"OCOP" trên quê lúa…

  • 13:32 | Chủ Nhật, 11/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với một địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, để tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê, đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang dần lan tỏa mạnh ở Lệ Thủy và không ít sản phẩm chế biến từ nông sản đã được nâng tầm để phát triển, tạo thu nhập cho người dân. Nhưng, để OCOP nâng tầm trên quê lúa vẫn còn những khó khăn phía trước…
 
Tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê…
 
Sau 3 năm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, các sản phẩm khoai deo của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai lang Lâm Hường (xã Thanh Thủy) luôn khẳng định là thương hiệu chất lượng, uy tín trên thị trường.
 
Bà Lê Thị Hường, Giám đốc HTX cho biết, đi vào hoạt động từ năm 2018, HTX đã huy động nguồn lực từ các thành viên để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng quy trình sản xuất, chế biến khoai lang. Đặc biệt, HTX đã đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm khoai lang của vùng cát Thanh Thủy để phục vụ nhu cầu người dân, khách du lịch.
 
"HTX chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoai lang với diện tích hơn 100ha và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương. Ngoài ra, HTX đã áp dụng công nghệ mới, chế biến thêm các sản phẩm từ khoai lang, như: Khoai deo sấy gừng, tinh bột khoai lang, khoai deo…”, bà Lê Thị Hường cho hay. 
Kiểm tra vùng nguyên liệu sản xuất ở HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai lang Lâm Hường.
Kiểm tra vùng nguyên liệu sản xuất ở HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai lang Lâm Hường.
Năm 2019 và 2020, sản phẩm khoai deo và khoai deo sấy gừng của HTX được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện, đầu ra cho sản phẩm khoai deo của HTX tương đối ổn định, nhưng vẫn còn bấp bênh. Các kênh phân phối chủ yếu là ở các siêu thị, chợ, cửa hàng trong tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được từ 10-12 tấn khoai deo với tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm.
 
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh (xã Dương Thủy) đang thực hiện những thủ tục cuối cùng, trình các cơ quan chức năng để công nhận các sản phẩm dầu gội đầu và bột ngũ cốc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh.
 
Ông Võ Phước Bách, thành viên HTX chia sẻ, thành lập từ năm 2020, HTX đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, như: Dầu gội đầu, sữa tắm, nước rửa chén, các loại tinh dầu, tinh bột… Hiện, các sản phẩm của HTX đang được bán ở các tỉnh phía Nam và huyện Lệ Thủy. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, bảo tồn các loại thảo dược quý từ dân gian, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho bà con trên địa bàn…
 
“Một số sản phẩm do HTX sản xuất được chọn đăng ký là sản phẩm OCOP sẽ là tiền đề để HTX xây dựng thương hiệu cũng như khẳng định chất lượng sản phẩm. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX sẽ thực hiện việc định hướng thêm cây trồng cho bà con ở địa phương nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định theo quy trình, kiểm soát khắt khe kỹ thuật của HTX, nâng cấp cơ sở, sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm mới từ thảo dược ra thị trường…”, anh Bách cho hay.
 
Làm gì để OCOP nâng tầm?
 
Huyện Lệ Thủy hiện có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, như: Cá lóc khô tẩm gia vị, mực khô (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thuỷ sản Ngư Nam), mật ong Trường Thủy (HTX Nuôi ong lấy mật Trường Thủy), tinh dầu tràm Giáo Vượng (Cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Giáo Vượng), viên nghệ mật ong (HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn), ống hút tre (HTX Tổng hợp nông trại An Mã), bánh xoài (HTX Nông sản Vân Di), gạo sạch Lệ Thủy (HTX Mỹ Lộc Thượng)…
 
Năm 2022, huyện Lệ Thủy có 54 phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chu trình OCOP từ 26 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua rà soát, kiểm tra đã lựa chọn được 9 cơ sở với 11 sản phẩm đáp ứng yêu cầu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2022.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho rằng, các sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực... 
Một số sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh đang làm thủ tục công nhận sản phẩm OCOP.
Một số sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh đang làm thủ tục công nhận sản phẩm OCOP.
Cũng theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, là địa phương phát triển về nông nghiệp, được mệnh danh là “vựa lúa” của tỉnh, nên việc chú trọng nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Thực tế, Lệ Thủy có nhiều tiềm năng và thế mạnh để xây dựng các sản phẩm OCOP.
 
Tuy nhiên, hiện các sản phẩm chủ lực ở địa phương đã tập trung xây dựng hết. Như đối với các địa phương vùng giữa chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đã xây dựng được thương hiệu gạo Lệ Thuỷ; các địa phương vùng gò đồi đã xây dựng thương hiệu mật ong, các loại quả; các địa phương vùng biển xây dựng thương hiệu thuỷ sản, khoai deo. Nếu so với các địa phương khác, Lệ Thủy chỉ đứng sau huyện Bố Trạch về các sản phẩm được công nhận OCOP…
 
Thực tế xây dựng sản phẩm OCOP tại huyện Lệ Thủy cho thấy, khó khăn lớn nhất mà địa phương đang gặp phải, đó là: Phần lớn các chủ thể kinh tế trên địa bàn huyện chưa được đào tạo về kiến thức sản xuất, kinh doanh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trực tiếp sản xuất và thị trường sẵn có nên rất hạn chế trong việc hoàn thiện hồ sơ sản phẩm như lập kế hoạch kinh doanh, không có hợp đồng thu mua nguyên phụ liệu, hợp đồng mua bán sản phẩm; nhận thức về chương trình OCOP của một số cơ sở, hộ sản xuất, HTX chưa cao, cá biệt một số sản phẩm chỉ mang tính thu gom rồi đóng gói bán ra thị trường, thiếu ổn định trong nguồn nguyên liệu, chế biến…
 
Theo mục tiêu đề ra, từ năm 2022-2025, huyện Lệ Thủy sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 30-35 sản phẩm; trong đó phấn đấu có 1-2 sản phẩm đạt 5 sao, 5-10 sản phẩm đạt 4 sao, 20 sản phẩm trở lên đạt 3 sao; phấn đấu ít nhất có 80% chủ thể OCOP là HTX và các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 huyện Lệ Thủy có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện…
“Một số xã chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương. Hơn nữa, huyện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên các hộ dân, HTX rất ngại khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện chương trình OCOP. Mặt khác, quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thông tin thêm.
 
Vậy, để OCOP nâng tầm trên quê lúa, huyện Lệ Thủy phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với các ngành nghề, dịch vụ có lợi thế nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát huy sự tham gia của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai chương trình OCOP; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế về nguyên liệu ở các xã, thị trấn, bảo tồn các giá trị văn hoá, cảnh quan và môi trường nông thôn…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Bố Trạch: 148 trang trại chăn nuôi hoạt động hiệu quả

(QBĐT) - Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 148 trang trại chăn nuôi đang hoạt động hiệu quả.
 

Diễn đàn phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học

(QBĐT) - Trong hai ngày 8-9/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học".

Quảng Bình tham gia hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022

(QBĐT) - Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức khai mạc hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng (VITM Đà Nẵng 2022).