Ngọn nồm Đồng Hới

  • 08:02 | Thứ Tư, 06/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên mỗi một vùng quê, từ bến nước, gốc đa, từ mái đình rêu phong, từ đặc trưng ẩm thực… đều là những dấu ấn khó quên, khó lẫn lộn trong chúng ta cho dù là dĩ vãng, hôm nay và cả ngày mai… Và ở quê tôi cũng thế! Đó là những gì mà tôi muốn nói đến: Ngọn gió nồm!
 
Đồng Hới quê tôi là một phố thị nhỏ bên bờ sông Nhật Lệ. Mỗi cửa sổ của căn nhà đều thu gọn hình ảnh cửa biển và đón ngọn gió biển ùa vào mỗi sáng khi bình minh lên, mỗi chiều khi hoàng hôn xuống.
 
Hàng năm, bước vào thời điểm giữa tháng sáu và đầu tháng bảy, khi ngọn gió Lào như chú ngựa bất kham ào ào vượt qua dãy Trường Sơn chuyển cái nóng rát mặt đổ về phố biển thì cũng là thời điểm ở đây xuất hiện ngọn gió nồm.
 
Gió nồm thổi từ biển vào đất liền theo hướng đông-nam (bởi thế nó còn có tên là gió đông nam). Vào mùa xuân, khi gió mùa đông-bắc giảm dần, thỉnh thoảng cũng có ngọn gió nồm nhưng chỉ thoảng qua vì chưa phải mùa gió chính. Phải đến đầu hè mới xuất hiện gió nồm. Thời tiết giữa hè có những buổi trưa không gian như tĩnh lặng, không một gợn gió. Đồng Hới nóng hầm hập như chảo lửa. Đó là thời điểm mà các cụ lão làng nói: “Nam, nồm tranh nhau” (gió nam ở đây thực chất là gió Lào, gió từ hướng tây nhưng quê tôi thường gọi gió nam: nam cồ, nam non, nam dưới…).
 
Khoảng lặng đó từ trưa đến khoảng đầu giờ chiều thì ngọn gió nồm tràn vào. Do lúc này vùng nội địa bị hun nóng, không khí loãng nên ngọn nồm tràn vào với cường độ mạnh. Đứng ở bờ biển nhìn ra khơi xa, mặt nước có màu xanh tím và những lớp sóng do gió tạo nên ào ạt vỗ trắng bờ cát. Những chiếc xuồng nan của ngư dân câu mực như những chiếc bong bóng nhào lộn, nhấp nhô trên sóng. Người ta nói đó là khi “nồm rắn”! (rắn: to).
 
Ban đầu, gió lướt qua dải cát Bảo Ninh rồi bao phủ khắp phố biển Đồng Hới. Do xuất phát từ ngoài khơi, lại được sông Nhật Lệ tiếp sức nên ngọn nồm mang theo một lượng lớn hơi nước biển, như một chiếc máy lạnh khổng lồ làm cho nhiệt độ trong đất liền giảm xuống, không khí trở nên mát mẻ dễ chịu.
Phố biển Đồng Hới
                           Phố biển Đồng Hới.                  Ảnh: Tiến Hành
Ngọn gió nồm như đã nói là thổi theo hướng đông-nam. Tuy vậy, người dân vùng biển Đồng Hới quê tôi lại còn căn cứ vào thực tiễn nên có cách gọi riêng để phân biệt với gió nồm chính thống. Đó là gió đông nồm, nồm nam và nồm rọc (dọc).
 
Gió đông nồm (hoặc gió đông) thổi vào đất liền theo hướng chính đông. Cũng như gió nồm, gió đông mang lại không khí mát mẻ cho cả một vùng dân cư, gió đông ngày xưa còn là một nguồn năng lượng quan trọng đối với những người buôn bán trên tuyến đò dọc. Họ thường đợi đến thời điểm “Gió đông nước lên” để xuất phát. Đó là khi gió đông thổi mạnh cũng là lúc triều cường, những chiếc đò buôn căng buồm no gió dong thẳng một mạch từ Đồng Hới ngược Kiến Giang đưa hàng hóa hải sản lên chợ Côộc (Quảng Ninh), chợ Tréo, chợ Trạm (Lệ Thủy). Ngược lại, khi trở về người ta lại lựa lúc “Gió nồm nước ròng”, qua phá Hạc Hải nhập dòng Nhật Lệ về xuôi… Người dân đã biết tận dụng ngọn nồm, tạo nên yếu tố “thuận buồm xuôi gió” mà không phải mất công sức chèo chống. Ngoài ngọn gió đông, còn có ngọn gió nồm nam.
 
Gió nồm nam thổi theo hướng nam-đông nam. Sau một ngày nắng nóng, trời về chiều gió nồm nam cũng chuyển làn gió mát vào đất liền và giảm dần, đến tối thì dịu hẳn.
 
