Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp may mặc gặp khó

  • 14:12 | Thứ Năm, 18/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù đã có tín hiệu khả quan hơn từ thị trường xuất nhập khẩu, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do thiếu hụt đơn hàng, doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp (DN) ngành may trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như việc giữ chân người lao động (NLĐ).
 
Liên tục từ quý IV/2022 đến nay, nhiều DN sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, từ việc gián đoạn nguyên liệu, lãi suất tăng đến thiếu lao động cho sản xuất. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng ở các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm, dẫn tới không có đơn hàng cho DN.
 
Công ty TNHH thương mại May Thăng Long là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Hoạt động sản xuất của công ty hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, kéo theo đó là chi phí vận tải, chi phí sản xuất tăng cao, yêu cầu ngày càng khắt khe từ khách hàng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiện lượng hàng tồn kho của công ty rất lớn.
 
Ông Đặng Thăng Long, Giám đốc công ty cho biết: Từ quý IV/2022 đến nay, đơn đặt hàng giảm sụt rõ rệt, trong đó đơn hàng ở châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%, trong quý I/2023 doanh thu của công ty giảm đến 80%. Riêng trong tháng 2/2023, DN hầu như không có doanh thu do nguyên liệu về chậm, không đồng bộ nên không thể sản xuất, không kịp hoàn thiện để xuất hàng. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, số lượng lao động nghỉ việc nhiều, giảm 30% so với cuối năm 2022, trong đó có nhiều lao động đã qua đào tạo, có tay nghề.
Thiếu đơn hàng, phần lớn các doanh nghiệp may mặc sản xuất cầm chừng và không tăng ca.
Thiếu đơn hàng, phần lớn các doanh nghiệp may mặc sản xuất cầm chừng và không tăng ca.
Theo ông Long, trước mắt công ty đang triển khai một số giải pháp tạm thời là chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì sản xuất và công việc cho NLĐ. Cùng với đó là chủ động tìm kiếm nguồn hàng, đơn hàng, nguồn nguyên liệu từ các nước, các thị trường trên thế giới. Tiến hành sắp xếp lại giờ làm, không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm cho NLĐ.
 
Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình cũng đang gặp tình trạng tương tự. Giám đốc công ty Nguyễn Bá Khánh Tùng cho biết: Hiện tại đơn hàng của công ty mới chốt đến tháng 7/2023, nhưng cũng đủ cầm chừng và giữ chân lao động chứ không tăng ca. Ban lãnh đạo công ty đã và đang tìm cách khắc phục theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giảm giờ làm để duy trì lực lượng lao động, chờ thị trường phục hồi. 
 
DN lớn đã khó về đơn hàng, các DN có quy mô nhỏ càng khó khăn gấp bội. Điển hình như Công ty TNHH Xây dựng và may mặc Minh Tuấn có quy mô nhỏ khoảng 100 công nhân và vừa đi vào hoạt động 3 năm nay. Từ đầu năm đến nay, công ty hầu như không có đơn hàng mới, các đơn hàng truyền thống giảm đến 60%. Để duy trì hoạt động cho NLĐ, công ty nhận các đơn hàng nhỏ, đa dạng các loại mặt hàng nhằm duy trì doanh thu và việc làm cho NLĐ.
 
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: Là DN nhỏ nên đơn hàng của công ty chủ yếu gia công lại cho công ty lớn. Những tháng gần đây, các công ty lớn thiếu đơn hàng nên các công ty nhỏ càng khó khăn hơn, mỗi tháng công ty bù lỗ trên 100 triệu đồng.
 
Bên cạnh thiếu đơn hàng thì hiện nghề may mặc đang đối diện với khó khăn chung là tình trạng lao động nghỉ việc. Tiền lương từ tăng ca chiếm phần lớn trong thu nhập của công nhân, cùng với đó, đơn giá gia công hàng hóa giảm nên thu nhập của NLĐ xuống thấp (thậm chí giảm 50%). Hiện có khoảng 15-35% lao động của các công ty may mặc xin nghỉ việc chuyển sang việc khác. Đơn cử như Công ty TNHH thương mại May Thăng Long cuối năm 2022 có 1180 lao động nhưng nay giảm còn hơn 800 lao động; Công ty TNHH Xây dựng và may mặc Minh Tuấn trước có 100 lao động, nay giảm còn 50 lao động...
 
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Không tăng ca, đơn giá gia công thấp nên thu nhập giảm so với trước, nhiều công nhân nghỉ việc chuyển qua công việc khác nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong muốn của công nhân chúng tôi trong thời gian tới là công ty sẽ nhận được nhiều đơn hàng mới để công nhân có thể tăng ca, làm thêm để tăng thu nhập.
 
Trên địa bàn Quảng Bình hiện có khoảng 35 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Đây cũng là ngành tạo nhiều việc làm nhất trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 6.000 người. Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng nghìn công nhân. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt. Trong đó, phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không chủ đạo để có thể duy trì hoạt động sản xuất.
 
Tháng 4/2023, may mặc là một trong những ngành công nghiệp có sản lượng sản xuất giảm. Cụ thể, áo quần các loại đạt 5.699 nghìn cái, giảm 18,3% (trong đó áo sơ mi người lớn đạt 3.730 nghìn cái, giảm 12,2%; áo quần các loại khác đạt 1.969 nghìn cái, giảm 27,8%).
Đứng trước những khó khăn hiện hữu, nhiều chủ DN đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Nhà nước, như: Hỗ trợ về giảm, giãn, gia hạn các loại thuế, phí và bảo hiểm xã hội cho DN, tiếp tục giảm lãi suất vay và tạo điều kiện để DN may mặc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi… Đây là giải pháp cần thiết để DN duy trì hoạt động và vượt qua gia đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để DN tiếp cận dễ dàng với chính sách mới.
 
Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Hồ Nhật Bình cho biết: Theo dự báo của Bộ Công thương, ngành may mặc trong thời gian tới vẫn không mấy khả quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại Quảng Bình, các DN may mặc đang trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, thu nhập của NLĐ và số lượng lao động sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
 
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ DN, vừa qua Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức làm việc với một số DN sản xuất công nghiệp trên trên địa bàn, trong đó tập trung các lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ…nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng cũng như sản xuất, kinh doanh.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Mùa vàng ở Cổ Tràng

(QBĐT) - Những ngày này, người dân ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô đang tích cực thu hoạch lúa vụ đông-xuân. Trên cánh đồng vàng thơm mùi hương lúa, bà con phấn khởi, vui mừng bởi vụ mùa bội thu.

Cựu chiến binh Tuyên Hóa giúp nhau giảm nghèo

(QBĐT) - Để giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên, Hội Cựu chiến binh huyện Tuyên Hóa đã động viên hội viên, CCB khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế.

Thông báo danh sách nộp thừa của người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh Quảng Bình vừa có Thông báo số 1957/TB-CTQBI về việc công khai danh sách nộp thừa của người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.