Sắc xuân Tuyên Hóa

  • 08:19 | Thứ Năm, 15/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một mùa xuân mới lại về, trên khắp các nẻo đường, làng quê của huyện miền núi Tuyên Hóa đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Năm nay người dân Tuyên Hóa đón năm mới đầy vững tin khi huyện nhà tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.
 
Mùa xuân về mang theo từng tia nắng ấm áp, xua tan giá lạnh của mùa đông và thổi bừng sức sống trên khắp mọi nẻo đường. Xuân Giáp Thìn năm 2024 này, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa thêm khởi sắc vì nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) đạt và vượt kế hoạch đề ra.
 
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, giá cả các mặt hàng thiết yếu không ổn định; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Tuyên Hóa đã xuất sắc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/20 chỉ tiêu về KT-XH và công tác xây dựng Đảng.
 
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 11,77%. Tổng sản lượng lương thực trên 23 nghìn tấn. Thu ngân sách trên địa bàn 138,4 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch. Toàn huyện có 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Châu Hóa). Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,3 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đường sá giao thông đi lại dễ dàng hơn trước, nhiều công trình mới mọc lên đón chào xuân mới.
Một góc thị trấn Đồng Lê.
Một góc thị trấn Đồng Lê.
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết: Để đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023, ngay từ đầu năm UBND huyện đã tập trung chỉ đạo và giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
 
Huyện Tuyên Hóa cũng đã huy động và bố trí hợp lý các nguồn lực để đầu tư phát triển; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt huyện miền núi từng bước khởi sắc. Năm 2024, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trước mắt, làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và đồng bào dân tộc, bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, đầm ấm.
 
Ai đến huyện Tuyên Hóa vào những ngày này đều cảm nhận được không khí ấm áp của mùa xuân, mang theo hương vị ngọt ngào của hoa tươi đua nở. Thị trấn Đồng Lê những ngày đầu năm như vừa khoác lên mình chiếc áo mới. Công viên trung tâm và những tuyến đường trên địa bàn vừa được nâng cấp, chỉnh trang rộng hơn, đẹp hơn.
 
Các loại hình dịch vụ, thương mại, sản xuất hàng hóa ngày càng gia tăng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Chợ Đồng Lê tấp nập kẻ bán người mua, làm cho không khí Tết càng thêm nhộn nhịp.Và trong những ngày đầu năm mới, sự phấn khởi, lạc quan đã hiện rõ trên từng khuôn mặt.
 
Ông Nguyễn Đức Khánh, tiểu khu 2, thị trấn Đồng Lê phấn khởi chia sẻ: “Thị trấn bây giờ đường đã có tên, nhà đã có số, nếp sống văn minh đô thị đang được hình thành. Chúng tôi trang trí thêm cờ hoa để đón chào năm mới được vui tươi, khí thế hơn”.
 
Cùng chung niềm vui, bà Trần Thị Hồng, hộ kinh doanh ở thị trấn Đồng Lê tươi cười nói: “Năm nay gia đình tôi đón Tết vui hơn vì vừa xây dựng được căn nhà mới, việc buôn bán cũng thuận lợi, sức mua của người dân đã tăng so với các năm trước”.
 
Không chỉ ở trung tâm huyện lỵ, không khí đón chào năm mới Giáp Thìn đã hiện hữu trên khắp mọi miền quê. Năm nay Tuyên Hóa càng vui hơn khi vừa xây dựng thành công 5 khu dân cư NTM kiểu mẫu, nâng tổng số khu dân cư NTM kiểu mẫu trên toàn huyện lên 10 khu. 93,8% thôn, bản, tiểu khu được công nhận khu dân cư văn hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, nhà cửa khang trang, giao thông thuận lợi.
. Đường quê tràn ngập sắc xuân ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa.
. Đường quê tràn ngập sắc xuân ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa.
Các chương trình, đề án phát triển KT-XH cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất của huyện đã tạo động lực để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình cây, con mới được áp dụng trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản năm 2023 đạt 623,8 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP, xây dựng được thương hiệu và sản xuất theo chuỗi giá trị, như: Gà đồi Tuyên Hóa, mật ong Tuyên Hóa, gạo sạch Mai Hóa, cao cà gai leo Thủy Mai và cam, bưởi Kim Lũ… Sản xuất được mùa, giá cả ổn định, nhà nhà càng vui hơn khi mùa xuân chạm ngõ.
 
Năm nay xã Mai Hóa có 3 khu dân cư vừa được thẩm định đạt tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, trước đó xã cũng đã có 2 khu dân cư đạt được tiêu chí này vào năm 2022. Bà con nhân dân phấn khởi tích cực chăn nuôi, trồng hoa vụ Tết. Để đón xuân, các khu dân cư đều phát động phong trào nhà sạch, vườn đẹp, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang với đủ loại hoa đua nhau khoe sắc. Một vùng nông thôn bừng sáng bởi những gam màu tươi mới.
 
Ông Trần Đức Tiến (67 tuổi), thôn Bắc Hóa cho biết: Toàn thôn có 308 hộ, 1.039 khẩu, 100% nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng/năm, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, chiếm 1,26% tổng số hộ. “Bà con nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng tôi sẽ quyết tâm cùng với xã nhà xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024”, ông Tiến phấn khởi nói thêm.
 
Ngược lên các xã vùng cao của huyện, nơi được cho là thủ phủ của những vườn cây ăn quả, nuôi ong lấy mật và trồng rừng kinh tế, sắc xuân như đến sớm hơn, ngọt ngào hơn khi năm nay cam, bưởi đều được mùa, sản lượng mật ong và gỗ rừng trồng đều tăng, từng nét mặt người rạng rỡ cười tươi thấp thoáng trong những ngôi nhà mới xây kiên cố. Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thanh Hóa, Lâm Hóa đón Tết với một tâm thế mới, tự tin hơn, no đủ hơn khi các chương trình, dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được triển khai. Đời sống của bà con từng bước được cải thiện, nhiều hộ đã chủ động thoát nghèo.
 
Một mùa xuân mới đang về, bà con nhân dân huyện Tuyên Hóa đón Tết Giáp Thìn năm 2024 với bao niềm hân hoan, phấn khởi và kỳ vọng sự phát triển của quê hương
 
Văn Trần

tin liên quan

Khách quốc tế đến tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tăng mạnh

(QBĐT) - Ngày 14/2, thông tin từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng khách đến tham quan tại VQG PN-KB hơn 11.000 lượt khách.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu: Làm du lịch không nên rập khuôn, chạy đua theo số đông

(QBĐT) - Du lịch Quảng Bình phải giữ được bản sắc, phải theo lối đi riêng, không rập khuôn, không phát triển du lịch bằng mọi giá. Đó là những gửi gắm của ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khi nhắc đến du lịch Quảng Bình.

Tiếng gọi của... biển

(QBĐT) -  Được mệnh danh là "Vương quốc hang động", nhưng Quảng Bình không chỉ có vậy. Với chiều dài đường bờ biển hơn 116km, nguồn tài nguyên ở phía biển Quảng Bình rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Đây là những tiềm năng có thể tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần điểm tô cho bức tranh du lịch thêm những sắc màu mới khác biệt, hấp dẫn trong lòng du khách.