Tỉnh lược-một nét khuyết nghệ thuật trong thơ Hoàng Vũ Thuật

  • 07:34 | Thứ Bảy, 16/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ tài ba thường thích thú với trò chơi từ ngữ. Họ có khả năng cắt xén, lắp ghép các từ một cách nghệ thuật. Hoàng Vũ Thuật cũng đóng vân tay mình vào gương mặt của thi ca bằng những nét khuyết nghệ thuật.
 
Theo định nghĩa của Đinh Trọng Lạc, tỉnh lược "là lược bỏ một hay hai thành phần chính của câu mà ý nghĩa của thành phần bị tỉnh lược vẫn có thể được khôi phục dễ dàng nhờ hoàn cảnh hay ngữ cảnh". Khi câu bị cắt, bỏ bớt một hay hai thành phần chính thì nó cũng không còn giữ những quy chuẩn nữa. Với thủ pháp này, nó không chỉ đòi hỏi tác giả một kỹ thuật vận hành tốt mà còn đòi hỏi ở người đọc tính liên tưởng cao.
 
Bản chất của thơ là kiệm lời. Chính trong khoảng kiệm lời ấy, thơ trở thành bức tranh thiếu nét nghệ thuật. Vì vậy, tỉnh lược được coi là một thủ pháp đắt giá. Một nhà thơ Pháp có nói: "Đóa hoa thi ca là cái hoa vắng mặt của mọi đóa hoa". Nghĩa là, cái vắng mặt tạo nên sự cô đúc, chặt chẽ cho câu thơ.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Nếu hiện tượng ngắt dòng đem đến nghĩa tạo sinh cho thơ Hoàng Vũ Thuật thì thủ pháp tỉnh lược cũng mang đến nhiều nét nghĩa. Tại những điểm khuyết, tỉnh, các con chữ dễ dàng thay đổi trật tự. Trong bài thơ Sao không là: "Sao không cát bụi/Mù mịt lưng đồi/Sao không ngọn gió/Rong ruổi khắp nơi"... Bài thơ chia làm 8 khổ, mỗi khổ 2 câu. Các khổ đều là sự lặp lại câu hỏi sao không của một chủ thể vô hình. Tỉnh lược chủ ngữ liên tục nhưng không làm rối mà ngược lại, biên độ ý nghĩa thơ, hình ảnh thơ được mở rộng. Kiểu tỉnh lược chủ ngữ này khiến người đọc có thể hóa thân vào bài thơ, tìm sự đồng cảm và giải mã chúng. Chủ ngữ có thể là em, là anh, là con người... Tuy nhiên, muốn khám phá giá trị ngữ nghĩa của thơ cần phải đối chiếu giữa trục lựa chọn và trục kết hợp.

Ở bài thơ này, việc ẩn chủ ngữ đã tạo cho câu thơ có thể đi theo chiều ngược hoặc chiều xuôi. Các hình ảnh được nhắc đến như cát bụi, gió, chiếc lá, rơm rạ, sao trời, mây trôi, sông suối, giọng nói là chủ ngữ khi chúng ta kết hợp theo chiều ngược: Cát bụi sao không/Lưng đồi mù mịt/ Ngọn gió sao không/Trăm nơi rong ruổi... Các hình ảnh này trở thành chủ ngữ tự đối thoại, chất vấn. Đó cũng là cách chúng thể hiện bản ngã của mình. Từ đó, nhà thơ liên hệ đến con người: Giọng nói sao không/Trên môi thì thầm. Giọng nói là hoán dụ chỉ con người. Người với người cần sự nhẹ nhàng, yêu mến. Cấu trúc về ngữ pháp của câu thơ cũng thay đổi, chuyển từ câu hỏi tu từ sang câu vắt dòng.
 
