Bà ru cháu, mẹ ru con

  • 08:03 | Thứ Sáu, 21/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ạ ơi...
 
Ru em em théc cho muồi
 
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
 
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
 
Mua cau chợ Phổ, mua trầu chợ Dinh
 
Chẳng biết từ bao giờ những câu ru như thế đã ngấm vào tôi như mưa nắng ngấm vào đất đai để thành làng quê da diết; đi đâu cũng nhớ, ở đâu cũng thương. Từ “théc” trong câu ru trên có nghĩa là “ngủ”, chắc ít người biết. Xa quê, những người như tôi đâu chỉ gánh mỗi tên làng tên xóm đi theo mà còn mang bọc bao kỷ niệm trong đó có lời ru của bà, của mẹ. Những lời ru đậm đà phương ngữ nơi mình sinh ra và lớn lên của một dải đất: Thóc gầy ngó mãi thành quen/Gió Lào thổi lắm thành “tem” bảo hành...(Thơ N.H.Q).
 
Tôi thực sự hạnh phúc khi tuổi thơ được trải qua những tháng ngày có bà ru cháu, mẹ ru con. Tôi tin, ở cuối dòng sông Linh Giang tuổi ấu thơ của mình đã được uống dòng sữa và dòng ru từ mẹ. Cái điệu ru con buồn buồn của miền đất hẹp nhất đất nước chứa đựng nhiều nỗi đời đã nhập sâu vào hồn vía tôi từ xa xôi ấy cho đến tận bây giờ: Ạ ơi.../Quảng Bình là đất Ô châu/Ai đi đến đó quảy bầu về không... Hỏi, còn có sự nghèo nào hơn thế nữa! Rớt nước mắt khi về quê nghe ai nhắc lại câu ca dao này dầu bây giờ xóm làng đã khang trang, không thể tìm được một mái nhà lợp tranh, lợp rạ.
 
Tôi nghĩ, với thế hệ chúng tôi những bài học đầu tiên về tình yêu quê hương, gia đình, đất nước, con người không phải từ nhà trường mà từ lời ru của bà, của mẹ. Khi mẹ ru, khi bà ru: Ạ ơi.../Ra đi ngó trước, ngó sau/ Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng. Khi bà ru, khi mẹ ru: Ạ ơi.../Đi mô để mạ lại nhà/Cơm canh ai nấu, chén trà ai bưng. Khi mẹ ru, khi bà ru: Ạ ơi.../Rồi mùa toóc rạ rơm khô/Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm. Khi bà ru, khi mẹ ru: Ạ ơi.../Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn... Nhiều câu ru thương cảm lắm của bà, của mẹ lẫn trong kẽo kẹt võng đay trưa, chiều hay đêm hôm khuya khoắt.

Tôn giáo đích thực luôn dạy cho con người sống lương thiện, tử tế. Lời ru của dân tộc mình có lẽ cũng không nằm ngoài mục đích đó. Ru con, ru cháu ngủ cũng là để ru mình. Ru cho những năm tháng đã qua; đó là những à ơi, ạ ơi, ầu ơ của ký ức. Ru cho hiện tại và tương lai với tình thương và khát vọng được cất lên từ các giai điệu đu đưa dỗ trẻ vào giấc ngủ. Thường là chung những câu lục bát hay lục bát biến thể mang phong vị ca dao nhưng mỗi miền có một cách ru con không hoàn toàn giống nhau. Dấu ấn thổ ngữ in đậm trong cách ru của từng vùng miền.

Chính giọng nói của từng vùng miền khác nhau nên cấu trúc giai điệu trong các khúc ru cũng khác nhau để phù hợp với thanh điệu, thẩm mỹ âm điệu. Trong cảm nhận của tôi thì ru miền Bắc bay bổng, bồng bềnh; ru miền Trung đằm đằm, đắng đót; ru miền Nam mang mang nỗi buồn xa xứ. Cụ thể hơn một chút ta thấy câu đưa hơi của hát ru Bắc bộ là À ơi và Trung bộ là Ạ ơi trong khi Nam bộ là Ầu ơ. Nhưng hát ru Việt vẫn có tính thống nhất rất cao. Đó là một phần bản sắc dân tộc này; mộc mạc mà sâu sắc, nhân hậu mà can trường, chấp nhận mà chung thủy, cứng rắn mà uyển chuyển... Hát ru Bắc-Trung-Nam đều có cấu trúc đồng dạng là mở-tiếp diễn- đóng trong đó phần tiếp diễn là chính (lời câu ru).
 
