Quản lý chặt rác thải F0 điều trị tại nhà: Bảo đảm an toàn phòng dịch

  • 08:01 | Thứ Tư, 06/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương trên toàn tỉnh, phần lớn số ca nhiễm bệnh  thường không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, theo dõi tại nhà. Để tăng cường quản lý rác thải từ các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà, thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đã nỗ lực cùng các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường giám sát, hướng dẫn xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm kịp thời và an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. 
Cán bộ y tế hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà (huyện Quảng Trạch).
Cán bộ y tế hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà ở huyện Quảng Trạch.
 
Giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh 
 
Sau Tết Nguyên đán, TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch là 2 địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất trong toàn tỉnh nhưng phần lớn bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Cùng với công tác hướng dẫn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường hướng dẫn các gia đình có F0 thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải để thu gom và xử ý đúng quy định, tránh làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
 
Bác sỹ Hoàng Thị Mỹ Lệ, Trưởng trạm Y tế xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết, là địa bàn có tổng số ca mắc Covid-19 tương đối cao (trên 1.200 ca), việc quản lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà khá vất vả. Thời gian qua, cán bộ của trạm phối hợp với Tổ Covid cộng đồng hướng dẫn các gia đình có F0 phân loại rác thải thông thường bỏ vào nilon màu xanh, còn rác thải từ phòng các ly F0 được bỏ vào túi nilon màu vàng cột kín và phun khử khuẩn khi đưa ra khỏi phòng. Cứ 3 ngày, cán bộ y tế và Tổ Covid cộng đồng trực tiếp đi đến các gia đình có F0 thu gom rác, chở về trạm bảo quản trong thùng rác chứa chất nguy hại để Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới đến chở đi xử lý.  
Cán bộ Trạm y tế Hoàn Lão (Bố Trạch) thường xuyên phải làm việc “4 tại chỗ” khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn gia tăng.
Cán bộ Trạm y tế Hoàn Lão (Bố Trạch) thường xuyên phải làm việc “4 tại chỗ” khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn gia tăng.
Còn Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hoàn Lão, bác sỹ Nguyễn Văn Thêm chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn gia tăng liên tục, trung bình 50-60 ca/ngày, có ngày cao điểm trên 100 ca. Cán bộ của trạm có 6 người quản lý 13 nghìn dân, thường xuyên phải làm việc “4 tại chỗ”. Nhân lực có hạn, nên trạm đã linh động soạn sẵn một  văn bản hướng dẫn dùng thuốc cũng như việc xử lý rác thải rất cụ thể và đưa cho người dân thực hiện tại nhà. 
 
“Do điều kiện chưa thể thu gom rác thải từ F0 để xử lý tập trung, nên trạm đã hướng dẫn người dân phân loại rác thải từ các trường hợp F0 thành 2 loại: Rác khô và rác ướt (rác khô được phun khử khuẩn và đốt; còn rác ướt bao gồm các loại thức ăn thừa được đào hố rắc vôi khử khuẩn và chôn lấp trong vườn nhà) nhằm bảo đảm không để rác thải có nguy cơ lây nhiễm phát tán ra môi trường xung quanh”, bác sỹ Thêm cho biết thêm.  
 Đoàn cán bộ của CDC Quảng Bình kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà cách phân loại và xử lý rác thải đúng quy định của Bộ Y tế.
Đoàn cán bộ của CDC Quảng Bình kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho F0 điều trị tại nhà cách phân loại và xử lý rác thải đúng quy định của Bộ Y tế.
 
Cần sự chung tay của mỗi người dân
 
Theo chân cán bộ Trạm Y tế xã Bảo Ninh và thị trấn Hoàn Lão đến trực tiếp hướng dẫn cho các gia đình có F0 đang điều trị tại nhà, chúng tôi nhận thấy các hộ dân thực hiện khá nghiêm túc việc bảo quản, xử lý rác thải của F0. Ông Nguyễn Văn Thông, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh cho biết: “Khi phát hiện trong gia đình có 2 người mắc Covid-19, tôi đã gọi điện báo ngay cho trạm y tế xã và được cán bộ hướng dẫn cụ thể trong thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà, đặc biệt là việc xử lý rác thải từ phòng cách ly F0 để không làm lây lan dịch bệnh cho các gia đình xung quanh. Là F1 trực tiếp chăm sóc, phục vụ 2 F0, tôi đã phân loại rác của F0 để trong túi nilon màu vàng buộc kín và phun khử khuẩn để cán bộ y tế tới thu gom, còn rác sinh hoạt thông thường của gia đình bỏ vào túi màu xanh, để đúng nơi quy định cho công nhân thu gom rác”.
 
