icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng phó với hình thế thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ

  • 08:43 | Thứ Bảy, 16/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 15-10-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 18/CĐ-UBND về việc ứng phó với hình thế thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ.
Công trình thủy lợi Rào Nan (xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn), bảo đảm ứng phó với mưa lũ. Ảnh: Anh Tuấn.
Công trình thủy lợi Rào Nan (xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn), bảo đảm ứng phó với mưa lũ. Ảnh: Anh Tuấn.
 
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường đang di chuyển xuống phía Nam và phía Bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung bộ được thiết lập trở lại, kết hợp với trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh, dự báo từ ngày 16 đến ngày 18-10-2021, tại tỉnh Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 250-450mm, có nơi trên 550mm. Hình thế thời tiết này tương tự hình thế thời tiết đã từng gây các đợt lũ lớn năm 2010, 2016, 2020, do đó, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi và ngập úng vùng trũng thấp là rất cao.
 
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
 
1. Thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Số 1323/CĐ-TTg, ngày 10-10-2021; số 1337/CĐ-TTg, ngày 12-10-2021; các Công điện của UBND tỉnh: Số 13/CĐ-UBND, ngày 5-9-2021; số 15/CĐ-UBND, ngày 12-10-2021; số 16/CĐ-UBND, ngày 13-10-2021; số 17/CĐ-UBND, ngày 13-10-2021. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
 
2. Chỉ đạo UBND cấp xã, người dân tiếp tục chủ động dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm, nhất là các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập lụt, đề phòng mưa lũ kéo dài.
 
3. Thông báo cho người dân, các cơ quan, công sở, trường học, trạm y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh... ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
 
4. Các địa phương chuẩn bị triển khai học trực tiếp, căn cứ tình hình mưa lũ chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
 
5. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sỹ, nhân viên, người lao động và tài sản đến nơi an toàn; nắm chắc thông tin người đi rừng, thông báo người dân ra khỏi rừng hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
 
6. Chỉ đạo, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn khi mưa lũ xảy ra, nhất là vùng cửa sông, cửa biển.
 
7. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, bảo đảm an ninh trật tự, hệ thống giao thông, hệ thống thông tin, hệ thống điện, nước sinh hoạt vận hành thông suốt; kiểm tra lại phương án huy động, điều phối lực lượng, phương tiện, nhiên liệu (bao gồm cả tàu, thuyền nhỏ để di chuyển trong khu dân cư, tàu thuyền ứng cứu từ các địa phương khác khi nước lũ lên cao) tham gia cứu hộ, cứu nạn; chủ động triển khai phương tiện, lực lượng về các vùng xung yếu sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Giao lực lượng Quân sự thống nhất tham mưu UBND các cấp trong điều phối, chỉ đạo các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai (nòng cốt là dân quân, công an xã, xung kích phòng chống thiên tai).
 
8. Chỉ đạo các chủ hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện vận hành bảo đảm an toàn vùng hạ du, an toàn hồ đập, ưu tiên trên hết là an toàn tính mạng người dân; triển khai lực lượng ứng trực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập chứa nước, nhất là các tuyến đê, kè, hồ chứa nước đang thi công, xung yếu, hồ chứa nhỏ đã đầy nước.
 
9. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, đặc biệt là khu vực ngập sâu, chảy xiết, chủ động tạm dừng các hoạt động cầu phao, đò ngang… khi có mưa lũ lớn. Tuyệt đối không để người dân đánh bắt hải sản, vớt củi trên sông suối khi mưa lũ.
 
10. Sẵn sàng các địa điểm, bảo đảm cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú, đồng thời bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông.
 
11. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của hình thế thời tiết, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác thông tin kịp thời diễn biến của thiên tại để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
 
12. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình thường xuyên cập nhật công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và diễn biến mưa lũ để các tổ chức, cá nhân, người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
 
(Lưu ý: Khi triển khai thực hiện cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định).
 
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện.
 

tin liên quan

Quảng Bình chỉ ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới

(QBĐT) - Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 15-10 đến 6 giờ ngày 16-10), Quảng Bình chỉ ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới, đều trở về từ vùng dịch và đã được cách ly theo quy định.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp công dân tháng 10-2021

(QBĐT) - Ngày 15-10, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. 

Nghị quyết họp Chính phủ: Xây dựng lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em

Khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn; hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội... là một số nội dung của Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng Chín.