Đại tướng Võ Nguyên Giáp
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ngày ấy ở Vũng Chùa

  • 08:06 | Thứ Bảy, 15/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mới đó mà đã hơn tám năm trôi qua. Tám mùa xuân vắng những lời căn dặn ân tình, ấm áp của Đại tướng với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà. Nhưng hình ảnh “Vị tướng huyền thoại” vẫn luôn sáng tươi trong tâm trí người dân đất Việt. Và, Vũng Chùa- Đảo Yến luôn rộn rã bước chân du khách muôn phương về kính viếng Người…
 
Những ngày đầu tháng 10-2013, người dân Quảng Bình bận rộn hơn mọi khi. Bão số 10 năm đó “viếng thăm” hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thành phố Đồng Hới sau bão đã biến thành một “bãi chiến trường” của hệ thống dây, cột điện, cây xanh, bảng quảng cáo… bổ nghiêng ngả. Việc dọn dẹp vừa ngơi, điện vừa được cấp lại thì tiếp đó là tin buồn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Tối ngày 5-10-2013, khi có thông tin chính thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tôi cùng một số phóng viên được Ban Biên tập giao phải chuẩn bị bài cho các số báo những ngày tới mà gần nhất là số ra sáng thứ 2 ngày 7-10. Đây là công việc không đơn giản, không chỉ vì thời gian quá eo hẹp mà còn viết về Đại tướng là điều không dễ chút nào…
 
Lúc này nói không ngoa, chuẩn bị bài cho các số báo, thời gian tính bằng giờ, phóng viên viết bài không kịp…thở…Số báo ra ngày 7-10 tôi được giao phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy lúc đó là anh Nguyễn Đình Hiệu. Thời gian gấp rút, nên tôi chỉ trao đổi qua điện thoại một số ý chính. Qua điện thoại, ngoài nội dung, anh Hiệu nói thêm: “Có một chút băn khoăn là không an táng Đại tướng ở Lệ Thủy”. Thì ở đâu? Tôi hỏi gắt, nghe đâu ở phía Bắc, anh Hiệu chỉ nói đến đó. Có lẽ lúc này điều gì chưa chắc chắn (chưa được công bố rộng rãi) thì không ai dám nói, với Bí thư Lệ Thủy cũng vậy nên tôi không hỏi thêm. Đặt máy xuống, tôi liền nghĩ đến một dự án của anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng, thực hiện ở Quảng Trạch. Dự án này tôi cũng không biết cụ thể mà nghe đâu ở Quảng Đông (Quảng Trạch).
Bà con xã Lộc Thủy đón Đại tướng về thăm quê 11-2004.
Bà con xã Lộc Thủy đón Đại tướng về thăm quê tháng 11-2004.

Sau khi chuẩn bị “hòm hòm” các bài viết, tôi liền rủ vài anh em đi ra Quảng Đông. Chuyến đi với nhiều toan tính. Thứ nhất là xem cụ thể nơi Đại tướng (có khả năng) yên nghỉ, thứ nữa là nếu Đại tướng yên nghỉ ở đây thì sẽ bố trí phóng viên tiếp cận thế nào cho hợp lý, kể cả chặng đường đi từ sân bay Đồng Hới ra (nếu đưa linh xa Đại tướng về bằng máy bay) để ghi lại những hình ảnh cuối cùng trong chuyến đi về cõi vĩnh hằng của Đại tướng.

Trước mắt chúng tôi một vùng biển Quảng Đông sáng trong như chưa hề phải chịu đựng một cơn bão dữ. Nước biển trong veo, sóng nhẹ xoa bờ chạy dài tít tắp theo bãi cát. Phía xa là đảo Yến biếc xanh, thấp thoáng những con thuyền dập dềnh trên mặt biển phẳng lặng…Dừng lại bên mấy ngư dân đang tu sửa ngư cụ sau những ngày chống chọi với bão, chúng tôi rụt rè hỏi: Mấy chú biết dự án của con bác Giáp ở mô không? Thật bất ngờ, một người nói to: Chùa Bác Giáp đó tề.Theo hướng chỉ của ngư dân nọ, một chấm đỏ giữa màu xanh của vạt rừng ở lưng chừng núi. Lúc này chúng tôi mới thật sự bất ngờ, nó rõ mồn một mà mãi không ai nhìn thấy dù đã có ý tìm kiếm dấu vết của cái cần tìm…
 
Và khi đã đứng bên ngôi chùa nhỏ giữa lưng chừng núi nhìn ra biển biếc, tất cả chúng tôi mới cảm nhận được sự kỳ vĩ của một vùng trời đất. Đó là sự tĩnh lặng mà hùng vỹ của núi non; sự sống động của tàu thuyền đang dọc ngang trên biển và những cánh chim chấp chới giữa tầng không; là sự gần gũi của cỏ cây hoa lá và bao la đến bất tận của biển, của mây trời …
 
Dù lúc này chưa có thông báo chính thức về nơi an nghỉ của Đại tướng, nhưng tôi nghĩ, chắn chắn là ở đây rồi. Chợt nhớ lại, những lần Đại tướng vào Quảng Bình, có những buổi chúng tôi (phóng viên chuyên đi đưa tin về Đại tướng) được thông báo, sáng nay Đại tướng đi có việc riêng, phóng viên không phải đưa tin. Có lẽ những lần đó Đại tướng đã đến đây? Và những việc “đại sự” cuối cùng cũng đã được Người chu toàn trước khi về với tổ tiên?
 
Với thời gian rất ngắn nhưng chúng tôi cũng kịp thu lại trong ống kính những gì đã chứng kiến. Vấn đề là sử dụng những hình ảnh này như thế nào để đến với độc giả nhanh nhất? Tôi nghĩ chỉ có cách đưa vào mục “Quê hương, đất nước, con người” trên báo Quảng Bình điện tử và không có lời bình nào khác. Tất nhiên không phải ai cũng hiểu được dụng ý của những bức ảnh này…
 
Mới đó mà hơn tám năm trôi qua. Tám mùa xuân vắng những lời căn dặn chân tình, ấm áp của Đại tướng với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà. Nhưng hình ảnh “Vị tướng huyền thoại” vẫn sáng mãi trong tâm trí của người dân đất Việt. Và, Vũng Chùa- Đảo Yến luôn rộn rã bước chân du khách muôn phương đến kính viếng Người...
 
                                                                                Văn Hoàng
 
 
 
 
 

tin liên quan

Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2021), 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tối 21-12, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại...
 

Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Sáng nay, 22-12, tại TP. Đồng Hới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2021).