ cầu đảo để cầu mưa xuống. Lễ thường kéo dài ba bốn ngày. Nhiều năm cứ sau lễ cầu đảo là trời đổ mưa xuống ầm ầm thể hiện sự linh nghiệm, làm cho dân làng vui sướng và lại càng tin vào sự thiêng liêng của đền thờ.
 
Ngày trước Tiên Lệ thượng xã nhập một số xã lại gọi là Lệ Trạch. Đó là: Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Thủy, Quảng Minh... Việc cúng lễ hàng năm thường là hai giáp Đông, Đoài Tiên Lệ và ba mươi sáu phường ở vùng Tuyên Hóa đảm trách.
 
Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương lèn Vịnh là một di tích hiếm thấy ở các nơi. Việc ngày trước các hương quan làng Tiên Lệ ra tận đền thờ Thánh Gióng làm lễ tạ và xin đất lập lư hương cho đền thờ làng là chứng tỏ cộng đồng dân nơi đây có mối quan hệ với các bộ tộc người Việt từ rất sớm. Cách thức làm xôi và bánh dày cúng lễ cũng mang dấu tích các món ẩm thực quen thuộc của người Việt lâu đời.
 
Giấc mơ của vị cao niên nhất làng với những chi tiết thánh thần dạy dân trồng trọt cũng là điều chứng tỏ người dân nơi đây đã biết sớm gieo trồng lúa nước. Hình ảnh vị thần cưỡi ngựa sắt, tay cầm roi sắt cũng chứng tỏ phương thức canh tác của người Tiên Lệ đã từ rất sớm hòa nhập với cộng đồng người Việt cổ để được phát triển cùng tiến trình lịch sử chung cả nước.
 
Tuy nhiên, lễ hội đền Phù Đổng Thiên Vương ở lèn Vịnh Tiên Lệ từ lâu nay chưa hề được nhắc tới trong sách vở nào, do đó, rất cần sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, lèn Vịnh là nơi vùng Việt Minh và du kích hoạt động, nơi bảo toàn lực lượng kháng chiến. Giặc Pháp đã bao phen tổ chức những trận càn quét và về đóng đồn Tiên Lệ để phong tỏa vùng du kích cũng như để ngăn lực lượng Việt Minh hoạt động. Nhưng chúng rồi buộc phải rút lui sớm vì luôn bị lực lượng kháng chiến từ lèn Vịnh đêm ngày quấy rối và đã phục kích đốt cháy đồn.
 
Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương nơi lèn Vịnh từ đó bị hư hại và đến nay không còn vẹn nguyên, chỉ lưu lại nền đền cũng như các bậc cấp lên xuống đền mà thôi. Những bậc cao niên của làng Tiên Lệ khi nhắc đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương vô cùng nuối tiếc khi một di tích lịch sử văn hóa hiếm của quê hương nay chỉ còn trong chuyện kể. Thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm nghiên cứu và sớm có chủ trương phục hồi lưu giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Văn Tăng

tin liên quan

Nâng niu ký ức

(QBĐT) - Miệt mài lưu giữ những cuốn sách, hình ảnh, câu chuyện về Bố Trạch anh hùng, trong đó có quê hương Cự Nẫm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Phi (SN 1941) đã có một "gia tài" nho nhỏ.

Chủ tịch nước biểu dương du học sinh dịch 'Truyện Kiều' sang tiếng Anh

Chủ tịch nước mong muốn Nguyễn Bình tiếp tục học tập, nghiên cứu, có nhiều tác phẩm hay, có giá trị, đóng góp cho nền văn học nước nhà cũng như tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bếp lửa ngày đông

(QBĐT) - Bập bùng bếp lửa ngày đông
Nắng mưa ngấm vào rơm rạ
Ấp úng cơm sôi thơm quá
Phù sa ngấn lụt lên tường...