Thương cánh hoa mưng

  • 08:17 | Thứ Sáu, 15/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi vẫn thường rảo bước qua đoạn đường ấy, nơi có hàng lộc vừng buông từng sợi đỏ. Hoa lộc vừng tỏa hương về đêm, mùi nồng nồng hăng hắc nhưng vẫn khiến lồng ngực người qua đường phập phồng vương vấn. Dưới ánh đèn cao áp, lộc vừng dịu dàng như cô thôn nữ nghiêng đầu buông mái tóc dài bên khung cửa sổ...
 
Quê tôi là một dải đất hẹp nơi con sông Gianh gối đầu. Phía đầu làng, có một bãi bồi toàn đá cuội lổm nhổm mà quê tôi gọi đó là Bợi. Nơi ấy chỉ mỗi loài lộc vừng là bám trụ lại được với cái nóng như rang của mùa hè và những cơn lũ bào xới của mùa mưa. Quê tôi không gọi là lộc vừng mà gọi là mưng. Cái tên mưng nghe thân thuộc và dân dã hơn, gắn bó với người dân quê tôi trong từng câu ca dao thành ngữ "Cá lẹp mà kẹp rau mưng/Ông ăn một miếng bà trừng mắt lên" hoặc "Mưng dai, khế gion (giòn), mẹ già dặn con đừng trèo von (trèo cao) mà bổ (ngã)".
 
Chẳng biết từ bao giờ mưng mọc kín cả bãi Bợi nóng rát, thân mưng khẳng khiu, nghiêng ngả, từng khúc rễ cuộn lên phơi trên mặt đá như những đường gân trên bàn tay của ba. Rễ cứ len trong đá mà vươn dài ra tới bờ sông hút nước nuôi cây. Mùa nắng, lá mưng xanh như những chiếc ô che mát cho từng chuỗi hoa buông dài soi mình xuống lòng sông trong vắt. Hoa mưng rụng kết thành tràng thuyền đỏ nối đuôi nhau xuôi theo con nước. Đó là lúc lũ trẻ quê chúng tôi nghỉ hè, rủ nhau dắt bò qua Bợi thả. Bò nhởn nhơ tìm nơi cỏ tốt, còn lũ trẻ trèo mưng hái hoa làm vương miện chơi trò cô dâu chú rể. Chơi chán lại nhảy ào xuống sông ngụp lặn, áo quần cứ thế mặc cho nắng và gió hong khô. Đứa nào tóc cũng vàng hoe, người đen nhẻm nhưng chẳng mấy khi đau ốm.
Hoa mưng Ảnh: T.M.V
                     Hoa mưng.                                Ảnh: T.M.V

Mùa đông, mưng rụng hết lá, những cành cây trơ trụi gầy guộc, nhìn từ xa cứ tưởng rằng cây đã chết. Thế nhưng khi những hạt mưa xuân rải xuống là lúc những chiếc mầm khô khốc kia cựa mình tỉnh giấc. Chỉ sau một đêm những lộc non mở mắt, chiếc lá nhỏ xíu đỏ thẫm bắt đầu xòe ra, mơn mởn. Giêng hai, mùa giáp hạt, dân quê tôi sáng sáng rủ nhau qua Bợi hái lá mưng về chấm mắm sạu ăn chống đói. "Của không ngon đông con cũng hết", chị em tôi cuộn từng nắm lá mưng chát nghoét chấm chút mắm sạu nhai ngon lành, no nê. Rồi cứ thế mà lớn lên...

Lũ chúng tôi thoát ly khỏi làng, ai cũng bộn bề với cuộc sống, chẳng còn thời gian mà quan tâm đến những cây mưng già cỗi kia. Cũng chẳng còn mấy ai ngồi rưng rưng về những kỷ niệm xưa cũ. Tuổi thơ êm đềm như những cánh hoa mưng trôi mãi theo dòng nước về nơi vô định...
 
Hôm ấy tôi về làng, mẹ tôi ánh mắt xa xăm nhìn qua Bợi thở dài. Rồi tôi được biết rằng có rất nhiều người "hạ bạn" đến đây, họ gọi mưng bằng cái tên rất văn học là lộc vừng và muốn mua về làm cây cảnh. Bãi mưng mọc hoang bỗng dưng trở thành món hàng có giá. Dân làng thi nhau cuốc xẻng đi đào. Những cây mưng bật gốc, những chiếc rễ mưng đứt lìa nằm chơ vơ khô dần giữa bãi đá. Cành mưng bị chặt, nằm cong queo trên những chiếc hố nham nhở.
 
Từng chuyến xe tải chở mưng đi xa, chẳng ai biết mưng sẽ đi đâu, bao nhiêu cây còn sống sót ở nơi nào đó. Cả bãi Bợi khô khốc, trống trơn nằm bơ vơ bên dòng thác cạn. Bò không có chỗ trú nắng cứ rảo bước lang thang trên đá cuội. Lũ trẻ chuyền tay nhau chiếc smartphone với những món game mới lạ. Người ta bỗng giàu lên sau những chuyến mưng về xuôi. Và người ta cũng bỗng trở nên ích kỷ, hằn học nhau vì món tài sản từ trên trời rơi xuống. Những cuộc cãi vã, những trận ẩu đả vì tranh giành mưng khiến tình làng nghĩa xóm rạn nứt.
 
Bãi mưng biến mất, dòng thác như được khơi nguồn, hung hãn hơn, chảy xiết hơn. Cơn lũ năm đó đã xói lở nhiều triền đất, đe doạ mùa màng và những ngôi nhà ven sông. Người ta chỉ biết ngửa mặt than trời, trách trời mà không biết rằng chính đồng tiền đã khiến con người quên mất vị thần hộ mệnh cho xóm làng chính là những cây mưng kia.Trong cuộc sống đủ đầy người ta đã quên cơn đói giêng hai với bãi Bợi mơn mởn lộc mưng đỏ thẫm. Chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi một bãi mưng xanh tốt soi bóng xuống lòng sông mát rượi, từng thuyền hoa đỏ xuôi dòng phía bên kia con thác...
 
Tôi đứng lặng dưới gốc mưng vừa lạ vừa quen, ngước mắt nhìn từng sợi hoa đỏ buông dài như nỗi nhớ đất quê. Tôi với tay ngắt một chuỗi hoa cuộn tròn đội lên tóc, nhắm mắt tưởng tượng như mình là một cô dâu tí hon thuở nào, cười vô tư như chưa từng biết khóc. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà cơn gió lay mạnh, một màn mưa đỏ trút xuống trong nỗi nhớ tuổi thơ tôi cồn cào...
 
                                                                                    Phạm Thùy Ngân

tin liên quan

Triển lãm "75 năm đền ơn, đáp nghĩa" diễn ra từ 24 đến 27/7

Bộ VHTT&DL giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm "75 năm đền, ơn đáp nghĩa".

Tổ chức Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 8

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 8.

Kiểm tra thực địa dự án Đền tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sơn khu vực trọng điểm ATP

(QBĐT) - Sáng nay, 11/7, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực địa để tổ chức lễ khánh thành Đền tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sơn tại khu vực trọng điểm ATP trên đường 20 Quyết thắng.