Nếu kết hợp trên dưới: Sao không mù mịt/ Cát bụi lưng đồi... Sao không mùa màng/ Rơm rạ chơi vơi... Sao không ngày thu/Mây trôi bối rối... thì đặc điểm của chủ thể bị đánh vắng được nhấn mạnh. Chủ thể bị đánh vắng được so sánh với những bản chất của đời sống nhằm nêu lên khát vọng về sự hài hòa giữa thiên thiên với thiên nhiên, giữa con người với con người. Bài thơ như khối vuông ru-bích, mỗi mặt là một nét nghĩa mới. Chúng không loại trừ nhau mà còn mang đến nghĩa tạo sinh cho thơ.
 
Hoàng Vũ Thuật cũng đưa đến nhiều liên tưởng thú vị qua cách tỉnh lược chủ ngữ: "Một nụ hôn ẩn tích/Sững sờ hóa thạch chốn mê cung". Hang Bi Ký là một trong những hang đẹp của Động Phong Nha. Động Phong Nha lại nằm "bên con sông đen huyền bí/Ngàn sau chảy đến khôn cùng". Nụ hôn ấy là của ai mà hóa thạch chốn mê cung? Phải chăng nụ hôn là sự gắn kết của con sông Son và động Phong Nha để làm nên những vẻ đẹp bất tử cho con người? Hay đó là nụ hôn tình yêu của anh và em trước thiên nhiên mê hồn, của tình yêu bao đời để lại dấu tích trên đá... Thử phá vỡ hai câu thơ bằng chiều ngược, xuôi, xiên, dọc, trên, dưới chúng ta có một số câu thơ, như: a. "Ẩn tích một nụ hôn/Chốn mê cung hóa thạch sững sờ"; b. "Một nụ hôn sững sờ/Ẩn tích hóa thạch chốn mê cung"; c. "Một nụ hôn hóa thạch/Sững sờ ẩn tích chốn mê cung"...
 
Nếu đảo theo chiều ngang như câu a, nụ hôn trở thành đối tượng tác động đến chốn mê cung. Nếu đảo theo chiều dọc như câu b, nụ hôn trở thành đối tượng bị tác động bởi chốn mê cung. Nếu đảo theo chiều xiên như câu c, nụ hôn trở thành chủ thể, tâm điểm của cái đẹp...  Đánh vắng chủ ngữ để nói lên cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của con người và sự hòa quyện của chúng là một sáng tạo của nhà thơ.
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Việc ẩn chủ ngữ, buộc người đọc phải tìm cách mã hóa. Việc mã hóa trên cơ sở kết hợp, phân tích trục lựa chọn và trục kết hợp của thi ca sẽ giúp chúng ta có thể khai phá những bí ẩn đằng sau ngôn từ của Hoàng Vũ Thuật. Đây là điểm lạ hóa trong thơ ông. Không cần diễn đạt nhiều lời, các con chữ tự chúng va chạm, tự chúng nảy sinh ý nghĩa.

Bên cạnh kiểu tỉnh lược chủ ngữ, Hoàng Vũ Thuật còn tỉnh lược động từ: Người đàn bà vẫn ngồi bên cửa sổ/Còn ngồi như thế đến bao lâu/Vai gầy guộc suối sông biển cả/Mắt lấp vàng xác lá mùa đau... (Người đàn bà ngồi bên cửa sổ). Để vẽ nên hình ảnh người đàn bà "đóng khung thành bức tranh thế kỷ", nhà thơ tỉnh lược đến mức tối đa. Chúng ta thử dùng cụm từ vai gầy guộc kết hợp với các động từ, như: Gánh, mang...; kết hợp mắt lấp (lấp lánh) với động từ: Chứa, đong... Đôi vai gầy guộc ấy thách thức suối sông biển cả, mang bao nỗi niềm của suối sông biển cả. Đôi mắt lấp lánh sẵn sàng chứa đầy cái buồn đau khi mùa thu đến.
 