Bà Nguyễn Thị Lan, ở tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão cũng chia sẻ: “Khi phát hiện mình là F0, tôi đã tự cách ly riêng. Do có vườn rộng, nên tôi đã xử lý rác thải từ sinh hoạt bằng cách đốt, còn rác ướt không đốt được tôi phun khử khuẩn và chôn lấp vào góc vườn. Tôi xác định, mình xử lý tốt rác thải trước hết là bảo vệ an toàn cho gia đình và sau nữa là không làm lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng”.  
Việc quản lý, thu gom rác thải nơi có người đang cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân.
Việc quản lý, thu gom rác thải nơi có người đang cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân.
Bác sỹ Đỗ Minh Huệ, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới cho biết, là đơn vị phụ trách công tác thu gom và xử lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà, 2 lần/tuần, xe của bệnh viện đến tất cả các trạm y tế trên địa bàn thành phố thu gom về lưu giữ tại khu bảo quản rác thải nguy hại của bệnh viện và sau đó bàn giao cho đơn vị có năng lực xử lý rác thải nguy hại là Công ty Phú Hà (Hà Tĩnh) chở đi xử lý theo quy định.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng rác thải của F0 điều trị tại nhà vẫn chưa thu gom được triệt để, kịp thời khi số cán bộ tại các trạm y tế có hạn và phải làm cùng lúc nhiều việc. Nên việc quản lý, thu gom rác thải ở các khu dân cư, nơi có người đang cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà vẫn chủ yếu trông chờ vào ý thức của người dân.
 
Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm từ rác thải, cùng với việc hướng dẫn và kiểm tra công tác phân loại rác tại nơi cư trú của F0, F1 thì các trạm y tế cần trang bị túi đựng rác màu vàng để cấp phát cho người dân khi phát hiện ca F0 tại địa phương. Gia đình F0 cũng cần tự giác thu gom và đưa rác thải về thùng chứa rác nguy hại tại trạm y tế nhằm tránh quá tải cho cán bộ y tế cơ sở và rác thải được xử lý kịp thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. 
Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới phụ trách công tác thu gom, lưu giữ rác thải từ F0 và sau đó bàn giao cho Công ty Phú Hà chở đi xử lý theo quy định.
Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới phụ trách công tác thu gom, lưu giữ rác thải từ F0 và sau đó bàn giao cho Công ty Phú Hà chở đi xử lý theo quy định.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết, thời gian qua, số người mắc Covid-19 được theo dõi, điều trị tại nhà của tỉnh ta khá nhiều, việc quản lý, thu gom rác thải được hướng dẫn thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Y tế. Hiện tại, số ca mắc mới của Quảng Bình đã giảm sâu, tuy nhiên mỗi ngày, vẫn còn ghi nhận trên dưới 1.000 ca F0, đa phần đều được điều trị tại nhà. Theo hướng dẫn của CDC, gia đình có F0 điều trị tại nhà phải trang bị thùng rác riêng cho người bệnh. Việc thu gom, xử lý rác thải của F0 tại các gia đình được thực hiện hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy. 
 
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ F0 điều trị tại nhà trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố cho thấy: Khi lượng F0 tăng cao, việc thu gom và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm theo đúng quy định chưa nhiều mà phần lớn người dân được hướng dẫn xử lý tại chỗ bằng cách đốt sau khi phun khử khuẩn hoặc chôn lấp tại vườn nhà. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân. 
Tại các cơ sở thu dung điều trị F0 rác thải được phân loại và bảo quản trong các thùng chứ rác nguy hại màu vàng trước khi đưa đi xử lý theo quy định.
Tại các cơ sở thu dung điều trị F0 rác thải được phân loại và bảo quản trong các thùng chứa rác nguy hại màu vàng trước khi đưa đi xử lý theo quy định.
Để tiếp tục quản lý triệt để chất thải từ F0 điều trị tại nhà, CDC đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có chức năng như bệnh viện đa khoa, phòng tài nguyên-môi trường, Ban chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn để có phương án thu gom xử lý chất thải đúng quy định.
 
Đồng thời, bổ sung kịp thời các trang thiết bị phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm ngay sau khi phát hiện hộ gia đình có trường hợp mắc Covid-19. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức, tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải F0 điều trị tại nhà cho các hộ gia đình. Song song với đó, sự giám sát của chính quyền cơ sở, Tổ Covid cộng đồng nhằm giữ môi trường an toàn, phòng chống dịch hiệu quả là rất quan trọng.
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp: Với chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi màu vàng hoặc thùng có lót túi. Bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", buộc kín miệng túi trước khi bàn giao. Số rác thải này nếu không được quản lý chặt chẽ, kịp thời dễ bị lẫn lộn vào rác sinh hoạt thông thường gây tiềm ẩn rủi ro cho môi trường cộng đồng mà trực tiếp là sức khỏe của công nhân thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
 
Nội Hà

tin liên quan

Quy trình cấp hộ chiếu vaccine thế nào?

Theo Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước và người dân không cần phải làm gì khi đã khai báo đúng, đủ thông tin khi tiêm chủng.

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thực sự đáng quan ngại?

WHO cho biết phiên bản tái tổ hợp giữa 2 biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron, lần đầu tiên được ghi nhận tại Anh, có tên gọi XE, có thể là biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay.

Khám phát hiện chủ động bệnh lao cho công nhân và người lao động

(QBĐT) - Sáng nay, 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình đã triển khai khám phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho công nhân, người lao động tại Công ty cổ phần Việt Trung Quảng Bình.