Cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò

  • 06:33 | Thứ Bảy, 20/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò phát sinh và lây lan. Hiện, huyện Tuyên Hóa đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Đầu tháng 5/2023, trên địa bàn xã Văn Hóa ghi nhận có 2 con bò nghi bị nhiễm bệnh VDNC. Sau khi kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả cho thấy, bò đã bị nhiễm bệnh VDNC. Ngay sau đó, UBND huyện Tuyên Hóa công bố quyết định dịch bệnh VDNC trên địa bàn xã Văn Hóa và yêu cầuđịa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhằm khống chế không để lây lan.
 
Văn Hóa là xã đầu tiên ghi nhận có bò bị bệnh VDNC trên địa bàn huyện Tuyên Hóa trong năm 2023. Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Trần Đức Hiến cho biết: “Sau khi phát hiện có bò bị bệnh VDNC, chính quyền địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền, phun thuốc tiêu độc khử trùng; đồng thời, tiến hành tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 1.100 con trâu, bò, trong đó có hơn 200 con đã được tiêm vắc-xin. Rút kinh nghiệm từ năm 2021, dịch bệnh VDNC đã khiến cho 45 con trâu, bò bị chết và tiêu hủy, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ hộ chăn nuôi đăng ký vắc-xin tiêm cho đàn trâu bò còn lại, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
 
Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có gần 2.240 con trâu, bò của 1.563 hộ/122 thôn, thuộc 19 xã, thị trấn bị bệnh VDNC. Trong số đó có 382 con bị chết và buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng hơn 63 tấn, gây thiệt hại gần 2,9 tỷ đồng cho người dân. Riêng năm 2022, huyện Tuyên Hóa không ghi nhận trâu, bò bị bệnh VDNC. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chính quyền các địa phương chủ quan, lơ là với dịch bệnh nguy hiểm này. 
Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để bảo vệ đàn trâu, bò trước dịch bệnh viêm da nổi cục.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để bảo vệ đàn trâu, bò trước dịch bệnh viêm da nổi cục.
Năm 2021, Đồng Hóa là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Tuyên Hóa xuất hiện dịch bệnh VDNC. Theo thống kê, tổng số trâu, bò bị bệnh VDNC trên địa bàn xã là 205 con, trong đó có 18 con bị chết và buộc phải tiêu hủy.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa Cao Xuân Hùng cho biết: “Thời điểm đó, vì lần đầu tiên trên địa bàn xuất hiện bệnh VDNC, nên người dân và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch bệnh, dẫn đến nhiều con trâu, bò bị chết và tiêu hủy. Năm nay, sau khi UBND huyện có công văn triển khai đăng ký tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh VDNC, UBND xã đã thông báo đến các hộ chăn nuôi để đăng ký tiêm. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã nhận được vắc-xin đợt 1 (khoảng hơn 200 liều). Tuy nhiên, do đàn trâu, bò mới được tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng (theo khuyến cáo, thời gian tiêm mũi vắc-xin tiếp theo sau khi tiêm vắc-xin 2 bệnh nói trên phải qua 14 ngày-P.V), nên chưa thể triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC. Sau khi qua 14 ngày, chúng tôi sẽ triển khai tiêm đồng loạt”.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa Trần Văn Cần cho biết: “Do sự nguy hiểm của dịch bệnh VDNC đối với đàn trâu, bò, năm 2023, UBND huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ 50% kinh phí tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh này. Trên cơ sở số lượng đàn trâu, bò đăng ký tiêm của các địa phương, tháng 4 vừa qua, trung tâm đã chuyển giao 3.610 liều cho các địa phương để tổ chức tiêm phòng đợt 1. Hiện tại, các địa phương đang tổ chức tiêm phòng, đồng thời đăng ký vắc-xin bổ sung để tổ chức tiêm phòng đợt 2. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp đăng ký tiêm phòng cả 2 đợt của các địa phương chỉ mới 10.285 liều, trong khi kế hoạch huyện giao là 17.845 liều (chỉ đạt 57,6% kế hoạch). Dịch bệnh VDNC chuẩn bị bước vào thời kỳ cao điểm, nguy cơ đàn trâu, bò phát bệnh và lây lan rất lớn, trong khi để vắc-xin này phát huy hiệu quả trên thực tế, phải cần đến thời gian 7 ngày sau tiêm”.
 
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương, để khống chế hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh VDNC lây lan, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, không chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh.
 
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng bệnh, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết, và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC đến người chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên trâu, bò để kịp thời phát hiện sớm, xử lý trường hợp trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC, khống chế hiệu quả dịch bệnh trong diện hẹp; đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trâu bò, sản phẩm trâu bò tại địa phương đang có dịch; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.
 
D.C.H

tin liên quan

Sức bật Thái Thủy

(QBĐT) - Những năm gần đây, diện mạo nông thôn xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Quảng Ninh: Biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sáng 19/5, Hội Người cao tuổi huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi 5 năm, giai đoạn 2018-2023. 

Gần 15.000ha lúa vụ đông xuân đã thu hoạch

(QBĐT) - Vụ đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.317ha lúa. Hiện, lúa đông xuân trà đầu, trà chính vụ giai đoạn chín sáp, thu hoạch; trà muộn chín sữa, chín sáp.