icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Kỳ vọng Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong hoạt động thanh tra

  • 17:44 | Thứ Ba, 25/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hôm nay, 25/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn tiếp tục tham gia thảo luận về các dự thảo, dự án luật.

Buổi sáng, sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Nhất trí với bố cục của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng kỳ vọng Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tạo bước ngoặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.

Đại biểu thống nhất với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tán thành với quy định trong dự thảo Luật về phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập Thanh tra sở.

Theo đại biểu, nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức Thanh tra Sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc nhằm tránh sự tuỳ nghi, cùng một chức năng nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước, nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về quy định trách nhiệm của Thanh tra tỉnh nhằm tránh sự bỏ sót và xung đột trong quản lý, thẩm quyền của Thanh tra tỉnh và các sở không thành lập cơ quan thanh tra. 

Nội dung ý kiến cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung cụ thể tại Điều 34, Điều 50; nghiên cứu, phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo Luật để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, đồng thời quy định rõ về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ngày mai, 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật.

Ngọc Mai

tin liên quan

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về các dự thảo nghị quyết, dự án luật

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, hôm nay, 24/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia các phiên thảo luận.

Lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả

(QBĐT) - Đó là ý kiến của đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Quảng Bình vào ngày 22/10.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận

(QBĐT) - Hôm nay, 22/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiến hành các phiên thảo luận tại tổ và hội trường.