Khi màn đêm buông xuống, lúc này từ phía thượng nguồn sông Nhật Lệ (ngã ba Trần Xá) xuất hiện làn gió mát rượi. Làn gió chứa đầy hơi nước của hai dòng Kiến Giang và Đại Giang hợp lại rồi lướt dọc sông Nhật Lệ theo hướng nam bắc tràn lên phố thị và xuôi ra cửa biển. Từ xa xưa, người dân Đồng Hới quê tôi gọi đây là ngọn gió nồm rọc (phải chăng vì nó thổi dọc mà không thổi ngang?). Ngọn gió rọc không mang trong mình chất muối mặn của biển cả mà chủ yếu là mang sự tinh khiết của hương đồng cỏ nội. Ngày ba tôi còn sống, mỗi khi ngọn nồm rọc thổi về, ông thường ra đứng trước cửa ngõ phanh áo ngực khoan khoái hít một hơi thật dài rồi nói: “Như thang thuốc bổ”!
 
Nói là vậy. Nhưng ngọn nồm không phải lúc nào cũng thanh tao nhẹ nhàng! Đó là vào mùa mưa bão. Khi một cơn bão mạnh ập đến, ban đầu là gió hướng đông bắc. Sau chuyển hướng ngược kim đồng hồ sang tây bắc và cường độ mạnh nhất khi bão ở hướng tây và tây nam (bão nam). Khi hướng gió xoay về phía nam rồi đông nam (bão nồm) thì đây là tín hiệu cơn bão đã bắt đầu suy yếu. Vì vậy, trong cơn bão, người dân luôn mong ngóng chờ thời khắc sớm chuyển qua ngọn gió nồm.
 
Ngọn gió nồm đã ăn sâu vào tâm khảm người dân Đồng Hới quê tôi là vậy. Trước năm 1930, khi người Pháp có mặt tại Đồng Hới, họ đã có ý thức lợi dụng hướng gió để tạo sự thông thoáng cho một phố thị manh nha. Đó là những trục đường chính (khu Đồng Hải, Đồng Đình), những đường kiệt (khu xóm Câu) nối từ bờ sông thẳng lên Quốc lộ 1.
 
Đến mùa hè, ngọn gió nồm len lỏi vào tận các công sở, các ngõ nhà. Người dân thường kê những tấm phản gỗ, chõng tre, hoặc giường xếp ra bên lề đường để ngủ. Những đêm trăng sáng, các cụ già, trẻ em, những nam thanh nữ tú… thường kéo nhau lên cầu Dài, đi bộ dọc kè Vườn dừa Trị Thiên, ra vườn dương, ra cầu Mụ Kề… hóng mát, để thưởng thức ngọn gió rười rượi mang hương vị biển. Cụ Nguyễn Tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (quê xã Bảo Ninh) đã viết: “…Cái phong vị quê hương này khiến người Đồng Hới, dù có đi xa xôi ngàn dặm, cũng không bao giờ quên được; nó cũng như người Đồng Hới tha phương thèm và nhớ miếng nước mắm Đồng Hới vậy…” (Địa chí Đồng Hới).
 
Đối với giới văn nghệ sĩ, ngọn gió nồm Đồng Hới cũng tạo ra cho họ nhiều cảm xúc, thăng hoa. Hình ảnh mẹ Suốt với mái tóc bạc tung bay trước gió, vững tay chèo vượt qua bom đạn giặc Mỹ đưa bộ đội qua sông Nhật lệ được Tố Hữu đưa vào thơ:
 
              “…Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
                Gió bay như sóng biển tung trắng bờ…”       (Mẹ Suốt).
 
Trong ca khúc "Đồng Hới và em", ngọn gió Đồng Hới cũng đã được nhạc sĩ Quách Mộng Lân chọn đưa vào ca từ“… Đi bên em gió căng lồng ngực, nghe tương lai gọi về náo nức…”. Hoặc trong ca khúc "Nhật Lệ trăng huyền thoại", nhạc sĩ Hoàng Sông Hương phổ thơ Lý Hoài Xuân, tác giả đã gọi đúng tên ngọn gió:
 
          “…Anh đến bóng lung linh.
            Miên man nồm Đồng Hới
            Phải vì dòng sông xanh
            Hay vì say hồng nở…”.
 
Đồng Hới, một phố thị nhỏ ngày càng đổi mới, thay da đổi thịt và đang từng bước phát triển đi lên. Cùng với những tầng cao, cùng với nét cong của những nhịp cầu bắc qua dòng Nhật Lệ trong xanh lung linh ánh điện mỗi khi màn đêm buông xuống… thì ngọn gió nồm luôn là người bạn đồng hành suốt năm tháng.
 
Ngọn nồm mang vị mặn mòi da diết của biển, mang luồng không khí mát mẻ qua dải cát Bảo Ninh, từ cửa biển Nhật Lệ đến với thành phố.
 
Ngọn nồm sẽ góp phần để tạo nên một không gian trong lành, một Đồng Hới xinh đẹp, thơ mộng cho hôm nay và tương lai.
                                                                   
                                                                    Đoàn Đoàn

tin liên quan

Giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch tổ chức trưng bày không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào.

Giới thiệu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè châu Phi

Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours (Pháp) năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 28/6, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" .