Hải Thành, gì cũng mặn

  • 09:47 | Thứ Bảy, 22/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi thật lạ, trong khi mọi người thích những nơi tấp nập, đông đúc thì tôi lại đắm say những con ngõ nhỏ quanh co, lên xuống ven đồi cát Hải Thành. Trong những con ngõ ấy không có tiếng động cơ, không có tiếng còi réo. Yên tĩnh. Trong lành. Nhưng vẫn ăm ắp nguồn sống.
 
Thực ra, Hải Thành giờ không còn là cái làng biển đìu hiu nơi cuối sông đầu biển như những năm đầu mới chia tỉnh nữa. Nhớ hồi ấy, tôi là một đứa lơ ngơ theo ba mẹ chuyển từ Huế ra. Lũ thanh niên Đồng Phú đêm nào cũng đứng ngoài đường Trần Hưng Đạo réo: “Vơ Hiền tị nạn ra đây mà nhởi nì”. Lủi tha lủi thủi vì chưa quen bạn, mấy anh chị gần nhà thương tình rủ đi biển chơi. Hồi đó, cầu Hải Thành phía bờ sông Nhật Lệ chưa bắc, đường Trương Pháp chưa có tên, vắng hoe hoắt.
 
Nghe kể: Những năm đầu 90 thế kỷ XX, UBND phường Hải Thành từng kêu gọi nhân dân ra phía bờ sông làm nhà ở như một chương trình di dãn dân mà không ai chịu ra. Lại mời cán bộ phóng viên Đài Truyền hình tỉnh mới tách ra từ Đài Truyền hình Huế ăn uống một bữa để... cho đất, ai muốn mấy cũng oke, nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Mỗi chị Kỳ Anh, phát thanh viên xinh đẹp của đài vì nể tình các anh mà nhận một đám cho có. Gọi là đi biển nhưng không có gì thù tạc vì biển tối đen, chỉ có sóng và cát. Cả bọn lót dép ngồi, nói tào lao giết thời gian với nhau một chốc thì lò mò đạp xe về.
Một góc phường Hải Thành (TP. Đồng Hới). Ảnh: MV
Một góc phường Hải Thành (TP. Đồng Hới). Ảnh: MV
Bây giờ thì rất khác. Những thửa đất hoang vu không ai muốn ở xưa, nay đã thành đất vàng, nhà cao tầng, khách sạn vội vã mọc lên. Đường Trương Pháp, đường Lê Thành Đồng, đường Linh Giang vắng vẻ xưa,nay đã tấp nập hàng quán. Hải Thành đã phố. Kể chuyện này không vì tiếc “hồi đó mà lấy đất thì giờ giàu to!”, mà để nói rằng 30 năm là quãng ngắn trong lịch sử gần 500 năm của Hải Thành nhưng chỉ với một nhịp chân của lịch sử, cái làng bên sóng này đã có những bước đi rất dài. Có điều khiến tôi mê mẫn đất này là dù phố đến mấy thì người Hải Thành vẫn mang chất của làng, hiền lành gần gũi, lại có cái phóng khoáng, cởi mở của sóng và gió. Người Hải Thành vẫn quen gọi quê mình là làng. Nghe vậy ấm áp hơn nhiều! 
 
Tinh mơ lang thang trong làng, rảo trên những con ngõ nhỏ gặp ai dẫu lạ, dẫu quen cũng có thể chuyện trò một chút. Chỉ đứng ngoài ngõ, với qua bờ rào vài câu hỏi thăm vu vơ, ví như “Chú không đi biển à chú?” , “O chợ về sớm rứa o?”. Chào hỏi mà không đợi lời đáp nhưng nhiều hôm gặp may, nhờ những tinh mơ ấy lại được cho cá, cho tôm mang về “Ờ, chú mới về, có cong cá lấy về mà ăng nì!”,  “Ăng tôm bộp rụng trôốc khôông, o cho ít cong nấu ceng nha!”.  Được lời như cởi tấm lòng, miệng mồm rối rít  “Dạ, dạ, có chơ, có chơ...”. Với tay qua hàng rào nhận lấy một túi hải sản tươi thiệt là tươi:  “Dạ, dạ, cháu cảm ơn!”, “È, có chi ơng huệ hè, phai ba coong cá, coong tôm chơ mấy. Lấy về mà ăng...”.
 
Xách cái túi hải sản ấy lang thang thêm vài con ngõ nữa rồi mới trở về nhà. Năng lượng được nạp đầy. Mến thương chi lạ! Tiếng nói người Hải Thành rất đặc trưng. Nghe bảo, thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhà Nguyễn muốn giữ chặt vùng đất phía Nam đèo Ngang nên phái một số quần thần từ trong Huế ra Quảng Bình trấn giữ. Những người lính gồng gánh vợ con họ mạc theo cùng. Từ chỗ đi theo nghĩa vụ, họ định cư luôn, sinh con đẻ cái, mở xóm mở làng, lập quê mới. Hải Thành ra đời từ đây. Vậy nên đến nay, tiếng người Hải Thành vẫn đậm chất Huế. Không biết có đúng không?! Nhưng chị hàng xóm nhà tôi nói rằng: “Hắn mặn mòi như mói (muối) rứa đó” thì tôi thấy rất đúng. Mặn mòi như mói!
 
Diện tích 3 cây số vuông, dân số hơn 6 ngàn, chừng hơn trăm tàu thuyền và cơ sở chế biến, dịch vụ hải sản tươi sống cùng hàng trăm hàng quán ẩm thực nhỏ và vừa...Những con số đó cho thấy Hải Thành không mạnh và giàu. Bù lại vùng đất bên bờ sóng này có đủ cả biển và rừng, hồ nước và dòng sông. Hải Thành nhỏ mà chất, không ồn ào mà bền chắc. Hải Thành chuyển mình rõ rệt từ khi thị xã Đồng Hới được công nhận là thành phố. Người làng biển bắt nhịp với xu thế thời cuộc và thay đổi tư duy rất nhanh. Từ chỗ chỉ quanh quẩn với con thuyền, mành lưới, bán hải sản tươi sống nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời tiết và thị trường, họ đã tự tin bước lên bờ, chủ động mở mang ngành nghề, thương mại...
 