Thời gian trôi qua, người đàn bà vẫn chờ đợi, hy vọng về đức ông chồng mặt tựa trái bồ quân. Cũng có thể lý giải người đàn bà gầy, xơ xác, mắt đong đầy nỗi buồn trở nên cô đơn, bé nhỏ trước thiên nhiên rộng lớn. Trong sự đối lập ấy, hình ảnh người đàn bà càng khắc sâu, ám ảnh vào lòng người... Việc tỉnh lược động từ làm cho hình ảnh người đàn bà trở nên sinh động. Hiểu theo cách nào là tùy thuộc vào trình độ cảm thụ và liên tưởng của người đọc.
 
Có lúc Hoàng Vũ Thuật lại đưa người đọc vào “những câu hỏi không phải trả lời”: "Vì sao những nỗi buồn dịu ngọt/Choàng xanh lên cánh rừng khô/Trở lại cùng anh lặng lẽ/Nụ hôn mây nước mùa thu...". Trong cuộc sống biết bao điều nghi vấn, băn khoăn. Hoàng Vũ Thuật đặt ra những vấn đề làm người đọc chột dạ, bàng hoàng "như cơn mưa đầu mùa /vụt hiện rồi tan dọc lối cũ". Cuộc sống luân chuyển muôn đời. Những giọt nước mắt buồn bã trước bao nấm mộ không thể giấu nổi, khi lá vàng xao xác thì cánh chim bay ngược chiều gió thổi, trong nỗi buồn có cái dịu ngọt, trong cánh rừng khô có màu xanh...
 
Tất cả, "trở lại cùng anh lặng lẽ" làm nên "nụ hôn mây nước mùa thu". Giữa nụ hôn và mây nước mùa thu có thể ghép các động từ, như: Trang trải, đánh thức, làm nên... Nụ hôn của anh, tấm lòng của anh trang trải với mây với nước mùa thu. Mây nước mùa thu đánh thức anh, làm anh muốn xa lánh nơi ồn ào tranh cãi, làm anh có những nỗi buồn dịu ngọt để hòa mình vào thiên nhiên-nơi không có những tham lam suồng sã, đố kỵ ghen ghét. Nhưng cũng có thể hiểu đó là nụ hôn của thiên nhiên, của mây nước, của đất trời. Nụ hôn làm nên vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên giao hoà. Thiên nhiên như chiếc gương phản chiếu cảnh tỉnh con người. Cuộc sống con người là những câu hỏi không phải trả lời vì nó hiển nhiên, là muôn đời vẫn thế... Việc tỉnh lược chủ ngữ làm bài thơ thêm đa cách tiếp nhận. Đa cách tiếp nhận thì thơ càng hay, càng vang. 
 
Ngôn ngữ thơ có khả năng làm chấm dứt tính chất máy móc của ý thức. Ngôn ngữ mở ra những vùng mờ, nhòe qua những chỗ vắng, trống, thiếu, khuyết. Khuyết, thiếu mà lại đầy nghệ thuật, tràn nghệ thuật bởi những tư duy phong phú, đa chiều của độc giả.
 
Những điểm khuyết nghệ thuật đan xen với việc phá vỡ trật tự các con chữ, hay nói như Ý Nhi, "khi cảm thức đã lấp đầy hư ảo thì cú pháp cũng xô đẩy bộn bề", tất cả góp phần tạo nên "những câu thơ hoa vỡ". Chính Hoàng Vũ Thuật đã nói trong bài "Hoa vỡ": "bông hoa vỡ ngàn cánh máu/rỏ xuống lót ổ câu thơ/bào thai thiên thần". Và Hoàng Vũ Thuật đã tạo được sự tiếp nối không ngưng nghỉ một mạch thơ siêu thực qua những thi tập gần đây.
 
Tuệ Minh

tin liên quan

Tượng đài bất tử

(QBĐT)- Giữa đại ngàn Trường Sơn
Ngày cuối hạ

Trao giải thưởng tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

Sáng 15/7, tại Nhà hát - Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm và trao giải thưởng tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Trải nghiệm lễ hội khinh khí cầu tại TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Từ ngày 15-17/7/2022, tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) diễn ra lễ hội khinh khí cầu với sự tham gia của đông đảo du khách và người dân địa phương.