Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023
(QBĐT) - Chiều ngày 19/12, Bộ Tư pháp tiến hành hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu hội trường Bộ Tư pháp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham dự.
Năm 2022, toàn ngành Tư pháp bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực toàn ngành đã hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Nhiều lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); kết quả thi hành án dân sự (THADS); cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lĩnh vực bổ trợ tư pháp...
Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản, 251 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết HĐND và 4.675 dự thảo VBQPPL; các phòng Tư pháp thẩm định 2.836 dự thảo VBQPPL.
Trong năm, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện 3 đề án về PBGDPL trên phạm vi cả nước gồm: “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027”, “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” và “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Cả nước tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền, PBGDPL; phát miễn phí hơn 62 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. Toàn quốc hiện tại có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hệ thống THADS cả nước thi hành 538.630 vụ việc; thi hành xong 6.215 vụ việc đối với những khoản nợ của các tổ chức tín dụng với số tiền trên 22.504 tỷ đồng. THA xong 1.895 vụ việc đối với các khoản bị thất thoát, chiếm dụng trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng, số tiền hơn 15.989 tỷ đồng...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo công tác năm 2022, đề xuất giải pháp về công tác tư pháp năm 2023. Sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu, hội nghị nhất trí về những định hướng công tác tư pháp năm 2023 với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp chủ yếu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành Tư pháp đồng thời nêu rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ định hướng một số phương hướng, nhiệm vụ cho ngành Tư pháp thời gian tới: Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tiếp tục hoàn thiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023. Chú trọng kiểm tra, thanh tra trong ngành; chủ động tham mưu cho Chính phủ công tác hội nhập quốc tế.
Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đẩy mạnh công tác truyền thông, thi đua khen thưởng toàn ngành tư pháp, kịp thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước.
T.Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.