Phụ nữ Hải Thành có biệt tài chế biến món ăn truyền thống, như: Bún, bánh, dưa kiệu, mắm, ruốc các loại. Du lịch phát triển thì dịch vụ mở rộng. Đây là dịp để phụ nữ Hải Thành trổ nghề. Chỉ những món dân dã, mộc mạc nhưng thứ gì họ làm ra cũng cực kỳ hút khách. Làm tại nhà, bán tại nhà mà ở ngõ ngách nào khách cũng tìm đến. Họ tạo ra thương hiệu của mình không phải qua kỹ nghệ PR, đánh bóng, lên gân mà bằng mùi thơm đặc trưng của mỗi món ăn lan tỏa ra trong mỗi sớm, mỗi chiều, bánh lọc mệ Xuân, bánh nậm chị Hoài, nước mắm mệ Hạ, ruốc quết chị Sa, mắm quầy o Hạnh...
 
Ở cơ quan tôi có một cô bé xinh đẹp cực kỳ nhạy cảm với các món ăn ở Hải Thành. Mùi thơm từ bếp các mẹ, các chị làng biển lôi cuốn cô ấy đến độ không cưỡng được: “Thiên đường ẩm thực là đây chứ đâu! Cứ ăn đi vì cuộc đời cho phép!”. Cười ha ha rất khoái và vô tư thưởng thức. Ban sáng, đi làm qua Lê Thành Đồng, qua Linh Giang bắt được mùi của món nào là y như rằng chiều đó cùng hai nhóc con làm luôn một chầu. Và hậu quả là cái dáng minhon mỗi lúc mỗi phì nhiêu thêm. Một ngày em giật mình: “Ôi chị ơi cái miệng làm tội cái thân rồi. Em không ăn nữa em chỉ ngửi thôi á!”.
 
Họa sỹ, nhà báo Ecetera Trường Nguyễn là Việt kiều Mỹ. Anh về nhà tôi ở Hải Thành nhiều lần, vẫn bảo rằng không có lần nào là lần cuối vì nơi đây có quá nhiều thứ để phục vụ cho tất cả giác quan của anh ấy, có quá nhiều thứ ẩn sâu thú vị mà anh ấy thích nghe, thích ngắm, thích ngửi (kể cả mùi mắm chưa chín bà con thường quậy lên khi trời nắng), thích ăn, thích đắm mình vào. Ecetera Trường Nguyễn đặc biệt thích món cá kho ớt xanh đậm cay ăn cùng bánh ướt và các loại bánh của Hải Thành. Bánh bèo cô Vân vừa nhấc ra từ nồi hấp nóng hổi và dẻo mịn. Bánh lọc, bánh nậm mệ Xuân có con tôm nho nhỏ, có miếng thịt mỡ trong trong. Chiều chiều thả bộ ra biển thì thôi rồi ngào ngạt, Ecetera Trường Nguyễn chẳng muốn về.  
 
Lại có nhà báo Dương Hùng Phong người Hà Nội gốc nghiện một món rất thường, là thịt luộc cuốn rau sống chấm nước mắm cốt của nhà bác Thu Kỉnh. “Thịt luộc, rau sống thì ở đâu chả có, hơn nhau là ở bát nước mắm ấy mà!”. Bát nước mắm để lại dư vị đậm đà cho anh ấy bởi vị mặn kết tinh từ biển, vị ngọt chắt chiu từ những con cá tươi và cái mùi rất đặc trưng của nó. Chuẩn bị vào Quảng Bình, là anh ấy gọi:  “Anh lại vào đấy, cô nhớ chuẩn bị cho anh nước mắm nhé. Phải đậm đặc vào, phải...bốc mùi vào!”. Ở Hải Thành, khách đến chơi nhà, tôi không bao giờ phải đau đầu vì ăn uống. Cứ quanh quanh mấy con ngõ là có chỗ để sà vào. Không mâm cao cỗ đầy mà ai cũng thích, mà ai cũng muốn trở lại.
 
Hải Thành, gì cũng mặn! Khung cảnh. Tính khí. Tình cảm. Tiếng nói. Ăn uống. Nước. Gió. Là họa sỹ, nhà báo Ecetera Trường Nguyễn nói vậy. Ừ nhỉ! Vì Hải Thành ở phía mặt trời lên.
 
 
Tùy bút Trương Thu Hiền

 

tin liên quan

"Tạc mùa xuân" qua nét vẽ

(QBĐT) - Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, các họa sỹ thuộc Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học-Nghệ thuật) tỉnh lại háo hức với đề tài mùa xuân, nổi bật là hoa xuân và tranh con giáp. Các tác phẩm được thể hiện trên nền chất liệu, kích thước, phong cách khác nhau, tạo không khí tươi vui trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Độc đáo bộ sưu tập 2022 "ông Hổ" mừng xuân Nhâm Dần

Những ngày này, tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang gấp rút để hoàn thành dự án đầy ý nghĩa chào đón năm mới Nhâm Dần. 2.022 con hổ bằng các vật liệu độc đáo như gỗ mít, đá ong đang dần được hình thành.

Bà ru cháu, mẹ ru con

(QBĐT) - Ạ ơi...
 
Ru em em théc cho muồi
 
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
 
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
 
Mua cau chợ Phổ, mua trầu chợ Dinh