Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu: Làm du lịch không nên rập khuôn, chạy đua theo số đông

  • 07:43 | Thứ Tư, 14/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Du lịch Quảng Bình phải giữ được bản sắc, phải theo lối đi riêng, không rập khuôn, không phát triển du lịch bằng mọi giá. Đó là những gửi gắm của ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khi nhắc đến du lịch Quảng Bình. Là người luôn dõi theo và dành sự quan tâm đặc biệt với ngành Du lịch địa phương, ông Hà Văn Siêu vẫn luôn trăn trở phải làm sao để du lịch Quảng Bình phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có?
 
* Ông từng chia sẻ rằng ông đặc biệt yêu mến Quảng Bình. Vậy du lịch hay điều gì ở nơi đây khiến ông ấn tượng nhất?
 
- Điều đầu tiên không phải là về du lịch mà chính là con người Quảng Bình. Người dân Quảng Bình luôn hết mình và chân thành, hiếu khách. Tôi đã từng ví von rằng, nước sông Son trong như chính sự thuần khiết của tấm lòng người Quảng Bình. Trong sự khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết, người Quảng Bình đã vượt lên những khó khăn để giữ được sự thuần khiết đáng quý ấy.
.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu.
Cũng như con người Quảng Bình, cách làm du lịch của Quảng Bình rất chân phương, tôn trọng bản chất thực chứ không chạy đua theo những thứ bề nổi, mà làm đến đâu, tốt đến đấy. Tất nhiên, giai đoạn đầu cũng có một số hạn chế nhưng đã và đang dần cải thiện được những hạn chế đó.
 
*Như ông vừa nói, thiên tai, thời tiết của Quảng Bình rất khắc nghiệt, điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến định hướng khai thác lợi thế về thiên nhiên để xây dựng sản phẩm trải nghiệm, mạo hiểm. Theo ông, Quảng Bình cần làm gì để biến bất lợi đó thành lợi thế phát triển du lịch?
 
- Trước hết, cần tìm cách khắc phục những khó khăn bằng giải pháp về quản lý, công nghệ và phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong cách làm du lịch. Đối với những sản phẩm khai thác yếu tố thiên nhiên, chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh là phải tôn trọng thiên nhiên, không đi ngược lại với quy luật thiên nhiên. Mục tiêu cuối cùng là phải phát triển một cách bền vững.
 
Muốn vậy, phải duy trì thị trường bền vững, không nên chạy đua theo số đông mà phải tôn trọng những cái mình có. Ví dụ như, cũng là du lịch mạo hiểm nhưng phải có sự đầu tư công phu về quy trình tham quan, thiết bị, con người… để khách đạt được những giá trị tối đa về trải nghiệm. Nếu làm du lịch mà chỉ chăm chăm vào lợi nhuận thì không nên.
 
* Ông đánh giá thế nào về hoạt động quảng bá, xúc tiến của ngành Du lịch Quảng Bình thực hiện trong thời gian qua? Theo ông, Quảng Bình cần làm gì để hoạt động quảng bá, xúc tiến mang lại hiệu quả thiết thực hơn?
 
- Thời gian qua, Quảng Bình đã có nhiều cách xúc tiến, quảng bá rất đặc biệt, riêng có khi thông qua các đoàn làm phim, các hãng thông tấn. Tôi cho đó là cách làm du lịch thông minh, hiệu quả. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không chỉ riêng Quảng Bình mà công tác quảng bá của nhiều địa phương vẫn chỉ mới làm được 1 việc, chứ chưa đến việc thứ 2 là biến những thông tin quảng bá đó trở thành thông tin có thể kết nối với hoạt động du lịch. Tức là mình chỉ mới giới thiệu mình đẹp, mình hay nhưng đối với các hoạt động, chương trình du lịch thì lại rất hạn chế. Cho nên, công tác quảng bá, xúc tiến cần có tính liên hệ, ứng dụng, gắn quảng bá với điểm đến, sự kiện. Câu chuyện này phải được doanh nghiệp triển khai ở góc độ là đầu tư vào quảng bá bao nhiêu thì phải đầu tư vào sản phẩm bấy nhiêu. Quảng bá và sản phẩm phải song hành, có liên hệ với nhau.
Du khách nước ngoài trải nghiệm làng Tân Hóa-Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Oxalis Adventure.
Du khách nước ngoài trải nghiệm làng Tân Hóa-Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Oxalis Adventure.
Cái hay của Quảng Bình là thông qua các đoàn làm phim nhưng đó chỉ mới dừng lại là tận dụng những bối cảnh phim mà mình phải chủ động quảng bá bằng cách hỗ trợ đoàn làm phim, lồng ghép những thông điệp vào đó. Để làm sao đoàn làm phim coi Quảng Bình là địa chỉ nên đến, phải đến.
 