Đau đáu trong tôi nhiều câu ru nói về thân phận; ngậm ngùi xa xót đấy nhưng vẫn luôn hướng tới tốt đẹp. Những câu ru lưu giữ tâm hồn Việt chẳng bao giờ mất giữa cõi đời. Cái đẹp của con người Việt thấp thoáng và lấp lánh trong nhiều câu ru xưa cũ thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Còn có những luân lý làm người được ông cha ta gắm gửi trong lời ru đưa trẻ vào giấc ngủ. Không ai là không xao lòng khi trong đêm trăng vằng vặc nghe ai đó cất lên lời ru: À ơi.../Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Tình yêu ở thời đại nào tôi nghĩ cũng cần tới lòng thủy chung, thì đây: Ạ ơi.../Chồng ta áo rách ta thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người...
 
Lời ru cất lên trước hết là để dỗ đưa bé vào giấc ngủ ngoan nhưng cũng là tâm sự của người hát muốn chia sẻ với ai đấy quanh mình. Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Rưng rưng lòng ta bao lần được lắng nghe những câu ru như thế. Những câu ru đọng lại bao nhân tình thế thái, mong ước được bình yên, hạnh phúc và sau nữa là muốn cảm thông, san sẻ. Trong vốn dân ca Việt Nam tôi rất cảm tình với các khúc điệu ru con, bởi trước tiên nó gắn liền với những người mình yêu quý nhất trên đời này là mẹ và bà. Câu ru vừa là hiện thân của mẹ và bà cũng là nhịp cầu vô hình nhưng bền chặt nối ta với những con người đáng kính đó. Câu ru như một phần không thể thiếu được của tình mẫu tử, của kết nối huyết thống, của sự liền mạch xưa và nay nên có trong một đời người.
 
Giáo sư Trần Văn Khê có lần phát biểu: “Hát ru là bài học giáo dục âm nhạc đầu tiên người mẹ truyền cho đứa con. Cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể của con thì một làn điệu thi ca dân gian, một nét nhạc dân tộc được rót vào trong tiềm thức của bé”. Như vậy, tôi nghĩ hát ru góp phần vào việc hình thành nhân cách cho trẻ. Việc gìn giữ và làm cho các điệu hát ru con thâm nhập sâu rộng trong đời sống xã hội là cần thiết. Thử xem, bây giờ có mấy người mẹ và cả bà nữa biết ru con, ru cháu. Làn điệu ru con không chỉ được đem hát, thi thố trong các kỳ liên hoan mà nó phải thực sự có đời sống trong cộng đồng. Mẹ hát ru con, bà hát ru cháu, chị hát ru em. Sau câu đưa hơi À ơi, Ạ ơi, Ầu ơ... là cả một thế giới tâm hồn Việt nồng hậu, đằm thắm được truyền tải đến lớp người sau; những công dân tương lai của nước Việt Nam hiện đại kết nối, gắn chặt với nguồn cội trong dòng chảy thiêng liêng không bao giờ đứt gãy.
 
Muốn làm được điều đó, không chỉ nói dăm câu ba điều là xong mà theo tôi phải có chương trình bảo tồn, phát triển vốn di sản văn nghệ dân gian vô giá này. Nên chăng, hát ru phải được đưa vào chương trình học ở phổ thông một cách hệ thống. Cần khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ hát ru để thu hút các bạn thanh, thiếu niên tham gia. Duy trì các cuộc liên hoan, thi hát ru theo những qui mô khác nhau, từ cấp làng xã lên tới huyện tỉnh, thành phố rồi toàn quốc. Xét góc độ nhân văn nó còn có giá trị hơn các cuộc thi người đẹp, hoa hậu đang được quan tâm hơi thái quá hiện nay.
 
Chắc chắn đó là một loại hình hoạt động văn hóa cực kỳ lành mạnh, nếu biết cách tổ chức sẽ hấp dẫn nhiều người tham gia. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được xây dựng bởi những nội dung thiết thực như thế; chẳng phải là cái gì cao xa vời vợi cả. Bà ru cháu, mẹ ru con... sẽ là điều thân thuộc mỗi ngày trong từng xóm mạc, phố phường. Và, tiếng hát ru con không còn là nỗi hoài niệm như tôi đang cảm thấy bây giờ.
 
Nguyễn Hữu Quý
 

tin liên quan

Sắc xuân mới

(QBĐT) - Mùa xuân đến rồi muôn vàn hương sắc
 

Biển mùa xuân

(QBĐT) - Lạ lùng rồi hóa thân quen

Phấn đấu đạt nhiều thành tựu, góp phần thực hiện "mục tiêu kép"

(QBĐT) - Trong năm vừa qua, ngành Văn hóa-Thể thao (VH-TT) đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực công tác. Sự nỗ lực của ngành đã góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.