*Ngành Du lịch thường lấy số lượng khách làm mục tiêu tăng trưởng nhưng có lẽ chúng ta cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng du lịch theo hướng thiết thực hơn đó là phải tăng cả về chất lượng, tổng thu từ du lịch?
 
- Đúng vậy. Chúng ta rất mong đợi số khách tăng lên, tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả không chỉ là về số lượng khách mà phải đánh giá một cách tổng thể, từ tính bền vững của điểm đến, hiệu quả của tổng thu du lịch, sự hài lòng của khách.
 
*Tăng nguồn thu du lịch thì ai cũng muốn nhưng không thể bắt khách ở lại?
 
-  Tất nhiên, muốn khách ở lại thì phải tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú. Từ hoạt động trải nghiệm đó thì khách mới có cơ hội chi tiêu nhiều. Nhiều địa phương đang chú trọng phát triển các dịch vụ về đêm, Quảng Bình cũng nên như thế!
 
Ngoài ra, chúng ta phải quảng bá phân khúc thị trường đúng gu của khách,  kéo dài hệ số lưu trú. Doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường để phục vụ đúng nguồn khách, làm sao để khách hài lòng, chi tiêu nhiều mới tăng được tổng thu. Nếu không có gì thú vị thì khách sẽ không ở lại và cũng không còn quay lại nữa. Nếu người ta thích thì người ta tìm mọi lý do để ở lại, nếu không thích thì tìm mọi cớ để ra đi. Với Quảng Bình, chúng tôi cũng khuyên là nên thiết kế các tour tuyến kết nối hang động với biển, tạo không gian, hoạt động trải nghiệm. Trong đó, người dân trực tiếp tham gia chủ động vào các tuyến hành trình này, tạo không gian cho khách để khách ở lại một cách thoải mái, có nhiều cơ hội để sử dụng dịch vụ.
 
*Năm 2023, du lịch Quảng Bình đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong năm 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ hỗ trợ gì cho du lịch Quảng Bình trong định hướng thị trường khách, hình thức quảng bá…, thưa ông?
 
- Một lần nữa chúc mừng Quảng Bình trong năm 2023 đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là sự kiện làng Tân Hóa được vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Nhắc đến du lịch biển, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định, biển Quảng Bình chẳng thua kém so với biển Nha Trang, Đà Nẵng... Tuy nhiên, muốn cạnh tranh, du lịch biển Quảng Bình cần tạo nên sự khác biệt, đó chính là văn hóa biển. Mỗi người dân đều là chủ nhân của biển, tô điểm cho biển nhưng cũng đồng thời là người sẽ mang những giá trị của biển đến cho du khách. Làm được như vậy thì mỗi km bờ biển của Quảng Bình mới khác biệt, mới khiến cho du khách cảm thấy thú vị hơn những nơi khác.

Đây là cách làm du lịch sáng tạo, bền bỉ. Quảng Bình phải phát huy danh hiệu đó, lấy đó làm hình ảnh để quảng bá thương hiệu du lịch. Chúng tôi kỳ vọng, năm 2024, Quảng Bình sẽ phát huy những kết quả đã đạt được năm 2023 và phát triển lên một tầm cao mới nhưng phải phát triển một cách bền vững, thích ứng linh hoạt, vượt qua những khó khăn về thời tiết, khí hậu cũng như những biến động, rủi ro trên thị trường.

Năm 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. Đó vừa là xu hướng du lịch của thế giới, vừa thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới về Net Zero. Chúng tôi cũng đang triển khai một số chương trình, đặc biệt là du lịch gắn với nông thôn mới, mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép các tiêu chí về du lịch xanh. Đây là một trong những định hướng để các vùng như Quảng Bình, đặc biệt là du lịch mang tính cộng đồng, gắn với thiên nhiên có thể phát huy được.
Diệu Hương (thực hiện)

tin liên quan

Tiếng gọi của... biển

(QBĐT) -  Được mệnh danh là "Vương quốc hang động", nhưng Quảng Bình không chỉ có vậy. Với chiều dài đường bờ biển hơn 116km, nguồn tài nguyên ở phía biển Quảng Bình rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Đây là những tiềm năng có thể tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần điểm tô cho bức tranh du lịch thêm những sắc màu mới khác biệt, hấp dẫn trong lòng du khách.

Du lịch đường sông những kỳ vọng mới

(QBĐT) - Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Việc sở hữu những con sông dài, đẹp, đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống… là cơ hội, tiềm năng để Quảng Bình thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, hứa hẹn mang đến những sản phẩm khác lạ, độc đáo phục vụ du khách.

Du lịch nông thôn, nhìn từ Lèn Chùa

(QBĐT) - Dù mới "trình làng" chưa lâu, nhưng "tân binh" Lèn Chùa Ecostay đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa. Những ngày cao điểm lượng khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ của khu du lịch này lên đến hơn 5.000 lượt người.